(VietNam7) Có một người nước ngoài đặc biệt quan tâm đến ngư dân Việt Nam khi đi đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ông là André Menras - một người Pháp mang quốc tịch Việt Nam, tên Việt là Hồ Cương Quyết.
Chung tiếng nói Hoàng Sa
Thời gian gần đây, người dân Lý Sơn thường gặp một ông Tây cao to tìm đến đảo, hỏi bằng tiếng Việt khá sõi, về những trường hợp ngư dân gặp rủi ro do nước ngoài gây ra khi đi đánh bắt tại Hoàng Sa, Trường Sa. Ông đến thăm từng gia đình nạn nhân, động viên vợ con họ. Ban đầu, bà con còn ái ngại, sau quen dần và bây giờ thì coi ông như người thân.
Mỗi lần đến với bà con, ông mang theo máy ảnh, cuốn sổ trên tay suốt ngày ghi ghi, chép chép. Ông đến gặp bộ đội biên phòng và xin “cho tôi theo ngư dân ra khơi đi đánh cá. Đi ra Trường Sa, Hoàng Sa gì cũng được”.
Bộ đội biết thiện chí của ông, biết ông là Hồ Cương Quyết, một công dân Pháp, sinh ra trên đất Pháp, mang quốc tịch Việt, năm 1970 từng cắm cờ đỏ sao vàng trước Hạ viện Sài Gòn để đấu tranh cho hòa bình Việt Nam. Tuy nhiên, anh em biên phòng cũng phải lắc đầu với đề xuất có phần táo bạo của ông. Bởi tuổi tác như ông (66 tuổi), ra khơi hàng tháng trời thì thật nguy hiểm.
Điều gì khiến ông Quyết khao khát đồng hành với ngư dân ra chốn nguy hiểm? Ông tâm sự: “Tôi đọc báo thấy nhiều ngư dân Quảng Ngãi đi đánh bắt ở Hoàng Sa gặp nạn. Tôi là công dân Việt Nam nên cũng phải có trách nhiệm chung một tiếng nói cho Hoàng Sa”.

Ông Quyết (phải) trao số tiền hỗ trợ cho ngư dân bám biển.
Sau những chuyến về thăm Lý Sơn, ông hay viết bài cho các báo bên Pháp. Những bài viết của ông về tình hình biển Đông đã làm cho nhiều người Pháp hiểu được sự thật và nỗi đau của các ngư dân Việt Nam khi ra khai thác ở quần đảo Hoàng Sa.
Tháng 5/2011, ông viết loạt bài Hãy lên tiếng, dõng dạc và minh bạch trên một tờ báo điện tử. Trong bài viết có đoạn: “Tổ tiên của họ trong hải đội Hoàng Sa đã hy sinh! Tôi rất hiểu vị thế cực kỳ khó khăn và tế nhị của các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn tránh cho nhân dân mình đã trải qua bao đau thương trong suốt lịch sử dân tộc phải gánh chịu những hy sinh mới…”. Ông đề nghị: Nhà nước nên trích ngân sách làm quỹ cho ngư dân ở Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Hoàng Sa là của Việt Nam
Lần trở lại Lý Sơn gần đây, ông đi cùng Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi, có thêm phóng viên Đài Truyền hình TP.HCM để cùng làm bộ phim tài liệu “Nỗi đau Hoàng Sa”. Bộ phim kể về số phận các ngư dân Quảng Ngãi khi mưu sinh trên quần đảo Hoàng Sa đầy bão tố và bất trắc.
Bà con Lý Sơn hay gọi ông là ông Tây Lý Sơn, coi ông như người cùng làng, người trong nhà. Ông Phạm Đoàn – hậu duệ của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật ngày xưa, cho biết: “Bà con thương ông, bởi từ nước Pháp mà lại rành chuyện Hoàng Sa, rồi quan tâm tới con em bị nạn ở Hoàng Sa. Tấm lòng đó, bà con trên đảo rất cảm động!”.
Ông André Menras (sinh năm 1945) hiện là Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị phát triển Sư phạm Pháp - Việt (A.D.E.F).Những năm qua, ông đã bôn ba khắp nơi, vận động quyên góp để thực hiện Chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”. Còn giờ đây, ông lại đến Quảng Ngãi và nặng lòng với câu chuyện các hùng binh Hoàng Sa. Ông tâm sự: “Tôi đọc sách và vô cùng khâm phục những người lính thời đó đã anh dũng ra bảo vệ Hoàng Sa. Thế nên chúng ta phải biết ơn và giữ gìn truyền thống này”.
Lúc riêng tư, ông chia sẻ: “Mẹ tôi già rồi, bây giờ tôi phải đi về giữa nước Pháp và Việt Nam. Qua Việt Nam thì nhất định tôi phải ghé tới Lý Sơn thăm bà con ngư dân mình. Họ là bà con của Quyết rồi”.
“Larchipel Hoang Sa est Vietnamien” (Hoàng Sa là của Việt Nam), ông hay nói câu tiếng Pháp này với các nhà báo Việt Nam mỗi khi về thăm đất nước thứ hai này.
Theo Dân Việt

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT