Tình cảm thầy trò xưa nay vốn là thứ rất thiêng liêng, đậm dấu ấn của một thời “nhất quỷ nhì ma”. Vậy nhưng thời gian gần đây, có vẻ như nó đang có những biến thái rất đáng báo động.
Trước khi vụ việc về “nữ sinh tố cáo thầy hiệu phó gạ tình” ở trường THPT Bến Tre (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) xảy ra, chúng tôi đã được nghe không ít những chuyện dở khóc dở cười về tình thầy trò trong học đường.
Minh Tuấn, chàng cử nhân tương lai của Trường đại học Sư phạm Hà Nội kể với chúng tôi về chuyện bị học sinh “tán” cho liêu xiêu. Số là Tuấn được phân công về thực tập tại một trường THPT trên địa bàn thành phố, Tuấn suýt… ngất khi thấy toàn những em teen 9X xinh như mộng.
Phải tội Tuấn cũng cao ráo đẹp trai, lại có giọng nói thu hút truyền cảm thành ra giờ nào lên lớp cũng bị các em “chiếu tướng”. Trong số ấy có một cô lớp phó học tập tên Linh tỏ ra đặc biệt mến thầy hơn cả. Trong lớp thì Linh cố tỏ ra không có biểu hiện gì, song khi hoạt động ngoại khóa, biểu diễn văn nghệ thì quấn thầy như đuôi sam. Chết một nỗi, Tuấn đã có bạn gái, nên chỉ đối xử như bạn bè bình thường. Linh cũng tỏ ra buồn, song không bỏ cuộc.
Mấy tháng thực tập ngắn ngủi đã qua, dường như cảm nhận được sắp phải xa thầy, nên vào một sáng tinh mơ cô học trò nhỏ đã nhắn tin cho Tuấn một tin khá buồn cười: “Thầy ơi, em… yêu anh”. Tuy rất trân trọng tình cảm của cô học trò, song tình huống này khiến Tuấn rất khó xử. Cuối cùng, cậu phải đóng vai một nhà tâm lý học để phân tích về những cảm xúc tuổi mới lớn để Linh thôi hy vọng.
Ngược lại với Tuấn, Tân một thầy giáo trẻ lại bị “chết” bởi một cô học trò. Buổi đầu vào lớp Tân đã bị đôi mắt của cô học sinh hút hồn. Tuy mới học lớp 11 song Nga có dáng dấp của một cô gái trưởng thành. Tân kể, mỗi lần lên lớp mà thấy Nga ngồi dưới là anh cảm thấy có nguồn động viên nên rất hăng say. Cô học trò nhỏ cũng tỏ ra đặc biệt cảm mến thầy. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu, gặp gỡ Tân cũng dần phát hiện ra sự chênh lệch về tuổi tác cũng như về quan điểm, lối sống nên dần dần rút lui.
Chuyện tình cảm giữa thầy và trò xưa nay không phải là hiếm (Ảnh minh họa)
Trở lại vụ việc ở Trường THPT Bến Tre (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ về hai lá đơn tố cáo lẫn nhau của thầy Hiệu phó Nguyễn Văn Huân và cô học trò T.H thì thầy Huân đã có những phản ứng đầu tiên.
Trả lời báo chí, thầy vẫn một mực khẳng định phải viết bản tường trình về chuyện “cởi đồ”, “có quan hệ” với em H là do bị phía gia đình em H đe dọa, đánh đập. Trước câu hỏi của phóng viên về chuyện tình cảm trên mức bình thường với em H, thấy Huân giải thích: “Tôi chỉ quan tâm H hơn các em khác một chút. Qua những lần khác em lên phòng tôi kể chuyện riêng tư, tâm sự với tôi về chuyện gia đình, tình cảm của em. Nghe em kể, tôi chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, thỉ thoảng có đưa cho em vài quyển sách để học. Song tất cả chỉ dừng lại ở tình cảm thầy trò, chưa bao giờ vượt ra khỏi giới hạn đó”.
Chuyện thầy Huân đúng sai ra sao, có ép học trò “yêu” mình hay không hay T.H là người chủ động quyến rũ thầy sẽ phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, ngành giáo dục Việt Nam đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Người ta có thể dễ nhận thấy tình thầy trò thời nay không còn đơn thuần là bắt nguồn từ sự rung động, yêu mến thực sự mà còn dựa trên sự lợi dụng tiền bạc hoặc thân xác của nhau. Vẫn biết rằng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, song ít nhiều nó vẫn ảnh hưởng tới con mắt của một bộ phận người dân, học trò về những người thầy, cô giáo của mình.
Đơn cử như vụ thầy Đỗ Tư Đông, giảng viên Trường cao đẳng Phát thanh – Truyền hình Trung ương I gạ sinh viên đi “vui vẻ” rồi sẽ cho điểm cao. Trên báo chí, và các diễn đàn của sinh viên, học viên về việc thầy giáo “gạ tình” luôn là các chủ đề “hot”. Bên cạnh đó, chuyện nhiều nữ sinh viên “tri thức lùn” mà “đức hạnh cũng chẳng cao” chủ động… gạ gẫm thầy giáo của mình để đổi lại một thứ gì đó cũng không phải là chuyện quá hiếm.
Nhiều nữ sinh viên “tri thức lùn” mà “đức hạnh cũng chẳng cao” chủ động… gạ gẫm thầy giáo của mình (Ảnh minh họa)
Lý giải về tình trạng này, một quan chức của ngành giáo dục cho chúng tôi biết: Vài năm gần đây, đội ngũ giáo viên đang được trẻ hóa trong khi thế hệ học sinh bây giờ ngày càng phát triển sớm cả về thể chất lẫn tâm sinh lý. Điều ấy đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho tình cảm lứa đôi giữa thầy giáo và học trò nảy nở. Hơn nữa, quan niệm về tình thầy trò hiện cũng đã thoáng hơn trước, cởi mở hơn giai đoạn trước. Một thời gian, cho dù thầy có tình cảm với trò (và ngược lại) cho dù rất trong sáng nhưng vẫn hoặc phải dấm dúi, hoặc không dám thổ lộ. Còn bây giờ, thì mọi việc đã khác. Và một bộ phận những cuộc tình ấy đã đi quá giới hạn cho phép, khiến cho xã hội phải lo lắng.
Vị này cũng cho biết, một phần lỗi của những dạng tình thầy trò đi quá giới hạn là do sự thiếu quan tâm của phụ huynh. Nếu như họ kịp thời nắm bắt được tâm sinh lý của con em mình, nắm được những thay đổi về tình cảm, cảm xúc để có biện pháp điều chỉnh thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Còn theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội cho biết, theo những nghiên cứu được công bố gần đây thì lứa tuổi biết yêu ở Việt Nam đang ngày một trẻ hóa. Và việc thầy trò không chỉ ở trường THPT mà cả ở bậc THCS nảy sinh tình cảm với nhau cũng là điều dễ hiểu.
Tiến sĩ Hồng nhấn mạnh: “Những rung động đầu đời của học trò đối với thầy giáo, cô giáo mình là điều rất trân trọng, song chính bản thân các thầy cô và phụ huynh phải là những người “gương mẫu đi đầu” trong việc định hướng tình cảm cho con em, học trò của họ”.
Tình thầy trò vốn là thứ tình cảm thiêng liêng, trong sáng. Bởi vậy, nếu như ai đó thực sự yêu mến thầy cô giáo (hoặc ngược lại), xin hãy quý trọng và gìn giữ, đừng làm vẩn đục nó bằng những thứ không xuất phát từ sự chân thành.
Theo An Ninh Thế Giới
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT