Với các sản phẩm lạ có nguồn gốc từ Trung Quốc, máy đã không thể phát hiện được dùng các chất gì và chế biến từ nguyên liệu gì.
Ngày 23.6, Báo NTNN đã nhận được kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia về các thực phẩm "lạ" Trung Quốc. Tuy nhiên, những tiêu chí xét nghiệm chưa đủ để xác định được các sản phẩm này chế biến từ nguyên liệu gì.
Trong số gần 20 loại thực phẩm lạ, Báo NTNN đã gửi 3 mẫu tạm đặt tên cho sản phẩm theo cách gọi của trẻ nhỏ là: Que cay, mực ăn liền và thịt hổ để gửi tới Phòng Kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu (Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia) xét nghiệm. Các chỉ tiêu xét nghiệm bao gồm định tính phẩm màu kiềm; định tính Cyclamat; hàm lượng các chất đường hoá học như Aspartam, Acesulfam K, Saccarin và hàm lượng chất bảo quản Natri benzonat.
PV NTNN giao mẫu tại Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia. |
Theo nhiều chuyên gia tư vấn, đây là những chất thường phát hiện ở một số sản phẩm thực phẩm vi phạm ATVSTP ở Việt Nam khi kiểm nghiệm hay vượt quá chỉ tiêu quy định. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu thực phẩm trên đều cho thấy các sản phẩm lạ có nguồn gốc từ Trung Quốc không sử dụng các chất hoá học này. Với các sản phẩm lạ có nguồn gốc từ Trung Quốc, máy đã không thể phát hiện được dùng các chất gì và chế biến từ nguyên liệu gì.
Bà Trần Thị Hồng Vân - Trưởng phòng Kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu (Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia) cho biết, có thể các loại thực phẩm này sử dụng những hoá chất khác, kết quả kiểm nghiệm chỉ dừng lại ở một số chất nhất định nên không thể khẳng định được các loại thực phẩm này có độc hại, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng hay không. Bà Vân cũng cho biết, muốn xác định được sản phẩm này chế biến từ chất gì thì chỉ có cách đến tận nơi sản xuất, còn bằng xét nghiệm cũng không thể xác định được.
Trao đổi với NTNN ngày 23.6, bà Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia cho biết: Muốn biết được các sản phẩm này có chất độc hại hay không cần có nghiên cứu cụ thể hơn, tuỳ từng loại sản phẩm gì, có chất gì mới có thể đánh giá được. Theo bà Hảo, sản phẩm để đảm bảo an toàn là phải có nhãn mác rõ ràng, dù không xét nghiệm thì nhìn các sản phẩm này đã đủ biết là không đảm bảo, còn được bán trên thị trường hay không, trách nhiệm này là của các cơ quan quản lý.
Theo Dân Việt
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT