Không phải đợi đến khi thương nhân Trung Quốc ráo riết thu gom hàng nông sản tận tay người nông dân như trong thời gian vừa qua mà thực trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào tại các doanh nghiệp Việt Nam đã tồn tại trong một vài năm qua.
Năm ngoái, khi trả lời báo chí ông Đinh Ngọc Đạm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), cho biết: Năm 2010, công ty cần khoảng 13.000 tấn cao su nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, việc mua nguyên liệu rất khó khăn và công ty mới mua được của Tập đoàn Cao su được khoảng 4.000 tấn. Để đảm bảo đủ hàng cho sản xuất, DRC phải mua nguyên liệu ở bên ngoài với chất lượng không ổn định như tính năng cơ lý, độ nhớt, thành phần tạp chất... nên phải mất thêm chi phí để xử lý nguyên liệu.
Thường thì các doanh nghiệp có nhu cầu cao su nguyên liệu đều phải mua từ Tập đoàn cao su Việt Nam, tuy nhiên do giá cả tăng cao trong thời gian qua nên các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã tập trung cho xuất khẩu. Do đó, mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu cao su thiên nhiên đứng Top 5 thế giới, nhưng ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su thiên nhiên vẫn bị động về nguồn nguyên liệu!
Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang quá bị động đối với việc tiếp cận vùng nguyên liệu hay phụ thuộc quá nhiều vào các thương lái thì thương nhân Trung Quốc lại rất chủ động đến tận nơi thu gom với nhiều hình thức thanh toán rất linh động.
Theo ghi nhận của TBKTSG thì một doanh nghiệp chế biến cao su tư nhân cho biết "Nếu như trước đây, các doanh nghiệp cao su muốn xuất sang Trung Quốc thì phải vận chuyển ra tận cửa khẩu Móng Cái nhưng hiện nay thương nhân Trung Quốc tới tận nhà xưởng mua, đặt trước tiền cọc, thậm chí có cơ sở thiếu vốn, thương nhân nước này còn cho ứng vốn trước".
Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều loại nông sản khác tương tự như: tôm, cá, hồ tiêu, cà phê, trứng vịt, ...
Từ trước đến nay, hầu hết các loại nông sản thực phẩm Việt Nam vẫn được thu gom bởi một lực lượng thương lái hùng hậu. Thực tế thì lực lượng thương lái này đã nắm quyền chi phối thị trường nông sản thực phẩm trong một thời gian dài. Khi sản phẩm được làm ra từ người nông dân đến được tay các doanh nghiệp sản xuất thì giá đã bị đội lên đáng kể do các khâu trung gian. Do đó, khi xuất hiện ồ ạt các thương nhân Trung Quốc thu mua tận tay nông dân với giá cao hơn thì thương lái Việt Nam bị "đói hàng" dẫn tới tình trạng khan hiếm tại các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi.
Thực tế này cho thấy, trong khâu thu mua nguyên liệu, các doanh nghiệp Việt Nam đang có vấn đề và đã bộc lộ những yếu kém nhất định. Việc để cho thương lái nắm quyền chi phối thị trường như trong thời gian qua đã làm cho giá nguyên liệu vừa bị đội lên cao nhưng người nông dân thì lại bị o ép. Nông dân Việt Nam đã không được nhận xứng đáng giá trị sản phẩm do mình làm ra trong một thời gian dài nên sự ưu ái dành cho những thương nhân đến từ Trung Quốc là điều dễ hiểu.
Sự xuất hiện ồ ạt của thương nhân Trung Quốc thu gom nông sản trong thời gian qua đã khiến nông sản Việt Nam "chảy" quá nhiều qua biên giới đồng thời đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng chủ yếu lên cao bất thường.
Trước tình hình đó, ngày 09.07 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với bộ Công Thương và UBND các tỉnh có đường biên giới khẩn trương kiểm tra và có biện pháp quản lý chặt việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang các nước có chung đường biên giới.
Cũng trong công điện này, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý giá; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập cho nhân dân.
Để thực hiện được các yêu cầu trên thì ngoài các phương án kiểm soát chặt chẻ hàng hóa lương thực, thực phẩm đang ồ ạt xuất khẩu qua biên giới bằng nhiều con đường từ tiểu ngạch cũng như chính thức thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đồng thời phải tiết giảm những chi phí không cần thiết nhằm có chính sách thu mua nguyên liệu đầu vào hợp lý bởi người nông dân sẽ khó chấp nhận bán sản phẩm của mình với giá thấp hơn giá bán cho thương nhân Trung Quốc nhưng lại bị o ép, kiểm soát chất lượng quá khắt khe.
Có một thực tế đáng để các doanh nghiệp trong nước học hỏi và xem xét đang diễn ra từ các vùng nguyên liệu Việt Nam. Đó là từ chỗ tìm kiếm, thu gom hàng hóa thì nay, các thương nhân Trung Quốc đang bắt tay vào việc đầu tư, hợp tác với người nông dân để thu gom, chế biến rồi xuất sang Trung Quốc, thậm chí họ còn đưa cả người Trung Quốc qua để tham gia trực tiếp sản xuất và kiểm soát chất lượng ngay tại các cơ sở mà họ vừa thỏa thuận hợp tác, đầu tư tại một số cơ sở giết mổ gia cầm ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Từ chỗ các doanh nghiệp Việt Nam bị 'hớt tay trên' ngay trên sân nhà thì nếu doanh nghiệp và nhà nước Việt Nam không có những chính sách kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nguy cơ các vùng nguyên liệu ở Việt Nam rơi vào tay người Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.
Theo các thông tin trên báo chí trong thời gian qua thì thương nhân Trung Quốc không ngồi ở văn phòng mua hàng qua mail, fax, mà rất cơ động. Họ thường vào tận các vùng nguyên liệu, tuyển thông dịch, thuê thương lái hoặc doanh nghiệp Việt Nam lo việc thu gom, còn họ thì đứng ra giám sát. Trong khi đó phương thức thu gom của các doanh nghiệp Việt Nam thì như thế nào? Chẳng lẽ đến khi phải mua lại nguyên liệu từ người Trung Quốc thì họ mới tỉnh ra? Khi đó thì đã quá muộn.
Theo VEF

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT