Chính phủ chuẩn bị báo cáo Quốc hội tình hình biển Đông. Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng - người đã ba lần ra làm việc tại Trường Sa và đi đủ 33 điểm đảo chia sẻ quan điểm về bảo vệ biển đảo thời nay: “Nghiên cứu xây dựng kế hoạch phòng thủ, bảo vệ vùng biển - đảo luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan tham mưu tác chiến chiến lược”.
 
Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ
Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ
 

- Tôi đã thị sát tại Trường Sa ba lần. Lần đầu vào năm 1994, khi tôi được bổ nhiệm làm phó tổng tham mưu trưởng, phụ trách tác chiến. Hai chuyến đi sau đó diễn ra năm 1995 và 1996. Tôi đi lâu, đi sâu chứ không đi “theo đoàn” và đã cố gắng đi hết tới toàn bộ các đảo nổi, đảo chìm, tìm hiểu mọi tình hình trên đảo. Thời đó còn rất nhiều khó khăn so với bây giờ nhưng chúng tôi luôn nghĩ nâng cao sức mạnh bảo vệ biển đảo.

Qua những lần ra Trường Sa, tôi rất băn khoăn khi đến nhiều đảo chỉ thấy đá, cát và san hô, con người trần trụi bốn mùa, suốt ngày đêm chống chọi với gió, cát, bão tố. Tôi đã chỉ đạo phải tìm cách đem màu xanh ra đảo. Thế là mỗi năm ta đã mang hơn 5.000 tấn đất phát cho các đảo để anh em trồng cây, trồng rau. Nhờ đó, sức sống Trường Sa ngày càng phát triển.

Về tổ chức phòng thủ, tôi cũng rất quan tâm việc quy hoạch, xây dựng hệ thống công sự trận địa liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu...

Trường Sa đủ mạnh

* Ngày trước ông ra Trường Sa bằng tàu HQ996. Đến nay tàu này vẫn hoạt động, phải chăng việc hiện đại hóa chưa được chú trọng?

- Không phải vậy. Tàu 996 là tàu vận tải, chở khách vẫn đang hoạt động tốt thì chưa cần thay thế. Trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp thì chúng ta phải xác định hiện đại hóa quân đội có trọng tâm, trọng điểm. Có cái hiện đại ngay, có cái từng bước hiện đại. Về tàu thuyền cũng vậy, tàu chiến được ưu tiên hiện đại hóa sớm hơn, nhiều hơn so với tàu chở khách. Trình độ đóng tàu của mình bây giờ đã tốt rồi, đủ sức đóng được nhiều tàu lớn, xuất khẩu được cả ra nước ngoài. Cái chính là có tiềm lực thì sẽ hiện đại hóa nhanh.

* Những diễn biến nóng gần đây khiến nhiều người lo ngại, đại tướng có thể chia sẻ điều gì? Thời kỳ làm lãnh đạo Bộ tổng tham mưu rồi Bộ Quốc phòng, ông đã quan tâm nhiều nhất đến vấn đề gì cho Trường Sa?

- Vùng biển và thềm lục địa của ta, đặc biệt là các khu vực có dầu khí thường là “điểm nóng” do có tranh chấp của một số nước trong khu vực. Vì vậy, nghiên cứu xây dựng kế hoạch phòng thủ, bảo vệ vùng biển - đảo luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan tham mưu tác chiến chiến lược. Về kế hoạch phòng thủ, chúng tôi đã tham gia nghiên cứu sâu, sưu tầm tài liệu, chuẩn bị các phương án. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các bộ ngành, bằng các biện pháp quân sự để bảo đảm giữ vững chủ quyền, ngăn chặn các xung đột quân sự.

Kế hoạch bảo vệ khu vực quần đảo Trường Sa và cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật (DKI) cũng như các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý... đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Chúng ta đã tổ chức lực lượng phòng thủ, tuần tra, duy trì tàu trực chiến để phát hiện, xua đuổi tàu nước ngoài xâm nhập trái phép; kết hợp các hoạt động kinh tế và dịch vụ trên biển. Năm 1998, Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ tư lệnh hải quân ra đời, có ý nghĩa quan trọng trong việc tham gia bảo vệ biển đảo.

* Nhiều ý kiến cho rằng bảo vệ Trường Sa phải xây dựng lực lượng thật sự tinh nhuệ?

- Thực tế từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cho thấy đối với đảo nhỏ, nếu ta phòng ngự đông, khi địch tiến công rất dễ thương vong lớn. Mà thương vong lớn dễ làm anh em hoang mang, dao động, mất sức chiến đấu. Ngược lại, bố trí binh hỏa lực hợp lý, có hệ thống công sự vững chắc, phòng ngự có chiều sâu cộng với vũ khí trang bị đầy đủ, hợp lý thì chỉ cần số lượng binh sĩ hợp lý vẫn có thể bảo vệ đảo. Thực tiễn các đơn vị do tôi trực tiếp chỉ huy đánh Mỹ, sau đó là đánh quân Pol Pot cũng cho thấy điều đó.

Có lần lực lượng của chúng tôi chỉ có ba tiểu đoàn mà bị tới 11 tiểu đoàn của Pol Pot bao vây. Nhưng nhờ lực lượng tinh nhuệ, gan góc, chúng tôi vẫn đẩy lùi, sau đó thắng kẻ địch. Tháng 5-1975, khi chúng tôi cơ động từ Vĩnh Long ra Phú Quốc đánh đuổi quân Pol Pot bất ngờ xâm lược các đảo Hòn Ông, Hòn Bà cũng vậy. Thiếu thốn đến mức phải dùng tàu “há mồm” của quân đội Sài Gòn để lại, lính lái tàu chế độ cũ cũng sợ vì ta mang tàu sông cho vượt biển đi chiến đấu, hỏa lực không mạnh bằng quân Pol Pot... Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn chiến thắng nhờ sự gan dạ, táo bạo, đánh theo cách đánh của riêng mình, không theo sách vở nào cả.

Khu kinh tế quốc phòng nơi biển đảo?

* Ông là người khởi xướng xây dựng các khu kinh tế quốc phòng nhằm thắp sáng các vùng biên cương từng nghèo khó, bất ổn. Hiện nay có thể vận dụng để xây dựng, bảo vệ biển?

- Có thể tiếp tục thực hiện. Ví dụ như từ việc ngày trước ở Quân khu 3, là khu vực có tới hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, trước và sau thời tôi làm tư lệnh quân khu đã cố gắng củng cố hệ thống phòng thủ tuyến đảo đông bắc vững chắc kết hợp với việc đưa dân ra sinh sống, giúp dân làm ăn.

Muốn đưa dân ra thì phải có đường sá, hạ tầng, làm ăn có tốt, dân có giàu thì người ta mới ra. Lo hạ tầng rồi phải lo đầu vào đầu ra kinh tế nữa. Nếu áp dụng mô hình khu kinh tế quốc phòng cho biển đảo, phải tiếp tục có chiến lược đầu tư lớn hơn.

Mặc dù hiện nay ta đã có các đoàn đánh bắt, nuôi trồng hải sản thuộc bộ đội hải quân, vừa khai thác vừa góp phần bảo vệ ngư dân nhưng theo tôi, phát triển chưa tương xứng. Nếu như lớn mạnh hơn, thu hút được nhiều ngư dân vào hoạt động cho các đơn vị đó thì càng tốt hơn...

* Để bảo vệ và xây dựng biển đảo ngày càng giàu đẹp, theo đại tướng, đâu là việc cần làm nhất hiện nay?

- Về phía Nhà nước, việc cần kíp nhất, theo tôi là trên cơ sở luật pháp quốc tế phải sớm giải quyết xong vấn đề phân định chủ quyền đối với thềm lục địa và với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, được Liên Hiệp Quốc công nhận thì đó sẽ là một cơ sở quan trọng để xử lý, ngăn chặn và đi tới chấm dứt những tranh chấp. Còn với người dân, cách bày tỏ lòng yêu nước nếu chỉ dừng ở việc tụ tập, phản đối thì chưa ổn.

Nhìn lại hoạt động này vừa qua, tôi thấy nay vài chục người, mai vài trăm người không có tổ chức thì cũng không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ làm căng thẳng thêm tình hình. Giờ là lúc phải đoàn kết, tỉnh táo, chăm lo phát triển kinh tế, lo cho dân là điều quan trọng nhất. Dân có giàu thì nước mới mạnh, bờ có mạnh thì biển mới có chỗ dựa và mới tiến xa ra biển được.
Theo GDVN

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT