Tập đoàn dầu khí Việt Nam lại vừa có công văn nhờ bộ Công Thương “can thiệp” trong việc đòi Tập đoàn Điện lực Việt Nam trả khoản nợ đã lên tới hơn 8.100 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, các con số nợ nần của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục tăng liên theo các tháng báo cáo thống kê công nợ của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).
Trình bày với Bộ Công Thương mới đây, PVN cho hay tính tới ngày 8/6, tổng số tiền mà EVN nợ Công ty điện lực Dầu khí đã là hơn 8.105 tỷ đồng (3 tháng trước, khoản nợ này chỉ mới dừng ở con số 5000 tỷ đồng). Trong đó, nợ tiền điện là hơn 7.600 tỷ đồng, nợ do chậm thanh toán, phải chịu lãi phạt phát sinh là hơn 421 triệu đồng.
Bên cạnh đó, EVN còn nợ khoản tiền trả cho phí vận hành bảo dưỡng hệ thống đường ống dẫn khí (O&M) trong 3 năm 2007-2009 của nhà máy điện Cà Mau 1 &2  là 895 tỷ đồng, nhưng khoản này đến nay vẫn chưa được thống nhất giữa hai bên.
Tập đoàn PVN cho biết, mặc dù đã có nhiều công văn gửi EVN yêu cầu thanh toán các khoản nợ, cũng như đã có nhiều lần báo cáo bộ Công thương việc này song, đến nay tình hình công nợ với EVN vẫn chưa được cải thiện.

PVN "phàn nàn" rằng, việc chậm thanh toán tiền điện của EVN kéo dài đã làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN. Đồng thời, việc chậm trả nợ cũng gây ra hiệu ứng dây chuyền không tốt cho các nhà cung cấp nhiên liệu, cung cấp dịch vụ bảo trì và cả các ngân hàng... cho các nhà máy Nhơn Trạch 1, Cà Mau 1&2 của PVN.
Không chỉ vậy, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang tài trợ cho các dự án của PVN, nhất là các dự án điện cũng đặc biệt quan tâm đến tình hình công nợ này.
PVN khẳng định, phía các nhà tài trợ này cho rằng với tổng số tiền mà EVN đang nợ PVN lên tới khoảng 400 triệu USD, là con số rất lớn, do vậy, việc chậm trả nợ cũng sẽ kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng trả nợ của PVN trong các hợp đồng vay vốn khác. PVN có thể rơi vào tình trạng vi phạm và vi phạm chéo trong các hợp đồng tín dụng, dẫn tới việc phải trả trước các hợp đồng vay vốn đã ký.
Trước tình hình này, PVN đề nghị Bộ Công Thương "can thiệp", yêu cầu EVN nhanh chóng thanh toán các khoản công nợ và nghiêm túc thực hiện các hợp đồng mua bán điện đã ký giữa 2 bên, để không làm ảnh hưởng xấu tới tài chính của PVN.
Tuy nhiên, mới đây, tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2011, PVN cho biết tình hình tài chính của Tập đoàn vẫn khá sáng sủa. Tổng doanh thu là 340.000 tỷ đồng, bằng 121% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 68% kế hoạch năm, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2010. Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đề ra. Ước lợi nhuận trước thuế của PVN đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.
Hiện nay, EVN không phải là con nợ duy nhất của Tập đoàn PVN. Tại cuộc họp giao ban 6 tháng tình hình ngành công thương, Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam cũng than phiền về khoản nợ tới 1.600 tỷ đồng gồm nợ tiền điện và nợ tiền than.
Lãnh đạo bộ Công Thương cũng xác nhận, tình hình tài chính của EVN hiện đang rất xấu. Năm 2010, EVN lỗ kinh doanh điện tới hơn 8500 tỷ đồng. Đợt tăng giá điện hôm 1/3, EVN vẫn còn bị treo hơn 28.000 tỷ đồng chưa đưa vào cấu thành giá. Việc tăng giá điện đang là giải pháp duy nhất để giảm lỗ và khắc phục tình hình tài chính của EVN hiện nay.

Theo Vef

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT