(VietNam7) Vay nợ lớn, hiệu quả kinh doanh thấp, lỗ hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, nhưng DN Nhà nước vẫn được hưởng nhiều ưu đãi và dường như rất "tự tin" bởi có Chính phủ bảo lãnh vay nợ.
Những nghi ngờ và lo ngại về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lại một lần nữa trở thành mối lo ngại lớn. Lần này, không phải bắt đầu bằng những cảnh báo hay dự đoán của các chuyên gia hay cơ quan giám sát và được bộc lộ bằng chính thực tế hoạt động của khối DN này. Trong khi đó, tiến trình cải cách DNNN dù liên tục được nhắc nhở nhưng vẫn rất chậm chạp.
Một loạt thông tin không hay về hoạt động của các DNNN lớn liên tiếp được cập nhật. Bộ Tài chính vừa nhận được đề xuất từ Bộ Xây dựng về hỗ trợ một số công ty thuộc Tập đoàn Sông Đà khó khăn không trả được nợ nước ngoài. Cụ thể, Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành không trả được nợ gốc và lãi hơn 141 tỷ. Không những thế, từ năm 2011-2015, DN còn thiếu 607 tỉ đồng để trả nợ.
Trước đó, một thành viên của tập đoàn này là Tổng công ty Cơ khí xây dựng cũng không trả được nợ vay nước ngoài nên phải xin Bộ Xây dựng hỗ trợ. Bộ Xây dựng tất nhiên sẽ không có tiền, cách duy nhất để giúp các DN này là phải xin Chính phủ và “cấu” tạm vào ngân sách nhà nước.
Chuyện này vỡ ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết đây không phải là trường hợp duy nhất mà còn có nhiều DN khác vay nợ bằng bảo lãnh Chính phủ nhưng không thể trả được đang phải "nhờ" Chính phủ trả nợ hộ.
Nợ quốc gia (bao gồm cả nợ do Chính phủ vay và bảo lãnh vay cộng với vay thương mại) của năm 2010 là 42,2% GDP, tương đương khoảng 44 tỷ USD. Trong đó nợ của khu vực công đã lên tới 32,5 tỷ USD.
Đa số nợ vay nước ngoài của DN Việt Nam là vay lại các khoản vay của Chính phủ hay được Chính phủ bảo lãnh nên về nguyên tắc nếu doanh nghiệp không trả được thì Chính phủ sẽ phải có biện pháp trả nợ thay. Và Bộ Tài chính đã khẳng định: Trong mọi trường hợp, Chính phủ sẽ phải xử lý, đảm bảo trả được nợ. Có lẽ vì thế các DN rất “quyết tâm” trong việc vay nợ và và thoải mái dùng vốn và “yên tâm” trả nợ vì đã có nhà nước đỡ.


Ảnh: website TĐ Sông Đà
Đây thực sự là một điều đáng báo động khi tình trạng nợ doanh nghiệp có thể biến thành nợ nhà nước, khiến cho khoản nợ quốc gia thêm trầm trọng. Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu đầu tư rất lớn, trong khi nguồn lực có hạn nên cần thiết phải đi vay để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, với thực tế như trên thì các DN đang làm cho gánh nợ quốc gia thêm lớn vì Chính phủ bảo lãnh cho vay, DN không trả được nợ  thì đương nhiên nợ đó sẽ biến thành nợ của Chính phủ.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, trong cuộc họp mới đây của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ với một số cơ quan thuộc bộ này, ông Huệ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại làm kế hoạch thanh tra các dự án vay lại nguồn vốn ODA và các dự án có bảo lãnh của Chính phủ để báo cáo bộ về hiệu quả sử dụng vốn tại các dự án này, đồng thời đề xuất các biện pháp xử lý.
Trong khi đó, kết quả kiểm toán mới nhất cho thấy, hàng loạt thì DNNN lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh thua lỗ từ trăm tỷ cho đến cả ngàn tỷ. Có vẻ như, thông tin thua lỗ ở các DNNN đã trở nên quá quen thuộc qua mỗi lần công bố cho thấy những yếu kém bản chất của DNNN vẫn chưa được cải thiện.
Qua những thông tin cho thấy, các DN nhà nước đang ở trong thế khác biệt lớn so với khối tư nhân. Đó là họ vẫn nhận được rất nhiều sự ưu đãi, bao cấp, tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh… Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nữa là dù có ưu đãi và có lợi thế cạnh tranh trên mức bình đẳng với mặt bằng chung thì DNNN vẫn thua lỗ.
Thực tế này một lần nữa nhắc lại hoạt động yếu kém của các DNNN nhất là các tổng công ty hay tập đoàn lớn. Có rất nhiều lý do để giải thích cho những kết quả kinh doanh yếu kém của các DN nhưng so sánh trong một môi trường chung, điều kiện chung thì khi một DN làm ăn thua lỗ, vay nợ không trả được… thì không có cách gì có thể biện minh cho sự yếu kém của mình.
Đáng nói là sự yếu kém của các DNNN không chỉ có thể phá sản các DN mà đang gây ra nhiều hậu quả đối với nền tài chính quốc gia. Nếu tình trạng này trở nên phổ biến các DN vốn được kỳ vọng là “rường cột” kinh tế có thể trở thành gánh nặng nợ của quốc gia.
Trong thông điệp bước vào nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Chinh phủ đã nhấn mạnh, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp còn tồn tại trên thực tế; minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chí của doanh nghiệp đăng ký trên thị trường chứng khoán. Đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp.
Cùng chung muc tiêu này, trong bản kiên nghị 10 điểm của Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa XII trước khi trao quyền lại cho khóa mới đã tiếp tục đề xuất tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm nhiệm vụ cơ bản là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng thay vì đóng vai trò “chủ đạo” bằng cách đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay.
Không chờ đến lúc này, việc cải cách DNNN đã được đề ra và thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, với kết quả đạt được và thực tế trên đây cho thấy sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Không có lý do gì để trì hoãn cải cách, để tiếp tục kéo dài thua lỗ và nợ nần của các DNNN.
Đòi hỏi cải cách DNNN từ nhận thức đến thực tế là một quá trình không thể đảo ngược và không thể chậm trễ. Quá trình đó đòi hỏi sự liên tục, quyết tâm và kiên trì. Tuy nhiên, cho đến nay khi cổ phần hoá đến giai đoạn quyết định với đối tượng chính là các DNNN lớn như tập đoàn và tổng công ty thì có vẻ như đang chậm dần.
Đó thực sự là điều đáng lo và không lẽ chúng ta chấp nhận sự chậm trễ để thêm nhiều lần nhận được những báo cáo thua lỗ và bất ngờ nhận thêm được những đề xuất “hỗ trợ”, trả nợ hộ từ các DNNN như trên.
Theo Vef

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT