Giới phân tích cho rằng, vụ nổ bom liên hoàn tại “kinh đô” tài chính Mumbai xảy ra nhằm gián đoạn nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan.
Mumbai ‘mỏng manh’
Suốt từ năm 1993 tới nay, thủ phủ tài chính của Ấn Độ là Mumbai liên tục phải hứng chịu những vụ tấn công kinh hoàng. Theo bà Chandra Iyengar, cựu quan chức của Mumbai, thành phố này hội tủ đủ những yếu tố “yếu kém” để trở thành “mắt bão” khủng bố.
Trước tiên, an ninh tại Mumbai thường rất lỏng lẻo. Thường sau mỗi vụ tấn công khủng bố, an ninh tại thành phố đều được đặt trong tình trạng báo động đỏ. Tuy nhiên, dường như khi vụ việc tạm lắng, giới cảnh sát Mumbai cũng cảm thấy hết trách nhiệm.
Các trạm kiểm soát an ninh tại các khu vực trong thanh phố, nhất là tại các nhà ga, bệnh viện, khách sạn, các điểm du lịch… hầu như không được chú trọng.
Ví dụ điển hình là một tháng trước khi vụ tấn công đẫm máu năm 2008 diễn ra, Mỹ từng cảnh báo Chính phủ Ấn Độ về một cuộc tấn công bằng đường biển nhằm vào Mumbai.
Giới chức an ninh Mumbai khẳng định đã có lúc tăng cường an ninh sau khi nhận được cảnh báo trên song các biện pháp được dỡ bỏ sau đó do không thấy có “động tĩnh” bất thường nào. Tuy nhiên, ngay sau khi an ninh trở về tình trạng lỏng lẻo vốn có, vụ tấn công đã xảy ra.

An ninh tại Mumbai khá lỏng lẻo.
CD Sahay, cựu giám đốc Viện nghiên cứu và phân tích RAW thừa nhận: “Chúng tôi đã siết chặt an ninh hết mức có thể nhưng dường như thành phố này vẫn không thể ngăn chặn cũng như chống chọi lại với các tay súng khủng bố. Suốt hơn hai thập kỷ nay, chúng tôi thường xuyên trở thành tâm điểm khủng bố một phần là bởi các mạng lưới khủng bố hầu như không cần vượt biên mà chúng xâm nhập vào đất nước này từ rất lâu trước khi tấn công”.
Ngoài ra, mật độ dân cư đông đúc cũng là yếu tố thuận lợi cho một vụ tấn công khủng bố bởi con số thương vong sẽ rất lớn và tạo được tác động tâm lý như các nhóm khủng bố mong đợi.
"Dân số thành phố khiến cho nơi đây trở thành mục tiêu dễ dàng của khủng bố. Ý tưởng đằng sau các chiến dịch khủng bố là gieo rắc nỗi sợ hãi. Vì vậy, lượng dân cư đông đúc khiến khả năng sát thương cao chắc chắn sẽ làm cho dân chúng hoảng hồn", bà Chandra Iyengar nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, con số thương vong cao cũng sẽ gây ấn tượng mạnh và thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.
"Mumbai và Delhi thường là các mục tiêu quen thuộc của khủng bố. Delhi là Thủ đô chính trị còn Mumbai là thủ phủ tài chính. Một vụ tấn công nhằm vào một thành phố như Mumbai luôn gây chấn động cả đất nước và thu hút sự chú ý của thế giới. Đó chính là những gì mà các nhóm khủng bố mong muốn", Bộ trưởng Việc làm công Chhagan Bhujbal cho biết.
Chiến lược nghi binh
Như vậy, việc tấn công Mumbai là không quá khó khăn đối với các tay súng khủng bố. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao các vụ nổ bom lại xảy ra vào thời điểm này.
Một số nhà phân tích cho rằng, các vụ nổ diễn ra chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ đến Ấn Độ và chưa đầy hai tuần trước khi Ngoại trưởng Ấn Độ và người đồng cấp Pakistan gặp mặt nên rất có thể cuộc tấn công là một phần trong các nỗ lực ngăn chặn tiến trình khôi phục quan hệ giữa hai nước.
Hãng tin Xinhua phân tích rõ, một cuộc khủng hoảng quan hệ giữa New Delhi và Islamabad có thể gây khó khăn cho nỗ lực hợp tác của Mỹ và Pakistan trong vấn đề Afghanistan. Vì vậy, theo Xinhua, thủ phạm đứng sau các vụ nổ bom mới nhất này có thể là al Qaeda hoặc một số thế lực Pakistan đang tìm cách gián đoạn tiến trình đàm phán giữa Washington và Islamabad.

Một số nhà phân tích cho rằng, vụ nổ bom là một phần trong các nỗ lực ngăn chặn tiến trình khôi phục quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan.
Trong khi đó, tờ Daily News & Analysis thì cho rằng, vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh quân đội Pakistan đang chịu sức ép rất lớn từ các chính trị gia, báo giới, người dân và đặc biệt là Chính phủ Mỹ. Giới chức Mỹ gần đây liên tục cảnh cáo các quan chức quân đội Pakistan rằng nếu họ không đoàn kết và phối hợp hành động nhịp nhàng thì Washington sẽ cắt đứt viện trợ.
“Trong hoàn cảnh đó quân đội Pakistan đành phải hành động. Và cái cách họ thực hiện chính là tấn công Ấn Độ. Nói cách khác, họ muốn khiêu khích New Delhi đáp trả. Khi đó, giới chức quân sự Pakistan từ trên xuống dưới sẽ đồng lòng chống Ấn Độ và tự khắc đoàn kết lại”, Daily News & Analysis nhận định.
Daily News & Analysis cho biết thêm, hầu hết các nhóm khủng bố đều không muốn tấn công nhiều lần cùng một địa điểm. Lý do khiến các tay súng tiếp tục chọn Mumbai là điểm đến là bởi không gì có thể làm chấn động dư luận Ấn Độ cũng như thế giới hơn vụ tấn công đẫm máu hồi năm 2008. Vì vậy, chúng muốn khơi gợi lại ký ức không êm đẹp này và hy vọng tạo được hiệu ứng sợ hãi như năm 2008.
Hơn nữa, loạt bom nổ ra trong mùa mưa này cũng có thể tạo điều kiện cho các tay súng dễ dàng trốn thoát bởi trong điều kiện thời tiết không tốt, các cơ quan chức năng thường ngại ra ngoài và nếu muốn thì cũng khó hành động nhanh được. Ngoài ra, tình trạng giao thông hỗn loạn trong những ngày mưa cũng giúp thủ phạm dễ trà trộn vào dòng người đang chen chúc.
Thêm một lý do nữa khiến các vụ tấn công nổ ra trong thời điểm này chính là các tay súng muốn tạo một chu kỳ tấn công đẫm máu ba năm một lần, bắt đầu năm 2003, sau đó là 2006, tiếp đến là cuối năm 2008 và giờ là năm 2011.
 (theo Hindustantimes, Daily News & Analysis, Xinhua, Reuters, ĐVO)

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT