Theo chương trình nghị sự, chiều nay (25/7), tân Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội đề cử ứng viên Thủ tướng Chính phủ, ngay sau lễ nhậm chức.Chiều 23/7, tân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Theo tờ trình, ông Trương Tấn Sang, Thường trực ban Bí thư Trung ương Đảng được đề cử là Chủ tịch nước.

Quốc hội đề cử ông Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước.

Ông Trương Tấn Sang sinh ngày 21/1/1949, quê ở xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Năm 2000, tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, ông Trương Tấn Sang được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Ông tiếp tục là thành viên Bộ Chính trị trong các khóa IX, X, XI. Ông là đại biểu Quốc hội khóa IX đến khóa XIII.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Chinhphu.vn
Trước đó, với 457 số phiếu tán thành (chiếm 91,4%), Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIII.

Trong bài phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chân thành cảm ơn đại biểu Quốc hội về sự tín nhiệm dành cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, bày tỏ đây là vinh dự và trọng trách mà Quốc hội, nhân dân giao phó. Tân Chủ tịch Quốc hội hứa sẽ kế thừa kinh nghiệm, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XII và những khóa trước, luôn rèn luyện phẩm chất cách mạng, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, đổi mới, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Trong phiên họp toàn thể tại hội trường chiều 23/7, các ông bà Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn được Quốc hội bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội.

12 thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn lại bao gồm các ông bà Phan Xuân Dũng, Ksor Phước, Nguyễn Hạnh Phúc, Đào Trọng Thi, Nguyễn Văn Giàu, Trần Văn Hằng, Phùng Quốc Hiển, Nguyễn Văn Hiện, Nguyễn Kim Khoa, Phan Trung Lý, Trương Thị Mai, Nguyễn Thị Nương.

Tóm tắt tiểu sử tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Ông Nguyễn Sinh Hùng sinh ngày 18/01/1946, ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, viên chức ngày 1/1/1972; kết nạp Đảng năm 1977. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, XIII. Cụ thể:
Từ tháng 9/1966-12/1970, ông Nguyễn Sinh Hùng là sinh viên Trường Đại học Tài chính- Kế toán Hà Nội. Tháng 1/1972-12/1977: Cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Trung ương, Bộ Tài chính. Tháng 1/1978-9/1982: Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Các Mác, Bungari. Tháng 10/1982-10/1986: Phụ trách Phòng Tổng hợp rồi Trưởng phòng Tổng hợp, Phó Vụ trưởng, sau là Vụ trưởng Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính.

Từ 10/1986-1/1990: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối Kinh tế Trung ương. Tháng 2/1990-9/1992: Cục trưởng Cục Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính. Tháng 10/1992-11/1996: Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính.Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng được bầu vào BCHTW Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Tài chính. Tháng 11/1996-6/2006: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, ông được bầu vào BCHTW Đảng; Đại biểu Quốc hội khóa X, XI. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào BCHTW Đảng, ông được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Từ 7/2006 đến nay, ông Nguyễn Sinh Hùng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ; đại biểu Quốc hội khóa XII; Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông được bầu vào BCHTW Đảng, được Trung uơng bầu vào Bộ Chính trị; đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Theo Đất Việt

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT