Một chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Ông không đồng tình với cách quảng cáo của Kangaroo, quảng cáo đã khuyếch đại sự thật “hơi quá đà”.

Nhiều ngày qua, cư dân mạng vẫn tiếp tục có những phản ứng trái chiều về clip quảng cáo máy lọc nước Kangaroo, được phát sóng nhiều lần trong thời gian nghỉ giữa hiệp của trận đấu chung kết Champions League trên VTV3.
Cho đến lúc này, khi không còn công kích mạnh mẽ sự phản cảm của quảng cáo, cư dân mạng và người tiêu dùng đã đặt câu hỏi: Máy lọc nước Kangaroo có phải là hàng đầu Việt Nam? Hàng đầu về tiêu chí nào: chất lượng, doanh số? Hay nếu đã là hàng đầu, Kangaroo có cần thiết phải "tra tấn" người tiêu dùng bằng quảng cáo như vừa qua?
“Đó là một quảng cáo quá trớn”
Trao đổi với báo chí, một chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Bản thân ông cũng không đồng tình với cách quảng cáo này.
Với những kiến thức chuyên môn, ông cho rằng: Quảng cáo đã khuyếch đại sự thật một cách “hơi quá đà”. “Quảng cáo này hơi quá trớn. Thêm nữa, luật pháp của Việt Nam trong trường hợp lộng ngôn như vậy phải nên phạt mới phải”, vị GS.PTS này thẳng thắn đưa ra quan điểm.
Trên website chính thức của Kangaroo không ghi rõ nguồn gốc xuất
xứ của sản phẩm, sản xuất từ nước nào? (Ảnh chụp từ màn hình).
Trên website của Tập đoàn Kangaroo và nhiều trang web khác, máy lọc nước Kangaroo được giới thiệu là sản phẩm mang lại nhiều hiệu quả bất ngờ cho người dùng như “gia tăng tuổi thọ cho bạn”, “hạn chế tối da các bệnh thường có do nguồn nước gây ra”, “loại bỏ hoàn toàn chất gây hại cho cơ thể như: Chất diệt côn trùng, chất phóng xạ, vi khuẩn, các độc tố khác gây ung thư...”. Theo đó, nước qua hệ thống lọc hoàn toàn tinh khiết và có thể uống ngay mà không cần đun, nước qua lọc RO mềm và ngon hơn”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường: Công nghệ R/O chỉ loại bỏ các chất thông thường như kim loại màu, các dạng kết tủa của ô xít, một phần các vi sinh vật,… chứ không thể loại bỏ được các chất độc như asen hay amoni, hay “hoàn toàn chất gây hại cho cơ thể”.
Hơn nữa, người tiêu dùng cũng nên đặt dấu hỏi về chất lượng của máy lọc nước chứ không nên hoàn toàn tin tưởng “có thể uống ngay mà không cần đun”. Bởi công nghệ trong các máy lọc nước thì chỉ có một, trong khi nguồn nước mỗi vùng miền lại có những tính chất, mức độ ô nhiễm khác nhau. Việc loại bỏ các tạp chất trong nước ở tất cả các vùng miền là điều khó thực hiện.
Là một chuyên gia đầu ngành đồng thời là người thường xuyên xét nghiệm các mẫu nước, PGS.TS Lê Văn Cát - Trưởng phòng hóa môi trường, Viện hóa học thuộc Viện khoa học công nghệ Việt Nam trong buổi trao đổi với VTC News đã cho biết: “Với amoni, công nghệ lọc nước RO cũng không có tác dụng gì.Xử lý amoni là vấn đề nặng nề nhất ở đồng bằng Bắc bộ với nguồn nước ngầm ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Hà Tây, khu vực phía Nam Hà Nội cũ … Hầu như nước tại các nhà máy nước ở khu vực Pháp Vân, Hạ Đình…nằm trong khoảng 10 – 30mg/lít tức gấp 5 cho đến 10 lần amoni tiêu chuẩn. Và các nhà máy nước này không xử lý nổi. Muốn xử lý phải áp dụng phương pháp vi sinh và hóa học để loại bỏ”.
Vì vậy, “trước khi chọn được máy lọc nước tinh khiết chất lượng tốt, phải đặt vấn đề chọn máy lọc phù hợp với nguồn nước mình đang sử dụng. Phải biết nguồn nước của mình đang bị ô nhiễm các loại chất gì, từ đó tìm đến các loại sản phẩm máy lọc nước tinh khiết khử được những độc chất tương ứng”, không ít chuyên gia khuyến cáo.
Kangaroo có phải là “máy lọc nước hàng đầu Việt Nam”?
Quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng ròng rã suốt một thời gian dài với câu slogan ngắn gọn: “Kangaroo – Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam”, tuy nhiên, trong mắt khách hàng và đối tác, đồng nghiệp, chất lượng máy lọc nước Kangaroo đang đứng ở đâu?
“Tôi không biết chất lượng của Kangaroo thế nào nhưng trong khi các hãng khác như máy lọc nước R/0 bảo hành 3 năm thì nghe nói Kangaroo chỉ bảo hành 1 năm”, chị Liên, cư ngụ tại khu vực Ngã Tư Sở (Hà Nội) đưa ra một sự so sánh.
Trên cộng đồng mạng cũng có nhiều thành viên quan tâm đặt câu hỏi về chất lượng trên thực tế của máy lọc nước Kangaroo. Bên cạnh những lời khen ngợi và mời chào cũng có người than thở: “Hàng xóm bên cạnh nhà mình có dùng máy nhãn hiệu Kangaro. Thực tế là thời gian đầu dùng rất tốt nhưng khoảng 6 tháng sau thì máy có tiếng kêu to rất khó chịu không hiểu là tại sao? Còn nhà bên cạnh thì dùng máy nhãn hiệu Nasapro thì lại không bị thế”.
Còn trong mắt các đối tác, bạn hàng, Kangaroo chưa hẳn là đối thủ cạnh tranh “nặng ký” trên thị trường. Anh T, nhân viên phụ trách bán hàng của Công ty Cổ phần phát triển Xây dựng và cấp thoát nước môi trường cho biết: “Trong quảng cáo, chẳng ai nhận hàng của mình là xấu cả, cũng không ai coi mình là hàng thứ 2 hay hàng thứ 3, họ bao giờ cũng nhận mình là hàng đầu. Nhưng từ “hàng đầu” ở đây phải hiểu trên khía cạnh nào, hiểu trên khía cạnh về chất lượng hay khía cạnh về doanh số bán hàng hay trên tiêu chí nào khác?”.
 Trên thực tế, nếu đem so sánh máy lọc nước Kangaroo và máy lọc nước của một thương hiệu khác đang bán chạy trên thị trường hiện nay, anh T nhận thấy ở Kangaroo nhiều điểm còn hạn chế. Thứ nhất, trong khi thiết bị lọc nước kia nhập khẩu từ Malaysia, sử dụng 2 lõi than hoạt tính thì máy Kangaroo chỉ sử dụng duy nhất một lõi than hoạt tính ở giữa và 2 lõi bông.
Giải thích cụ thể hơn, anh T nói: Theo nguyên tắc, một quy trình lọc máy bao giờ cũng bắt đầu bằng lọc chặn thô sau đó lọc cặn hữu cơ. Ở khâu đầu tiên, cả máy lọc nước R/O và Kangaroo đều thực hiện quy trình giống nhau là lọc bằng sợi bông. Nhưng sang giai đoạn lọc nước tiếp theo, trong khi máy R/0 chạy bằng cả 2 loại than hoạt tính là than hạt và than ép khối thì máy Kangaroo chỉ sử dụng duy nhất một loại than hạt chứ không có than ép khối.
Cũng theo anh T, điều khác biệt thứ hai giữa Kangaroo và loại máy kia là một bên hệ thống máy sử dụng van cơ, một bên dùng van điện tử. Van cơ của máy lọc nước Kangaroo có nhược điểm là sau khi sử dụng một thời gian, máy sẽ chảy chất thải liên tục, còn van điện tử của máy kia sẽ giải quyết triệt để vấn đề này.
“Vấn đề thứ ba là vỏ cột lọc, hàng của Malaysia dày dặn, trong khi hàng của Kangaroo rất mỏng. Hơn nữa, máy lọc nước Kangaroo sử dụng dây nhỏ, trong quá trình hoạt động có thể bị tắc mà đã tắc thì máy vẫn cứ chạy ảnh hưởng tới động cơ và ảnh hưởng tới máy”, anh Thăng nhận xét.
Theo ý kiến người tiêu dùng: Kangaroo nên để tự khách hàng
đánh giá và lựa chọn thay vì tự phong ngôi thứ "hàng đầu Việt Nam"như đã quảng cáo.
Cùng quan điểm, anh T.V.B, nhân viên công ty VinaJaTech – chuyên phân phối thiết bị lọc Mantensui được quảng cáo là nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật lại đưa ra một cái nhìn khác về Kangaroo.
Theo anh T.V.B, riêng về hình thức, thiết bị lọc nước Mantensui với 7 lớp lọc được tích hợp vào trong duy nhất một lõi lọc nhỏ gọn, có thể lắp đặt một cách đơn giản trực tiếp vào vòi nước ở bồn rửa đã ưu việt hơn Kangaroo.
Bên cạnh đó, điểm khác biệt cơ bản nhất, quan trọng nhất, theo anh T.V.B đó là: Trong khi Mantansui đảm bảo loại bỏ các chất độc hại trong nước cho cơ thể nhưng vẫn giữ lại các chất tốt cho sức khỏe của con người. Còn công nghệ R/O của Kangaroo ưu điểm là có khả năng tách các ion và phân tử có kích thước rất nhỏ, nhưng nhược điểm của RO là nó làm cho các ion kim loại trong nước giảm xuống quá mức vi lượng cần thiết ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh tổng hợp và trao đổi chất của cơ thể.
Từ đó, “với sự quảng bá tốt, có thể Kangaroo được sử dụng đông đảo nhưng chưa chắc đã phải là nhất. Việc lựa chọn và xếp hạng thương hiệu nào mạnh nhất, ngay cả cơ quan chức năng đầu ngành cũng chưa đánh giá được một cách chính xác bởi chất lượng của mỗi sản phẩm cũng như nhu cầu của mỗi người dùng là khác nhau”, anh T.V.B kết luận.
Trong khi đó, phản hồi đến báo Giáo dục Việt Nam, một độc giả chia sẻ: “Việc tự phong danh hiệu “hàng đầu Việt Nam”, thiết nghĩ Kangaroo nên để người tiêu dùng tự đánh giá thay vì ngày nào cũng quảng bá quang quác trên tivi vào mỗi buổi tối với câu slogan duy nhất, hình ảnh đơn điệu mà không hề nói về công dụng, tính năng và lý do tại sao người tiêu dùng nên lựa chọn Kangaroo?”.
Theo Giáo dục Việt Nam

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT