Phụ nữ cũng kiếm ăn bằng… cơ bắp
Đến chợ đầu mối Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào một ngày hè nắng gắt, tôi để ý đến một đội quân bốc vác đang ngồi túm tụm lại với nhau chờ đợi người thuê. Tất cả 6 người ngồi đó đều là phụ nữ. Rồi khi có khách í ới, một chị đầu đội chiếc nón cũ mèm, chân đi dép lê nhanh nhảu rời tốp đi theo vị khách.
Đến chỗ để hàng, chị cố lấy đà đưa một chiếc bao tải to gấp đôi thân hình mảnh khảnh của mình lên vai. Sức nặng của chiếc bao tải khiến chị phải khom lưng, lò dò từng bước. Thi thoảng, khách mua hàng trong chợ lại va phải chiếc bao tải khiến chị lảo đảo vài bước, khi thì ngã sang trái, lúc chạy sang phải để lấy lại thăng bằng.
Len mãi rồi nữ cửu vạn cũng cõng được đống hàng đến đích. Chiếc bao tải từ trên vai chị rơi xuống đất nghe "bịch" một cái. Mồ hôi trên mặt, trên trán túa ra thành từng giọt lớn. Vừa thở hổn hển, chị vừa đưa tay nhận một tờ polyme 10.000đ từ chủ bao hàng. Đó là những hình ảnh đã quá quen thuộc để lột tả nỗi nhọc nhằn của những nữ cửu vạn tại khu chợ đầu mối tấp nập, ồn ào này.
Hỏi ra mới biết chị là Lê Thị Nhung (quê ở Đông Hưng, Thái Bình) làm nghề này cũng được 3 năm có lẻ. Trong bữa cơm trưa vội vàng tại một góc chợ, chị Nhung đã chia sẻ với tôi rất nhiều về nỗi gian truân của những phụ nữ làm nghề “kinh doanh” cơ bắp.
Ở quê, chị Nhung cũng có chồng con đàng hoàng. Nhưng chồng thì bị bệnh, không làm được việc nặng, 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Biết rằng không thể gánh vác được cả gia đình với vài sào ruộng, nên chị lên Hà Nội kiếm việc. Trình độ, bằng cấp không có, chị đành chọn cái nghề bán sức lao động này để kiếm sống.
Chị kể: “Ở quê làm đồng áng nhiều, nên cũng quen với việc lao động tay chân rồi. Ấy thế mà lần đầu khuân hàng giúp khách, cố nâng kiểu gì hàng cũng không lên được vai. Khách tức quá, mắng cho xối xả. Họ là dân buôn bán nên nói câu nào cũng như móc vào gan ruột, khiến tôi tủi thân, lẳng lặng rút lui mà nước mắt trào ra”.
Sau lần ấy, chị Nhung còn tưởng rằng không thể làm được nghề này. Nhưng rồi vì lo cho gia đình nhỏ bé của mình ở quê, nên chị cố gắng làm quen với công việc. Tập dần chị đã khuân được những bao hàng to gấp mấy lần cơ thể. Làm riết rồi thành ra quen. Giờ đây chị chẳng còn nề hà khi nhìn thấy những bao hàng “khổng lồ” nữa.
Số tiền kiếm được sau mỗi cuốc hàng tùy thuộc vào quãng đường vận chuyển và trọng lượng của hàng hóa nên nhiều khi để kiếm được nhiều tiền chị còn mong khách thuê mình trên những chặng đường xa để còn “có công có cán”. Đôi tay chị xù xì, gân guốc nổi lên như chứng minh cho một công việc “không thuộc về phái nữ”.
Có khách thuê đều đặn, mỗi ngày các chị kiếm được đôi trăm, số tiền không nhiều song cũng gọi là khá giả so với làm ruộng, nên các chị vẫn không thể bỏ cái nghề “kiếm cơm” này. Ngoài nỗi vất vả mưu sinh, những nữ cửu vạn còn phải chịu nhiều điều tiếng, đôi khi bị đối xử một cách thô bạo.
Chị Nhung tâm sự: “Cái nghề này nó bạc lắm. Mình bán sức cho người ta nhưng chẳng bao giờ được ai trọng vọng cả. Họ coi mình là loại hèn mọn nên thường xuyên quát nạt, thậm chí là chửi mắng nếu chúng tôi vô tình đứng sát vào sạp hàng. Có nhiều bà chủ kiot ở đây ác miệng lắm, bán hàng không được thì lại cứ nhằm vào nữ cửu vạn mà chửi, bảo chúng tôi là đứng đó làm cho tắc đường, ám quẻ không cho bà ta bán hàng. Rồi nhiều người không ngần ngại còn “đốt vía” ngay trước mặt chúng tôi”.
Không chỉ nhọc nhằn bởi bị chủ hàng khinh bỉ, các nữ cửu vạn còn phải từng ngày đối mặt với nguy cơ sập “bẫy tình” của những đối tượng có máu dê. Nhiều đối tượng háo sắc thấy một vài nữ cửu vạn trẻ trung xinh đẹp nên tung chiêu bệnh hoạn hòng "mua" thân xác chị em. Không ít chị em đã gặp phải những trường hợp bị quấy rối tình dục đặc biệt là những người có ngoại hình dễ nhìn.
Chị kể: “Trước ở chỗ chị có một cô bé 20 tuổi, mới lên Hà Nội, chưa tìm được việc nên được người quen đưa ra đây tạm theo nghề bốc vác. Vốn có thân hình phát triển và khuôn mặt đẹp nên thường xuyên là "đích ngắm" của những kẻ đồi bại. Có nhiều thằng còn thẳng thắn đề nghị “Đi nhà nghỉ với anh không” rồi cố tình đụng chạm, vỗ mông khiến con bé sợ rúm ró. Không chịu được cuộc sống mệt nhọc, hàng ngày lại luôn bị ve vãn và nghe những lời khiếm nhã nên cô bé ấy làm được mấy hôm thì nghỉ.”
Hầu như nữ cửu vạn nào cũng phải ăn mặc “kín cổng cao tường”, chỉ trừ khi ăn uống hoặc giải lao mới dám dời chiếc khăn bịt mặt. Lo cho gương mặt sạm đen thì ít mà lo cho việc bị sàm sỡ thì nhiều. Bởi có ai biết rằng có nhiều kẻ háo sắc vẫn hàng ngày rình rập chỉ trực chờ cơ hội để “chén” ngon lành bất kỳ nữ cửu vạn nào.
Chị Nhung là một nữ cửu vạn có chút nhan sắc nên cũng không thoát khỏi sự “dòm ngó” của những kẻ hám gái, thậm chí là chủ chứa. Cách đây khoảng 1 năm, chị được một phụ nữ trang điểm đậm, tay chân xúng xính trang sức đăt tiền tới thuê chị khuân ít quần áo về nhà. Chị Nhung cũng hồ hởi đi theo vì hàng thì nhẹ trong khi đó người này hứa sẽ trả mức công hậu hĩnh.
Ảnh minh họa |
Chỉ đến khi làm xong việc, chị mới ngớ người ra. Hóa ra đây là một “tú bà” đang “khan hàng” nên đi kiếm nguồn mới. Thấy chị có gương mặt ưa nhìn nên mới nảy ra ý định kiếm mối. Mụ ta nhìn chị rồi ngỏ lời mật ngọt: “Tôi thấy chị cũng có chút nhan sắc, lại thương chị phải làm công việc vất vả nên muốn mời chị làm ở đây, được ăn ngon mặc đẹp, hàng tháng lại rủng rỉnh tiền mang về quê…”
Người đàn bà đó còn nói nhiều điều nữa. Nhưng chị Nhung đã thấy đầu óc choáng váng và không muốn nghe thêm một lời nào nữa, vội vàng hấp tấp từ chối rồi ra về, quên cả việc đòi món tiền công hậu hĩnh. Ra đến cửa, chị còn được mụ chủ chứa “tặng” cho một cái nguýt dài: “Đã nghèo lại còn làm cao. Không nghe thì cho mày đi bốc vác mọt xác”.
Hóa trang cho xấu, vẫn bị đồng nghiệp “gạ tình”
Những cái bẫy như chị Nhung gặp phải không là chuyện quá hy hữu khi bắt tay vào cái nghề bốc vác này. Nếu ngồi nghe tâm sự của các nữ cửu vạn có ngoại hình ưa nhìn tại các khu chợ đầu mối ở Hà Nội thì mới nghiệm ra rằng những pha gạ tình như thế này diễn ra như cơm bữa.
Nghe tâm sự của chị Hoàng Thị Hoa (27 tuổi, quê Hà Nam) đang làm việc tại chợ đầu mối Long Biên, chắc chắn nhiều người sẽ rùng mình sợ hãi.
Đó là vào một hôm chị Hoa bị “ế hàng” (không có khách thuê) nên định tính chuyện về sớm thì bỗng có một người phụ nữ gầy gò, gương mặt hiền lành đến thuê chị về nhà để chuyển đồ. Lúc đó cũng đã chập tối nhưng vì là con gái thuê nên chị yên tâm đi cùng.
Khi đến nơi, chị thấy nhà cửa người phụ nữ được sắp xếp rất gọn ghẽ, chẳng có dấu hiệu gì của việc sắp chuyển nhà. Đang lúc khó hiểu thì người phụ nữ này mời chị ngồi xuống ghế và đặt vấn đề: “Thực ra tôi thuê chị về đây không phải để vác đồ mà chỉ mong chị thương tôi, “phục vụ” cho anh nhà tôi một hôm”.
Chị Hoa tá hỏa từ chối và giải thích rằng chị không phải là loại gái đứng đường. Thế nhưng người phụ nữ này vẫn khẩn thiết van xin bảo rằng chính vì biết chị làm ăn lương thiện, không bệnh tật gì nên mới thuê làm việc này…
“Trên đường về, tôi vừa thương người phụ nữ đó vừa thấy sợ. Khổ thân chị ta có anh chồng bạo dâm, không phục vụ nổi chồng nên mới xanh xao, gầy guộc như thế. Chắc túng quá chị ta làm liều, không dám gọi gái đứng đường cho chồng vì sợ lây AIDS nên mới nghĩ ra cái hạ sách trả công hậu hĩnh cho một nữ cửu vạn để phục vụ chồng. Cũng may là chị ta còn hiền lành chứ giờ cứ nghĩ cái cảnh vào nhà người ta rồi bị khóa trái cửa lại thì có mà thoát đường trời”. Chị Hoa rùng mình nhớ lại.
Trước đây chị Hoa chỉ cảnh giác với những khách hàng là nam giới. Nhưng từ sau vụ đó, chị còn bị ám ảnh bởi chính người cùng giới với mình. Bây giờ chị chỉ nhận những vụ bốc vác ở gần, tránh đi theo chủ về nhà vì lo gặp “bẫy tình”.
27 tuổi, dù làm việc vất vả nhưng nước da chị Hoa vẫn trắng trẻo hồng hào. Không tự tin với chiếc khăn bịt mặt trùm đến tận cổ, nhiều lần trước khi đi làm chị còn phải bôi than vào mặt để tránh sự dòm ngó của những ông chủ hàng hám gái.
Hễ thấy ai nhìn chòng chọc vào người là các chị phải vội vàng thông báo ngay với các chị em khác để tất cả cảnh giác và bảo vệ nhau. Song việc cải trang ấy cũng chỉ là một phần thôi. Làm cái nghề này quan trọng nhất là các chị em cùng nghề phải đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau thì mới mong “thoát nạn” trong những pha hiểm nghèo nhất.
Nói như chị thì việc gặp phải những kẻ nghiện ngập, những kẻ trắng trợn mời mọc : “Đi nhà nghỉ với anh, 500 nghìn/1 tối” đã là chuyện “cơm bữa ” phải đối mặt thường xuyên của các nữ cửu vạn. Khi bị như thế, các chị còn hò nhau vác đòn gánh ra đánh đuổi được. Nhưng “khó đỡ” nhất là tính huống người “gạ tình” chính là những đồng nghiệp nam cùng chỗ làm.
Chị Hoa chua chát: “Họ cũng là lao động hiền lành thôi. Nhưng đa phần từ quê lên phố bán sức lao động nuôi vợ con. Cái cảnh sống thiếu vợ, nên sao tránh khỏi ham muốn làm “chuyện ấy”. Ngoài việc thỉnh thoảng “tòm tem” với mấy gái bán hoa, họ còn nghĩ ra cách “dụ” đồng nghiệp nữ để thỏa mãn tình dục. Có lẽ lúc họ gạ, họ cũng không nghĩ được gì đâu. Nhưng khi nói ra rồi thì khó nhìn mặt nhau lắm. Dẫu rằng cùng cảnh ngộ song các nữ cửu vạn như tôi không bao giờ làm các chuyện ấy cả”.
Theo PNT
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT