Thái Lan ngày 3/7 tổ chức tổng tuyển cử. Dù kết quả ra sao thì chính trường nước này cũng sẽ rung chuyển, thậm chí là xảy ra cả biểu tình, xung đột bạo lực như năm ngoái.
Sẵn sàng bầu cử

Theo VietnamPlus, công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan dự kiến vào ngày 3/7 tới tương đối hoàn tất.
Khoảng 97.000 đơn vị bầu cử trên khắp xứ “chùa Vàng” đã sẵn sàng. Danh sách các ứng viên được dán tại các đơn vị bầu cử từ nhiều ngày nay.
Hơn 3.820 ứng viên thuộc 40 chính đảng sẽ đua tranh vào 500 ghế trong Hạ viện nhiệm kỳ mới, trong đó có 1.410 ứng viên đăng ký tranh 125 ghế bầu theo hệ thống danh sách đảng. Ngoài ra, hơn 2.400 ứng viên tranh cử trực tiếp 375 ghế tại các khu vực bầu cử.
125 hạ nghị sỹ được bầu theo hệ thống danh sách của đảng và 375 hạ nghị sỹ được bầu trực tiếp tại khu vực bầu cử.
Ủy ban bầu cử Thái Lan huy động một lực lượng lên tới 1,2 triệu người để thực hiện các nhiệm vụ.

Trong khi đó, khoảng 100.000 cảnh sát sẽ được triển khai tại các khu vực bỏ phiếu, bên cạnh 200 đại đội quân đội được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó quanh Thủ đô Bangkok. Xe cảnh sát được sử dụng để vận chuyển phiếu bầu dưới sự giám sát của nhân viên Ủy ban bầu cử.
Ngoài 105 tổ chức tư nhân đăng ký giám sát bầu cử, các quan sát viên của Liên minh châu Âu và 10 nước khác cũng được mời tham dự.
Chi phí vận động trong cuộc bầu cử lần này dự kiến lên tới hai tỷ USD.
Trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 3/7 tới, hơn 50 triệu cử tri Thái Lan sẽ bầu 500 đại biểu vào Hạ viện nhiệm kỳ mới.
Hai đảng lớn nhất là Dân chủ và Vì nước Thái (Puea Thai) có số ứng viên tranh cử nhiều nhất trong cả hai hệ thống.
Ít khác biệt

Hiện đi đâu ở Thái Lan cũng thấy tranh, ảnh cổ động bầu cử mà trên đó ghi những “lời hứa” của tất cả các đảng phái như tặng máy tính bảng, tăng lương, xây tàu cao tốc hay giảm thuế…Tuy nhiên, lần bầu cử này thực chất chỉ là cuộc đua song mã, quyết liệt giữa hai đảng lớn Puea Thai của bà Yingluck, em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Ajjajiva - đảng lâu đời nhất ở Thái Lan.

Giống như đa số các chính đảng Thái Lan, cả Puea Thai và Dân chủ đều nhấn mạnh đến vấn đề kinh tế, phúc lợi xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân, chính sách thuế, giải quyết vấn đề nợ, giao thông, y tế và giáo dục.
Nói cách khác, cương lĩnh tranh cử của hai đảng chính trong cuộc bầu cử tương đối giống nhau: tăng cường đầu tư cho hạ tầng (từ tàu cao tốc tới mở rộng hệ thống tàu điện ngầm) và tăng chi tiêu, nhất là ở khu vực nông thôn.
Về phía bà Yingluck, em gái ông Thaksin còn hứa sẽ khởi động lại các chính sách của anh trai mình nếu đảng Puea Thai giành đủ số phiếu để tự mình lập Chính phủ.
Đây chính là những chính sách mà ông Thaksin từng áp dụng để giành thắng lợi áp đảo trong các cuộc bầu cử 2001 và 2005 trước khi bị đảo chính năm 2006. Điều đáng quan tâm là ngay cả trong thời điểm hiện tại, Chính phủ của ông Abhisit cũng tiếp tục triển khai các chương trình như chăm sóc y tế với giá rẻ, hay cấp tín dụng với lãi xuất thấp…như thời ông Thaksin.
Cuối cùng, Puea Thai còn đưa ra chính sách tạm gác mâu thuẫn chính trị, khôi phục và phát triển đất nước, hòa giải, đoàn kết và thực thi chính sách dân túy.

Tương tự, đảng Dân chủ nhấn mạnh tới bảo đảm bình yên cho người dân, không bạo lực; làm việc vì nhân dân, nỗ lực ổn định kinh tế, tăng lương cơ bản và tiếp tục áp dụng chính sách phổ cập giáo dục.
Ngoài ra, họ còn hứa hẹn về những chính sách dân túy ngắn hạn tương tự. Đồng thời, họ cũng cam kết sẽ không phản đối nếu Puea Thai chiến thắng minh bạch.
Lãnh đạo đảng Dân chủ là Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho rằng bầu cử công bằng, trong sạch là đảm bảo cho ổn định của đất nước; các bên phải tôn trọng kết quả bầu cử và bình yên của đất nước phải dựa trên sự tôn trọng luật pháp.
Kinh tế gia Usara Wilaipich khẳng định: “Nếu bạn quan sát kỹ các chính sách của hai đảng thì chẳng thấy có nhiều khác biệt”.
Bà Yingluck đang là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Thủ tướng.
Nguy cơ lạm phát
Bất kể ai, Puea Thai hay Dân chủ thành lập tân Chính phủ, họ sẽ phải thực hiện những cam kết tranh cử như trên. Điều đó sẽ “thổi bùng” chi tiêu, đầu tư ở Thái Lan theo hiệu ứng Keynes.
Giống như dưới thời ông Thaksin, các chính sách này giúp GDP giai đoạn 2002 – 2006 đạt mức 5,7% dù giá dầu tăng cao, chiến tranh Iraq căng thẳng và đại dịch SARS tràn qua Đông Nam Á. Trước đó, GDP Thái Lan chỉ là 2,2% trong năm 2001 sau một thời gian dài thập kỷ khủng hoảng trầm trọng.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay cũng có nhiều khác biệt nên xét về mặt trái, việc "bơm tiền" vào thị trường cũng sẽ gây không ít tác động tiêu cực, từ việc nợ công sẽ tiếp tục tawnng cao cho tới Chính phủ sẽ gặp khó khăn trong việc cải tổ kinh tế, chống lạm phát.
Đây là những thách thức lớn của tân Chính phủ bởi lạm phát đang tăng nhanh ở nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á.  Trợ lý Thống đốc ngân hàng Thái Lan Governor Paiboon Kittisrikangwan chia sẻ: “Mọi người dường như đang cạnh tranh với nhau xem ai có thể chi nhiều tiền hơn mà không quan tâm tới sự phát triển lâu dài”.
Các đảng phái đang tập trung thu hút cử tri nên hứa "hơi nhiều".
Trong khi đó, giới đầu tư "đánh hơi" được những bất ổn có thể tái diễn tại Thái Lan nên không ít doanh nghiệp dần rút khỏi thị trường này từ tháng 5, hai tháng trước cuộc tổng tuyển cử.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng dự đoán, nếu chính trường Thái Lan ổn định từ tháng 9 (hai tháng sau bầu cử) thì có khả năng, các nhà đầu tư sẽ quay lại và góp phần phát triển kinh tế Thái Lan.

Theo ĐVO

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT