(VietNam7) “Quỹ bình ổn xăng dầu đã bắt đầu dương, xăng tồn trong kho đã hơn 40 ngày, vượt hơn 30% số ngày cho phép… Tổng công ty xăng dầu Việt Nam Petrolimex hiện đang khó khăn trong việc điều hành”, Phó tổng Petrolimex Đàm Thị Thanh Huyền cho biết.
Lượng tồn kho cao do vậy không thể giảm giá được  
Tại hội nghị giao ban bộ Công thương tháng 7, (sáng 1/8), bà Đàm Thanh Huyền chia sẻ: “Khi kinh doanh có lãi thì cầu giảm, khi bán lỗ thì lượng tiêu thụ cao, đây là bài toán nan giải đối với Tổng công ty. Điều này khiến cho Tổng công ty rất lúng túng trong điều hành, để tồn kho cao”.  
"Lượng xăng tồn kho cao do vậy không thể
giảm giá được"
Bà Huyền dẫn chứng, sản lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước tháng 6, tháng 7 sụt giảm mạnh. Tháng 7 lượng tiêu thụ ước đạt chỉ bằng 64-65% tháng cao nhất trong quý I. Tháng 2, tháng 3, lượng tiêu thụ có thể lên 860.000m3/tháng, thì hiện giờ chỉ dừng ở mức 352.000m3/tháng.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của chính phủ yêu cầu Tổng công ty phải duy trì tồn kho 30 ngày, phải đảm bảo kế hoạch nhập khẩu ổn định khi thị trường thay đổi thì nay, khi thị trường chững lại, có thời điểm công ty tồn kho hơn 40 ngày, vượt quá 30% so với yêu cầu.  
Bà Huyền cho hay, hiện nay, vấn đề nguy hiểm là dư nợ bình quân đến đầu tháng 4 tưởng chừng được giải quyết do quãng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 lượng ngoại tệ mua được thường xuyên. Nhưng đầu tháng 6 đến nay ngoại tệ khó và không mua được. Hiện công ty đang âm 2.000 tỷ đồng tiền Việt chưa được xử lý. “Mâu thuẫn giữa tồn kho cao, dư nợ vay ngoại tệ lớn”, bà Huyền nhấn mạnh.
Trước những dư luận, tại sao không giảm giá xăng dầu, bà Huyền phân tích, thời gian qua, nhất là trong tháng 6 có khả năng để giảm giá xăng dầu, nếu xét về lượng nhập tại chỗ xăng dầu thời kỳ đó. Nhưng lượng tồn kho cao do vậy không thể giảm giá được.
Lượng tồn kho này, mặc dù Bộ Tài chính đã có văn bản đồng ý sẽ xử lý nhưng cũng không biết sẽ xử lý theo cách nào. Nếu lấy lãi giai đoạn sau bù cho giai đoạn trước thì sẽ không dám làm, vì mâu thuẫn giữa câu chuyện giảm giá và tích lũy để bù cho giai đoạn trước.
“Tôi cho rằng thông điệp điều hành phải rõ ràng nếu không doanh nghiệp sẽ rơi vào trạng thái lúng túng. Thời gian qua, Tổng công ty đã cố gắng đẩy mạnh bán ra, tái xuất, giãn hoãn những chuyến tàu, giảm bình quân tồn kho từ 38 ngày xuống còn 32 ngày để cố gắng ổn định tình hình”, bà Huyền cho biết.
Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá
Thông tin về quỹ bình ổn giá xăng, bà Huyền cho biết sau 6 tháng âm liên tục, đến cuối tháng 7, quỹ này đã dương 102 tỷ đồng. Tại cuộc giao ban, thứ trưởng bộ Công Thương, Nguyễn Danh Vĩnh thừa nhận, gian qua các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã khắc phục những khó khăn về tỷ giá, tiếp cận các nguồn vốn trước những biến động về giá cả, đảm bảo sản xuất và cung ứng các nguồn hàng cho thị trường. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp dù đã tăng trưởng nhưng bước đầu vẫn gặp khó khăn ở khâu vay vốn, chi phí đầu vào, đầu tư chậm...
Các biện pháp ổn định tình hình chưa đủ mạnh, còn nặng về hành chính nên các đơn vị cần phải nỗ lực hơn nữa để có có biện pháp cụ thể quyết liệt hơn.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, từ nay đến cuối năm tình hình sản xuất, thương mại sẽ còn gặp nhiều khó khăn do độ trễ về chính sách và giá cả. Để chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, ngành công thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Liên quan đến thông tin Tổng công ty Xăng dầu báo cáo tài chính lãi khi tiến hành cổ phần hóa, trong khi suốt thời gian dài kêu lỗ, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định các thông tin đó không phân biệt đâu là số liệu tổng hợp (tức số lãi-PV) đâu là số liệu của riêng kinh doanh xăng dầu”.
Theo GDVN

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT