(VietNam7) Hơn mười năm nay, người dân ngụ cư ở khu vực đồi Đinh Beng, xã Ia Pết huyện Đăk Đoa, Gia Lai sống trong cảnh không điện, đường, trường, trạm.
Xóm "đa không" là cách gọi cửa miệng của người dân, còn tên chính thức là thôn Brơn Guay.
Ốc đảo giữa đời
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, những người nghèo di cư từ các tỉnh phía Bắc, Bắc miền Trung trôi dạt về đây. Ban đầu chỉ vài hộ, dần phát triển lên khoảng 40 hộ (hơn 100 khẩu) và hình thành một điểm dân cư. Người dân ở đây mượn tên làng của đồng bào Ba Na đặt cho thôn của mình.
Cảnh đèn dầu, bếp củi ở xóm “đa không".
Khởi đầu, bà con làm thuê làm mướn, dần dần tích lũy được tiền mua đất làm nhà, làm vườn phát triển sản xuất. Đất lành chim đậu, nhiều gia đình đã gây dựng được cơ ngơi. Cái ăn không còn đáng lo nữa, buồn là cuộc sống như giữa ốc đảo. Sống trong thời đại văn minh mà điện, đường, trường, trạm vẫn là cái gì xa lắc xa lơ với người dân ở đây.
Đường lên xã Ia Pết mất gần 30 cây số, lên huyện Đăk Đoa gần 20 cây số nên chuyện học hành của sắp nhỏ cực kỳ khó khăn. Gia đình tôi sinh sống ở đây từ năm 1998, nhưng đến nay vẫn không có điện đóm gì hết. Đưa con ra xã Ia Pết học còn xa hơn cả lên huyện. Thương cháu lặn lội lúc mưa gió đi học, tôi đành bấm bụng thuê nhà ngoài huyện cho 3 mẹ con ở để các cháu được học hành - anh Hoàng Xuân Nam - một trong 4 hộ hiếm hoi có hộ khẩu tại đây kể.
Không hộ khẩu...
Không có điện, nhiều hộ cũng như nhà anh Nam phải dùng ắc quy để thắp sáng. Mỗi năm xài 2 bình ắc quy 100A, mỗi cái trị giá 2,2 triệu đồng. Tuần nào cũng ra huyện Đăk Đoa sạc điện hết 15 nghìn đồng/bình, nhưng chỉ thắp được 1 bóng đèn tiết kiệm 3 tiếng đồng hồ mỗi tối. Anh Đặng Quốc Tế đã khắc phục bằng cách chạy máy nổ, chỉ 3 tiếng đồng hồ thắp sáng mỗi tối hết 2 lít dầu, mỗi tháng tốn hơn 1 triệu đồng tiền dầu. Những hộ khác không có điều kiện thì chịu cảnh "đèn dầu, bếp củi".
Gia đình tôi sinh sống ở đây từ năm 1998, nhưng đến nay vẫn không có điện đóm gì hết. Đưa con ra xã Ia Pết học xa hơn cả lên huyện.
Điều này lâu cũng thành quen, chỉ ước ao có điện để sản xuất. Anh Tế cho biết: “4ha cà phê nhà tôi, nếu có điện chỉ mất chừng 3 triệu đồng/lượt tưới. Dùng máy nổ, với giá xăng dầu như hiện nay, mỗi lần tưới ngốn hết 15 triệu đồng. Gần đây vì quá bức xúc, anh Nam đành phải đi vay nóng để bắt điện nhờ. Đường dây dài hơn 800m chi phí hết 40 triệu đồng. Mỗi tháng, anh Nam phải nai lưng trả 1,6 triệu đồng tiền lãi…
Không chỉ khổ vì điện, vì không làm được hộ khẩu nên người dân ở đây không thể vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Cần tiền đầu tư chỉ có con đường đi "vay nóng" để chịu lãi cắt cổ… Đường sá đi lại khó khăn, trạm xá xa nên mỗi khi có người ốm thì cả nhà cùng ốm vì sự đèo bòng, chăm sóc. Đã có chuyện nực cười là người khỏe đi khám thay cho người bệnh - nghĩa là để bác sĩ kê toa, cho thuốc qua lời kể của người khỏe!
Chúng tôi mang chuyện ở xóm “đa không" trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Đăk Đoa và được trả lời: "Huyện đã cử đoàn công tác tiến hành kiểm tra, khảo sát ở đấy rồi. Nhưng còn nhiều nơi khó khăn hơn phải ưu tiên trước".

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT