“Thực chất, đây không phải là một vụ án nghiêm trọng nên không nhất thiết phải áp dụng biện pháp tạm giữ hình sự đối với hai người phụ nữ đang mang thai…”._Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp nhận định.   

Bất bình trước việc làm của Công an huyện Đông Anh

Nhận định về vụ việc cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh khởi tố vụ án cướp tài sản, khởi tố 9 bị can, bắt giữ 5 bị can, bà Lý cho rằng: có nhiều yếu tố để có thể kết luận đây không hẳn là vụ án cướp tài sản và tính chất của nó không nghiêm trọng như nhận định của cơ quan điều tra.  
Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp
Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp
Thứ nhất, căn cứ vào bản cam kết của vợ chồng chị Huyền và anh Quang cũng như giấy đề nghị xin rút đơn của chị Huyền viết ngày 6/2. Chị Huyền và Quang đã tự nguyện viết giấy giao tài sản cho Lâm. Điều này xuất phát từ việc họ cho rằng anh Quang phải có trách nhiệm với đứa bé trong bụng Lâm (Quang đang được coi là bố của đứa trẻ).
Hơn nữa, sự việc gần như đã được hai bên giải quyết “nội bộ” khi chị Nguyễn Thị Huyền có giấy đề nghị xin rút đơn và khẳng định: “Vậy tôi viết đơn này xin rút đơn đã trình bày trước cơ quan công an thị trấn Đông Anh. Từ bây giờ tôi không kiến nghị và không đề nghị gì với cơ quan pháp luật như đơn trước tôi đã viết tại cơ quan công an thị trấn Đông Anh”.
Như vậy việc tranh chấp ở đây mang tính dân sự nhiều hơn, nó thể hiện ở chỗ: cho đến thời điểm sau đó thì vẫn chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng nào.
Ở đây, cơ quan điều tra phải xem xét có “hiện tượng”, hành vi của Quang quan hệ với Lâm và dẫn đến có con với Lâm hay không?. Lâm là một công nhân, trình độ hiểu biết thấp, khi có bầu, bản thân cô này cũng không biết việc kiện lại anh Quang.
Chính vì chuyện này mới dẫn đến việc gia đình Lâm đến đòi hỏi trách nhiệm của Quang. Tất nhiên ở đây, cách thức hành động của nhóm người này chưa hợp tình hợp lý.  
Bà Lý bức xúc: “Dưới góc độ là một phụ nữ, một người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau, là một người hiểu biết pháp luật, tôi rất bất bình trước việc Công an huyện Đông Anh tạm giữ hai bà bầu dẫn đến hậu quả một người bị đẻ rơi ngay trong nhà tạm giữ còn một người bị suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến việc sinh đứa con trong bụng”.
“Khi bắt người, cơ quan điều tra phải căn cứ vào tình tiết phạm tội để đánh giá xem có cần thiết phải áp dụng biện pháp bắt giữ hay không? Người đó có khả năng gây ra nguy hiểm hoặc tiếp tục phạm tội hay không? Có thể tạo ra một hiện trường giả hay không…?
Ở đây 2 người phụ nữ đều mang thai và cận kề ngày sinh tháng đẻ, về mặt pháp luật đã không nên bắt rồi, còn chưa nói đến mặt con người với nhau. Nếu như bình thường nhất khi người ta nhìn thấy một người mang bầu đi đường còn phải nhường đường và giúp đỡ nữa là...”, bà Lý nói.
Cô Lâm có quyền đòi lại đứa trẻ
PV: Hiện Công an huyện Đông Anh công bố đã tìm thấy đứa trẻ được cho là con của Lê Thị Lâm, nhưng lại không công bố thông tin, chứng cứ cụ thể. Liệu gia đình chị Lâm cũng như cơ quan báo chí, công luận có quyền được tiếp cận thông tin, những căn cứ chứng minh là đã tìm thấy con của sản phụ này không?
Bà Tạ Thị Minh Lý (Bà Lý): Quyền hay không thì phải xét về quyền của cô Lâm. Cô Lâm có được quyền đòi lại con hay không? Cô Lâm đã bỏ đi nhưng cô bỏ đi trong tình trạng vừa sinh con trong nhà tạm giữ như thế.
 
Trung tá Trần Hải Quân, phó trưởng CAH Đông Anh trưng bức hình cháu bé và gia đình đang nuôi dưỡng cháu
Trung tá Trần Hải Quân, phó trưởng CAH Đông Anh trưng bức hình
cháu bé và gia đình đang nuôi dưỡng cháu

Đây là đòn xốc về mặt tâm lý, cô Lâm không phải tự nhiên bỏ con, nếu cô bỏ thì đã bỏ ngay từ khi mang bầu rồi. Khi Trần Văn Quang – (tình nghi là bố đứa bé) chối từ như thế, cô vẫn để đẻ thì có nghĩa là cô Lâm không muốn bỏ đứa con. Bây giờ vì nhớ con mà thần kinh của cô ấy ngày càng không bình thường như vậy là cô Lâm muốn lấy lại đứa con của cô ấy.
PV: Thưa bà, chế độ ăn uống hiện hành đối với người bị tam giam, tạm giữ có đảm bảo chế độ cho thai nhi phát triển bình thường?
Bà Lý: Quy định về chế độ ăn uống của người bị tạm giam, tạm giữ thì đã có nhưng đây là chế độ ăn uống quy định chung. Đối với bà bầu thì tất nhiên là ảnh hưởng rồi. Chế độ ăn của phụ nữ có thai hoàn toàn khác, cái đấy là khuyến nghị của nhà nước rồi. Nếu không đảm bảo bồi bổ cho bà mẹ và thai nhi thì công dân tương lai sinh ra sẽ bị ảnh hưởng về thể chất.
PV: Vậy cô Lâm có quyền đòi lại đứa con của mình?
Bà Lý: Về mặt nguyên tắc là người mẹ được quyền đòi lại đứa con của mình. Cô Lâm có quyền làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu truy tìm xem đứa con của cô ấy thất lạc ở đâu để tìm lại. Bây giờ Công an huyện Đông Anh bảo Lâm đã cho con thì cũng phải xem là Lâm có thỏa thuận cho con hay không và thỏa thuận đó được ký trong tình trạng năng lực dân sự của Lâm có đầy đủ hay không?
Cô ấy có khỏe mạnh, có minh mẫn, có nhận thức được hành vi của mình hay không? Công an phải điều tra và cung cấp thông tin cho công luận.
Nếu như có sự cho nhận con sau khi sản phụ Lê Thị Lâm sinh thì phải có hai bên gia đình làm chứng, có bệnh viện làm chứng vào đấy. Tất nhiên, với việc cho nhận công khai, hợp pháp như thế thì tất yếu bố mẹ nuôi phải làm thủ tục ra viện và lấy giấy chứng sinh cho cháu bé. Đằng này theo báo chí thì hồ sơ bệnh án của cô Lâm chưa có thủ tục ra viện. 
PV: Thưa bà, gia đình Hà, Lâm là những gia đình nghèo, ít hiểu biết về pháp luật. Ở góc độ là một lãnh đạo cơ quan trợ giúp pháp lý, bà có lời khuyên nào cho họ?
Bà Lý: Gia đình cô Lâm, cô Hà muốn có luật sư trợ giúp thì họ có thể đến Trung tâm trợ giúp pháp lý TP. Hà Nội (số 2 Quang Trung, quận Hà Đông). Những người có vướng mắc pháp luật đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng hoặc đang mang thai thì được tư vấn pháp luật miễn phí và trong trường hợp cần thiết được trợ giúp pháp lý. Nhưng tôi nghĩ, ở một vụ án gây xúc động dư luận như thế này thì chắc chắn có nhiều luật sư, văn phòng luật sư muốn bảo vệ miễn phí.
- Xin cảm ơn bà!
Theo GDVN

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT