Thưa ông, ông nhìn nhận gì về động thái của phía Trung Quốc hết dùng tàu hải giám rồi tàu đánh cá được sự hậu thuẫn của tàu ngư chính xâm phạm vùng thềm lục địa Việt Nam?
Ông Lê Việt Trường: Nếu theo dõi thường xuyên tình hình Biển Đông thì hoàn toàn không bất ngờ trước những động thái gần đây của Trung Quốc. Mục tiêu tiến ra biển để trở thành cường quốc biển của họ được thể hiện rất rõ trong Chiến lược biển đã được công bố.
Mục tiêu cụ thể của họ là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và các điều kiện cần thiết để từ năm 2020 sẽ “Đại khai thác Biển Đông”, đến cuối thể kỷ 21 đưa tỷ trọng nguồn thu từ biển chiếm 35% GDP. Vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chiếm khoảng 82% diện tích Biển Đông theo tính toán của các chuyên gia, nằm trong đường 9 đoạn, lấn vào thềm lục địa của nhiều nước, trong đó có Việt Nam nên đang bị dư luận khu vực và thế giới phản đối.
Để chứng minh cho cái gọi là “sự chính đáng của đường 9 đoạn” đương nhiên họ phải có hoạt động thể hiện tính chất hoạt động quản lý trên vùng biển này. Như vậy, vụ bắn vào tàu hải quân của ta (năm 1988), bắn ngư dân Thanh Hóa (tháng 1 năm 2005), đơn phương quy định thời gian cấm đánh bắt cá ở xung quanh quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm vùng thềm lục địa Việt Nam cắt cáp của tàu tham dò dầu khí, cho tàu ngư chính, hải giám tiến sâu xuống vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa… là một chuỗi hành động có mục đích, được tính toán theo một kịch bản trong lộ trình hiện thực hóa Chiến lược biển.
Vì thế, trong tương lai, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục diến biến phức tạp cho tới chừng nào không tồn tại yêu sách đường 9 đoạn nữa.
Thách thức an ninh phi truyền thống trên Biển Đông
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã có cùng nhận định, việc Trung Quốc dân sự hóa tàu quân sự để sử dụng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay đã tạo ra những thách thức an ninh phi truyền thống mới. Ông đánh giá gì về nhận định này?
Ông Lê Việt Trường: Tôi thấy nhận định trên là có cơ sở, vì việc: một nước cho tàu thuyền ngang nhiên xâm phạm trái phép, cản trở các hoạt động bình thường của một nước khác ngay trong vùng thềm lục địa của nước đó (vốn được xác định phù hợp với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982) là hành động không thể chấp nhận được. Hành động đó cần phải bị lên án mạnh mẽ để bảo vệ hiệu lực pháp lý của Công ước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của nước bị xâm hại.
Theo ông, giải pháp đối phó với thách thức từ đội tàu quân sự trá hình này?
Ông Lê Việt Trường: Việc quản lý, bảo vệ và khai thác biển đảo cần phải được tiến hành trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức và hành động, tiến hành một cách có tổ chức và bài bản. Đi đôi với kiên trì đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận ngoại giao - pháp lý, cần phải có các giải pháp tăng cường xây dựng lực lượng và tổ chức các hoạt động trên biển, bảo đảm sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, gắn kết chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chuyên trách với hoạt động đánh bắt hải sản của nhân dân.
Xây dựng và phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các lực lượng hoạt động trên biển đảo thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa, hạn chế được những hành động tương tự mà họ đã tiến hành trong thời gian qua.
Trả lời phỏng vấn Báo GDVN, nhiều chuyên gia quân sự, ngoại giao cho rằng giải pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia lúc này là công khai thông tin để dư luận quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam. Theo ông, ta có thể công khai vấn đề gì và công khai đến đâu?
Ông Lê Việt Trường: Tôi không rõ dư luận quốc tế cần thông tin nào về biển đảo của Việt Nam? Trong thời gian qua, thông tin về biển đảo của nước ta đã được truyền tải đến công chúng khá đầy đủ qua các kênh thông tin chính thức của Chính phủ cũng như trên các trang mạng xã hội.
Cơ bản và quan trọng nhất là thông tin về lập trường của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thông tin này đã được thể hiện rõ ràng và nhất quán trong Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Luật Biên giới quốc gia và trong tuyên bố của lãnh đạo cấp cao, của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Thông tin về sự xâm phạm của tàu thuyền nước ngoài đối với vùng biển, thềm lục địa nước ta, bắt bớ, cướp bóc tài sản của ngư dân ta đã được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các biện pháp ngoại giao cần thiết theo thông lệ quốc tế để phản đối và vạch trần bản chất của đối tượng gây ra các hành động thô bạo với ngư dân Việt Nam đã được tiến hành kịp thời. Nhiều hội thảo trong nước và quốc tế về Biển Đông được tiến hành ở trong nước và ngoài nước với sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu có uy tín...
Theo tôi Việt Nam đã công khai toàn bộ những thông tin cơ bản và cần thiết về biển đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của mình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982. Có chăng chỉ còn những vấn đề liên quan đến biển đảo nhưng thuộc phạm vi bí mật nhà nước, vì quốc gia nào cũng phải làm như vậy.
Mới đây, trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của 1 số quốc gia ASEAN, Trung Quốc tiếp tục phô trương lực lượng hải quan của mình bằng thông tin “tăng cường quy mô lực lượng hải tuần năm 2020”. Đặc biệt, trong bài xã luận trên tờ báo Văn hối vốn được nhiều chuyên gia cho là tiếng nói của Bắc Kinh tại Hong Kong, người ta thấy lần đầu tiên kể từ khi sóng gió nổi lên ở Biển Đông xuất hiện cụm từ “quyết không ngồi đó để nhìn”. Ông có đánh giá gì về tuyên bố này của Trung Quốc?
Ông Lê Việt Trường: Tôi không rõ mối liên hệ giữa Tờ báo này với nhà nước Trung Quốc thế nào nên không có căn cứ để khẳng định đó là tuyên bố của Trung Quốc. Theo dõi trên mạng, nhiều người đều có chung nhận xét đây là tờ báo hay đăng tải những thông tin giật gân về quan hệ giữa nước này với nước khác với dụng ý xấu nên cần phải bình tĩnh, xem xét một cách thận trọng.
Lời nhắc nhở đối với Trung Quốc
Cuối tuần qua, 7 quốc gia ASEAN đã có tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, kêu gọi một giải pháp hoà bình và vận dụng công ước của Liên hiệp quốc trong giải quyết các tranh chấp ở một số khu vực ở Biển Đông. Theo ông, sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình tại biển Đông hiện nay?
Ông Lê Việt Trường: Tiếng nói chung của 7 quốc gia thành viên của ASEAN là thông điệp của đa số thành viên một tổ chức khu vực có uy tín, đang phát triển hướng tới một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đây sẽ là sự nhắc nhở cần thiết đối với Trung Quốc trên phương diện là một bên tham gia Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông của các bên năm 2002-DOC.
Ba tuần đặc biệt vừa qua đã thêm một lần minh chứng, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, lòng yêu nước của nhân dân ta lại “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn” như lời Hồ Chủ tịch từng đúc kết. Theo ông, chúng ta phải làm như thế nào để lòng yêu nước phát huy được sức mạnh và tránh bị kẻ xấu kích động, gây ảnh hưởng chung tới đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước?
Ông Lê Việt Trường: Chúng ta tự hào về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Bày tỏ lòng yêu nước là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân cần được trân trọng và phát huy. Tuy nhiên, việc bày tỏ lòng yêu nước mà có liên quan đến quan hệ đối ngoại giữa nước ta với nước khác trong bối cảnh phức tạp và nhạy cảm thì cần phải cân nhắc để tránh những bất lợi không đáng có.
Lịch sử hàng ngàn năm cho thấy, những nước đến xâm lược không khuất phục được dân tộc Việt Nam là vì dân tộc ta có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trên dưới một lòng. Ngày nay, bài học đó vẫn còn nguyên giá trị.
Mọi việc làm không có tổ chức, thiếu sự thống nhất không khéo sẽ rơi vào đúng vào ý đồ của kẻ xấu, vì họ đang muốn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, sự thống nhất giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo tôi, lập trường, thái độ và thông điệp của Đảng và Nhà nước ta về hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và nhất là trong vùng thềm lục địa của Việt Nam như đã làm là cần thiết, kịp thời và đúng mức. Sau các tuyên bố của Người phát ngôn Bộ ngoại giao phản đối việc làm của Trung Quốc là phát biểu của Thủ tướng, Chủ tịch nước thay mặt nhân dân Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta đối với các vùng biển đảo của Việt Nam nói chung, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và nêu rõ quyết tâm bảo vệ các vùng biển đảo của mình trong mọi tình huống.
Sự quan ngại về ASEAN chia rẻ là không có cơ sở
Ông đánh giá gì về khía cạnh địa chính trị và chiến lược của vấn đề biển Đông, giữa Trung Quốc, Mỹ và ASEAN?
Ông Lê Việt Trường: Ở khía cạnh địa chính trị, Biển Đông có vị trí quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng không chỉ đối với các nước trực tiếp liên quan đến nó mà còn các nước khác. Theo thông tin chung, mỗi ngày trung bình có từ 150 đến 200 chuyến tàu thương mại qua lại tuyến hàng hải này. Với vị trí địa chính trị như vậy, Biển Đông không thể nằm ngoài tính toán chiến lược của các nước lớn có ưu thế về sức mạnh quyền lực biển như Trung Quốc, Mỹ. Đối với các nước ASEAN tuy không có ưu thế sức mạnh quyền lực biển nhưng là những nước có quyền lợi trực tiếp.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của ASEAN trong vấn đề giải quyết xung đột ở biển Đông? Ông có lo ngại ASEAN sẽ bị chia rẽ trong vấn đề biển Đông khi mà Trung Quốc đang tăng cường quan hệ song phương với từng nước?
Ông Lê Việt Trường: Trong vấn đề giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, ASEAN có vai trò rất quan trọng. Các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc là hai bên đã tham gia Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông năm 2002 - DOC. Hơn nữa, một trong 3 trụ cột của Hiến chương ASEAN là bảo đảm ổn định về Chính trị-An ninh trong khu vực. Theo đó, khi phát sinh những xung đột ở Biển Đông tất yếu sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định Chính trị-An ninh của khu vực. Vì vậy, ASEAN là chủ thể không thể thay thế trong giải quyết những xung đột này.
Vừa qua, 7 quốc gia ASEAN đã có tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, kêu gọi một giải pháp hoà bình và vận dụng công ước của Liên hiệp quốc trong giải quyết các tranh chấp ở một số khu vực ở Biển Đông cho thấy sự quan ngại về ASEAN chia rẽ trong vấn đề này là không có cơ sở.
Theo ông, chúng ta nên ứng xử ra sao để vẫn giữ hòa hiếu và toàn vẹn đất đai dân tộc?
Ông Lê Việt Trường: Đây là những vấn đề thuộc chiến lược, sách lược của Đảng và Nhà nước ta. Theo tôi, trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng cần thấm nhuần và vận dụng tư tưởng của Bác Hồ khi xử lý các vấn đề hệ trọng liên quan đến quyền lợi quốc gia, dân tộc. Đó là: “chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bất biến, xử lý các vấn đề trong bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là vạn biến”.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết một lòng, tiến hành đồng bộ các biện pháp đấu tranh kiên quyết trên phương diện ngoại giao - pháp lý làm cho thế giới thấy rõ bản chất của đường 9 đoạn, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế; làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, khai thác biển đảo, trong đó chú trọng yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; chủ động, bình tĩnh, sáng suốt trong xử lý các tình huống không để bị kích động, tạo cớ.
Không chấp nhận giải quyết tranh chấp kiểu "Công lý thuộc về kẻ mạnh"
Đâu là trở ngại lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề biển Đông? Quốc hội đã, đang và sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc giải quyết các vấn đề này?
Ông Lê Việt Trường: Hiệu lực pháp lý của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông của các bên năm 2002 – DOC chưa được tôn trọng trên thực tế là trở ngại lớn nhất trong giải quyết vấn đề Biển Đông.
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, Quốc hội luôn giữ vai trò rất quan trọng đối với tất cả các vấn đề của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982, thông qua Luật Biên giới quốc gia và chuẩn bị để thông qua Luật biển Việt Nam.
Trong Nghị quyết phê chuẩn Công ước và các đạo luật đã ban hành, Quốc hội khẳng định Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các các vùng biển, đảo, quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982. UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam…
Trong phân bổ ngân sách hàng năm, Quốc hội đều dành tỷ lệ ngân sách thích đáng cho các nhiệm vụ biển đảo. Cùng với hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ, khai thác và đấu tranh, Quốc hội tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện trong khuôn khổ AIPA, APA, IPU… để tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các nước đối với lập trường chính đáng của nhân dân Việt Nam trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều ý kiến cho rằng, một giải pháp quan trọng vào lúc này là hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để đề phòng các xung đột vũ trang trong các khu vực tranh chấp. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Lê Việt Trường: Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính pháp lý ràng buộc các bên tham gia là rất cần thiết để giải quyết những tranh chấp khi phát sinh. Trong một thế giới văn minh, không thể chấp nhận việc giải quyết tranh chấp theo kiểu “công lý thuộc về kẻ mạnh” mà phải dựa trên cơ sở pháp luật.
Chúng ta cần tích cực chủ động, kiên trì thúc đẩy tiến trình hoàn thiện Tuyên bố DOC để trở thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), làm cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp đang hiện hữu cũng như có thể phát sinh trong tương lai. Vì cái gốc của vấn đề chính là chủ quyền của mỗi nước mà điều này thì không thể ngày một ngày hai có thể đạt được giải pháp cuối cùng.
Theo GDVN
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT