(VietNam7) Kính gửi Ông Nguyễn Sinh Hùng, Tân Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
Thưa ông,
Là một công dân luôn theo dõi tình hình tranh chấp trên biển Đông, tôi đã nức lòng khi nghe Tân Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang trả lời báo chí vào chiều ngày 25/7/2011: “Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)…
Nước lớn có vị thế khác. Nước nhỏ như chúng ta có vị thế khác, phải dựa vào sức mạnh tập thể, cộng đồng, dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình. Điều đó là dứt khoát, đương nhiên. Từ đó chúng ta luật hóa bằng luật quốc nội để xác lập, thực hiện việc chiếm hữu về ba mặt: pháp lý, lịch sử và về thực tế (khai thác và sử dụng vùng thuộc chủ quyền của mình)”.
Tôi càng vững tâm hơn khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu nhậm chức trước Quốc hội vào ngày 3/8/2011: “Triển khai thực hiện kiên định và đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”.
Nhưng niềm vui đó bị vụt tắt khi được biết rằng trong báo cáo của Chính phủ về vấn đề biển Đông tại Quốc hội vào chiều 4/8/2011 là một phiên họp kín và nội dung của nó như thế nào người dân hề không biết vì không có một thông tin nào liên quan đến cuộc họp này được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước đăng tải.
Kính thưa ông Chủ tịch Quốc hội,
Xin phép được nêu lên một thắc mắc rất bình thường là có gì bí mật trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông mà nhà nước và quốc hội không thể thông báo cho nhân dân. Phải chăng đã “có Đảng và nhà nước lo” nên người dân như chúng tôi không cần phải bận tâm?
Là người quan tâm nghiên cứu đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, tôi biết rằng về pháp lý việc phát hiện, chiếm hữu, quản lý liên tục và khai thác có hiệu quả các vùng đất mới phải thuộc về nhà nước, và quyền đàm phán, ký kết các hiệp ước với nước ngoài là trách nhiệm của chính phủ và chỉ có hiệu lực khi đã được quốc hội – là cơ quan quyền lực cao nhất – phê chuẩn. Chẳng lẽ, nếu một mai ngoại bang đe dọa chủ quyền của Việt Nam và tình thế bắt buộc chúng ta phải chiến đấu bảo vệ tổ quốc thì chỉ có 200 ủy viên Trung ương Đảng và 500 đại biểu Quốc hội cầm súng ra trận thôi sao?
Thưa ông, bốn chữ “bí mật quốc gia” ở Việt Nam chúng ta đã có bài học kinh nghiệm xương máu.
Cho đến nay, phía Trung Quốc thường rêu rao, rằng “Thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi tiếp ông Li Zhimin, Tham tán đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã nói rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là môt bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc”. Ông Lê Lộc, quyền Vụ trưởng Á châu Sự vụ thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng có mặt lúc đó, đã nói thêm rằng “xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Ðường”(1) , và quan trong hơn hết là bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 9/1958 gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã luôn bị phía nhà nước Trung Quốc trựng dụng như một chứng cứ trong việc xác nhận chủ quyền của họ trên biển Đông(2).
 Hơn nữa, mới đây, khi được hỏi “Được báo cáo rằng có cái gọi là “biểu tình chống Trung Quốc” ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 2007. Ông có ý kiến gì?”,Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng đã nhắc lại hai sự kiện nầy, tuyên bố như sau:
 “Các đảo ở biển Nam Trung Hoa và lĩnh vực phụ cận là thuộc chủ quyền của Trung Quốc không thể tranh cãi, đó là lập trường nhất quán của chính phủ Trung Quốc.Chúng tôi thừa biết rằng chính quyền Việt Nam có những khẳng định [chủ quyền] khác nhau vào những thời kỳ lịch sử khác nhau của nó”(3)
Điều cần đáng quan tâm hơn là kể từ sau sự kiện ngày 2/3/2011, khi tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động trong khu vực Bãi Cỏ Rong (mà Philippines đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam), tiếp cận một tàu khảo sát địa chấn của Philippines và ra lệnh cho con tàu này rời khỏi khu vực đã dẫn đến nguy cơ xung đột bằng vũ lực Trung-Phi cho đến ngày hôm nay và nhiều lần Philippines tuyên bố chủ quyền của họ tại khu vực này kể cả việc các quan chức cao cấp của Philippines tổ chức đi thị sát nơi đây thì tôi cũng chưa nghe một lời phản đối  sự xâm phạm chủ quyền hay kháng nghị  nào từ Bộ Ngoại giao nước ta. Tôi nghĩ rằng, sự im lặng của Việt Nam trong thời gian qua trước việc Philippines lên tiếng và có hành động thực thi chủ quyền của họ ở khu vực bãi Cỏ Rong là một sai lầm nghiệm trọng, vô tình hay chủ ý thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc lẫn Philippines đối với Bãi Cỏ Rong.
Thưa ông Chủ tịch Quốc hội,
Tôi xin nhắc lại rằng, khi đã có một Đặng Tiểu Bình tuyên bố biển Đông là “chủ quyền thuộc ngã” và khi Trung Quốc tuyên bố biển Đông là khu vực “lợi ích cốt lõi” của họ, thì khó dùng tinh thần hiếu hòa của người Việt để ngăn chặn tham vọng của phương Bắc. Lịch sử Việt Nam có nhiều bài để học. Vấn đề là học như thế nào và hành ra sao để ngăn chặn được nguy cơ không chỉ riêng cho dân tộc mà còn là nguy cơ đối với đảng cầm quyền và những người lãnh đạo đất nước.
 Xin gửi đến ông lời chào trân trọng.
Viết tại Tp.HCM ngay sau kỳ họp thứ nhât của Quốc hội Khóa 13 bế mạc.
Đinh Kim Phúc
Tác giả gửi cho Quê choa

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT