(VietNam7) Người sống chưa có nhà còn có thể thuê nhà ở trọ hay ở nhờ hoặc “để mai tính”, nhưng người chết thì chẳng thể “hoãn”cái sự nằm xuống được.
Dân cư thành phố ngày một đông đúc, nhà xây san sát nhưng “chỗ ở” cho người chết lại không được quy hoạch. Và vì thế, người ta mới nói  tìm được mấy m2  đất cho người  nằm xuống, với người dân Hà Nội còn khó hơn lên trời…




Có tiền chưa chắc mua được đất

Nguyễn Văn Đ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại hành trình gian nan tìm đất nghĩa trang của gia đình mình. Chẳng là năm ngoái, mẹ anh (gần 80 tuổi) đang bị tai biến mạch máu não, “nằm một chỗ” đã được gần 1 năm. Tuổi cao sức yếu, lại bị trọng bệnh nên gia đình xác định tâm lý cụ có thể về với tổ tiên bất cứ lúc nào, anh em xa gần xúm lại bàn chuyện hậu sự cho cụ.

Nhưng vấn đề nan giải nhất lại là tìm đất để chuẩn bị “chỗ nằm” của cụ. Lúc đầu, gia đình bàn bạc tìm một nghĩa trang gần  nhà để con cháu tiện việc thăm nom, hương khói sau này. Nhưng kết cục là không thể tìm được. Tất tật những nghĩa trang gần nhà anh Đ đến hỏi đều  đều nhận được cái lắc đầu. Tại nghĩa trang phường Láng Hạ (đường Vũ Ngọc Phan), ông quản trang ngao ngán “Anh nhìn đấy, chật ních thế này, làm gì còn đất mà chôn”.

Tìm đến nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính, Thanh Xuân), sau khi hỏi han quê quán, gốc gác, biết anh là người ngoại tỉnh mới nhập hộ khẩu ở đây thì ông quản trang cũng lắc đầu: Nếu anh là người gốc gác, tổ tiên ở làng thì còn có chỗ, chỉ cần công đức mấy trăm nghìn cho xã thôi.

Nhưng nếu là người nơi khác đến, kể cả có sổ đỏ đi chăng nữa thì bao nhiêu tiền cũng chịu. Đến nghĩa trang phường Định Công, Hoàng Mai, câu trả lời nhận được cũng tương tự. Đi vài nghĩa trang nữa thì giá cao chót vót, có nơi lên đến 70-80 triệu/ mộ.

Cuối cùng, gia đình anh Đ phải ra tận nghĩa trang Mễ Trì (Mễ Trì, Từ Liêm), sau khi nhờ các mối quan hệ xa  gần, anh mới mua được một mảnh đất vài  m2 với giá 30 triệu đồng, chưa kể các khoản tiền để Ban Quản trang xây mộ, trông nom… cũng vào khoảng gần 10 triệu nữa. Đến nay thì mẹ anh đã yên nghỉ tại nghĩa trang này, nhưng anh Đ vẫn lo ngay ngáy vì đất ngày càng chật, người ngày càng đông mà nghĩa trang thì chẳng nơi nào còn.

Một gia đình khác, ông vốn vốn là đại gia đất cho người sống, là chủ đầu tư của nhiều dự án đất trên địa bàn thành phố. Nhưng khi “nhạc phụ” của ông qua đời, vì muốn được chôn cụ gần con cháu nên ông cũng tìm đủ mọi cửa để được chôn trong nghĩa trang của xã sở tại. Nhưng quy định của làng là muốn được chôn cất trong nghĩa trang xã thì phải là người gốc địa phương, còn có hộ khẩu ở đây, dù 20 năm đi chăng nữa cũng không được.

Cuối cùng sau khi huy động tất cả các mối quan hệ của anh em trong nhà ông mới bắt mối được với ông chủ nhiệm hợp tác xã, và mất đến 2 cây vàng để được an táng cụ trong cái nghĩa trang ấy. Trường hợp anh Q, giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội còn éo le hơn. Vợ anh chẳng may bị mắc bệnh hiểm nghèo, qua đời. Năm ngoái, anh quyết định cải táng cho vợ.

Anh Q lên UBND xã nọ xin được tiếp tục chôn hài cốt vợ ở nghĩa trang M, và được mấy người ở UBND xã yêu cầu “công đức” cho xã 30 triệu đồng. Thấy giá cao quá, anh có vài câu “thêm bớt” nhưng không được nên trở về nhà lo thu xếp tiền. Đến gần ngày cải táng vợ, anh lên UBND xã để nộp số tiền 30 triệu đồng như xã yêu cầu nhưng được nhận lại lời từ chối thẳng thừng “đưa đi chỗ khác mà chôn”.

“Hóa ra sau này tìm hiểu mới biết ngoài số tiền đó, những người mua đất ở nghĩa trang này còn phải bồi dưỡng cho mấy ông trên xã một ít, rồi còn mất phí cải táng khoảng trên dưới 10 triệu nữa.” - anh Q cho biết. Cuối cùng anh Q đành phải mang hài cốt vợ về một nghĩa trang khác xa hơn và cũng phải mất số tiền tương tự để có được chỗ yên nghỉ cho vợ.

Nhắc lại sự việc của gia đình mình, anh Q không khỏi bức ­­­­xúc: “Nghĩa tử là nghĩa tận, gia đình có người chết đã là đau buồn lắm rồi, nhưng cái chỗ nằm xuống cũng không có, lại còn bị làm khó dễ đủ đường thì thật là khó hiểu”.

Lý giải cơn “sốt” đất nghĩa trang

Cuối năm 2010, nghĩa trang Văn Điển ngừng tiếp nhận hình thức hung táng (tức “chôn tươi”) thì cơn sốt đất nghĩa trang mới thực sự lên đến đỉnh điểm. Theo Sở LĐ - TB&XH, trên toàn địa bàn Thủ đô chỉ có 7 nghĩa trang do thành phố quản lý (trong đó có 2 nghĩa trang liệt sỹ) và hàng trăm nghĩa trang ở các khu dân cư, phường, xã do phường, xã quản lý…

Hiện nay, hầu hết các nghĩa trang này đều rơi vào cảnh xập xệ và quá tải. Nghĩa trang Yên Kỳ (huyện Ba Vì) chỉ còn khả năng đáp ứng việc mai táng trong khoảng hai năm nữa. Tương tự, nghĩa trang Vĩnh Hằng có diện tích cũ là 17,9ha dù mới được xây dựng nhưng cũng rơi vào cảnh sắp hết đất.

Theo Ban quản lý nghĩa trang này, hiện nghĩa trang Vĩnh Hằng chỉ đủ năng lực đáp ứng quỹ đất 5m2/phần mộ. Nhưng khả năng này chỉ được kéo dài thêm một thời gian rất ngắn nữa. Nghĩa trang Thanh Tước, nghĩa trang Mai Dịch thì chỉ dành cho các đối tượng trung và cao cấp.Theo thống kê, hiện nay, đến 80% các nghĩa trang trên địa bàn Hà Nội là các nghĩa trang nhân dân riêng của các phường, xã, làng, cụm dân cư.

Các nghĩa trang này hầu hết đã rơi vào cảnh quá tải, không có hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thấm… Nếu không được mở rộng, xây mới thì chỉ ít năm nữa, người chết sẽ không còn đất mà chôn.  Trong khi đó, việc hỏa táng lại ít được lựa chọn.

Đã đành vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc quy hoạch nghĩa trang ở đô thị, nhưng rõ ràng quan niệm bảo thủ “mồ yên mả đẹp” với xu hướng chôn 3 năm rồi cải táng chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng sốt đất nghĩa trang như hiện nay. Diện tích sử dụng đất các mộ như thế này thường chiếm khoảng 8-12 m2 và có nơi còn lớn hơn, riêng tại thành phố Hà Nội diện tích này là 5,1 m2.

Diện tích các mộ cát táng thông thường khoảng 3,7-4,6 m2. Chính hình thức địa táng như vậy khiến diện tích đất dành cho việc chôn cất người chết lên mức quá cao, có nơi lên đến gần 3%  tổng quỹ đất (Huế). Ngoài ra, hình thức địa táng còn gây nên nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh…

Quy hoạch nghĩa trang - điểm chết?Song song với việc tuyên truyền về hình thức điện táng, thì để tăng khả năng phục vụ người đã khuất cho các nghĩa trang, từ lâu UBND TP Hà Nội đã có chủ trương cho mở rộng và xây mới một loạt các dự án nghĩa trang. Đáng kể là việc mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và xây mới nghĩa trang huyện Sóc Sơn nằm trên địa bàn xã Minh Phú. Với nghĩa trang Yên Kỳ, việc mở rộng đang gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc bởi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Riêng dự án xây mới nghĩa trang huyện Sóc Sơn nằm trên địa bàn xã Minh Phú trở thành một công viên nghĩa trang hiện đại bậc nhất thì vẫn đang ngổn ngang do người dân chưa thông. Mặc dù chính quyền, nhà đầu tư đã ra sức giải thích, cam đoan với người dân về việc đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng đến hôm nay, dự án này vẫn chưa đi đến đâu.

Công ty cổ phần Ao Vua, chủ đầu tư của công trình nghĩa trang Vĩnh Hằng cũng cho biết, đang tiếp tục đề nghị UBND TP Hà Nội được mở rộng thêm 5ha nữa. Mở rộng, xây mới nghĩa trang âu cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì đất đai là hữu hạn, trong khi người nằm xuống là vô hạn­­.

Chúng ta không thể thu hẹp mãi diện tích đất sử dụng để xây nghĩa trang được. Vì vậy, mấu chốt trong bài toán đất nghĩa trang hiện nay, chính là nhận thức của người dân về những hình thức táng hiện đại hơn. Tại Nghĩa trang Văn Điển sau khi dừng tiếp nhận việc hung táng, bộ mặt nghĩa trang đã có nhiều thay đổi, các mộ phần được sắp xếp ngay ngắn hơn.

Nó cho thấy sự ưu việt của những hình thức táng hiện đại rất cần thiết trong cuộc sống văn minh hiện đại.
Theo An ninh thủ đô

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT