(VietNam7) "Hơn 20 năm nay, tôi chưa từng tổ chức một chuyến du lịch nào cho bản thân và gia đình. Nhiều người bảo tôi số khổ" - ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tâm sự.
    Nói về việc được nhật báo tài chính hàng đầu thế giới Wall Street Journal (WSJ) chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất khu vực Đông Nam Á, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, ông có bất ngờ nhưng không ngạc nhiên.
    Ông Đoàn Nguyên Đức. Ảnh: Vnexpress
    Theo ông Đức, nhìn nhận lại, WSJ không phải là không có lý, một khi HAGL có rất nhiều thông tin ấn tượng trong thời gian qua. Tháng 3.2011, HAGL trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán London. Tháng 6.2011, tập đoàn đã thu về 90 triệu USD từ đợt phát hành trái phiếu thành công tại thị trường Singapore.
    Nhiều nhà đầu tư thế giới đang tích cực đầu tư vào HAGL. 70% vốn của HAGL là vốn quốc tế. HAGL là nhà đầu tư số tại Lào với 1 tỷ USD. Ngoài ra HAGL đang đầu tư có hiệu quả các dự án thủy điện, khai khoáng, cao su, bất động sản và tài chính tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Miến Điện… Theo ông Đức, HAGL thực sự vươn ra thế giới và đây là lộ trình đã được soạn sẵn từ nhiều năm qua.
    Nói về quyền lực, ông Đức cho rằng quyền lực theo cách hiểu của ông đó là uy tín và sức mạnh kinh tế. Ông khẳng định rằng trong hệ thống tập đoàn, ông thực sự là người có quyền lực.
    Khi được hỏi về quyền lực ngoài xã hội, ông Đức nói: “Tôi không dám nói gì về quyền lực ngoài xã hội nhưng uy tín, sức mạnh kinh tế của cá nhân tôi và tập đoàn là những yếu tố quan trọng khi làm việc với đối tác. Đầu tư sang Lào, tôi được đánh giá là một trong nhà đầu tư số một, được Chính phủ tiếp đón nồng hậu, được tạo điều kiện tối đa.
    Ở trong nước và các quốc gia khác, tôi cũng luôn được hỗ trợ. Lợi thế có máy bay riêng, tôi có thể có mặt sớm nhất ở những nơi cần có mặt, trong nước cũng như nước ngoài để làm việc với đối tác mà không nề hà về giờ giấc. Vì vậy, tôi được nhiều cơ hội thuận lợi chào đón”.
    - Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, ông là doanh nhân duy nhất ở Việt Nam được WSJ bình chọn là người có quyền lực. Có phải vì ông “vượt bão” giỏi?
    - Ai cũng có khả năng trong một lĩnh vực gì đấy. Với tôi, tôi có khả năng phán đoán, nhận định tình hình và quyết định chính sách thích hợp. Trước đây, chúng tôi xác định lãi của tập đoàn chủ yếu thu từ bất động sản thì cách đây vài năm, tôi đã chuyển hướng, bất động sản chỉ còn chiếm khoảng 25% hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
    Chúng tôi đang đi bằng bốn chân, bất động sản có yếu đi thì tôi vẫn vững ba chân còn lại, đó là thủy điện, khai khoáng và đặc biệt là cao su. HAGL đang sở hữu hơn 100.000 ha đất có thể trồng cao su ở ba quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia.
    Tôi rất hào hứng với cây cao su vì tôi trở về với công việc của một nông dân, là gốc gác của tôi. Mà không chỉ tôi hào hứng đâu. Nhiều đối tác của tôi cũng rất ấn tượng khi đứng giữa bạt ngàn rừng cây cao su đang ở độ tuổi sắp thu hoạch. Nói về quỹ đất cao su thì HAGL chỉ đứng sau Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và HAGL là tư nhân có quỹ đất cao su lớn nhất Đông Nam Á.
    Cao su thực sự là vàng trắng, làm một, bán năm. Chúng tôi thực sự có lợi thế về cao su với nhiều lẽ: HAGL có đại bản doanh ở Gia Lai, là vùng đất cao su nên tôi và anh em ở tập đoàn rất hiểu với cây cao su. Cách đây 20 năm tôi đã trồng cao su nhưng đây là thời điểm tuyệt vời nhất để hào hứng về loại cây này.
    Năm 2014, tôi sẽ có 50.000 ha cao su thu hoạch. Trung bình mỗi ha thu hoạch 2 tấn mủ và với giá cả tạm tính như hiện nay thì từ năm 2014 trở đi, mỗi năm lợi nhuận thu được của tôi sẽ là 450 triệu USD. Hiện tại, tôi đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để đưa vào vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel để tưới cho cây cao su và có thể nói đây là hệ thống tưới nhỏ giọt đầu tiên được một doanh nghiệp Việt Nam như HAGL ứng dụng.
    Chúng tôi có hơn 6.000 nhân công đang làm việc ở các nông trường cao su nhưng đến năm 2014, số công nhân sẽ tăng hơn 20.000 người. Giải quyết công ăn việc làm, tạo điều kiện sống ổn định cho từng ấy con người, tại sao tôi không vui và hào hứng?.
    - Ông làm việc quần quật, quỹ thời gian của ông phần lớn cho công việc, vậy ông không quý sức khỏe ư?
    - Sức khỏe là điều quý nhất trong tất cả những gì mà con người ta có trên đời. Trời cho tôi một sức khỏe tốt. Tôi hầu như không đau ốm gì nên đôi khi không chú ý giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên, tôi 50 tuổi rồi.Tôi ngày càng chú ý giữ gìn sức khỏe hơn, lắng nghe và hiểu cơ thể của mình hơn. Ăn uống cẩn thận hơn.
    - Là tỷ phú, bữa ăn ông có cầu kỳ không?
    - Tôi không có nhu cầu hưởng thụ, không ham mê rượu chè. Tôi ăn uống giản dị. Ra vườn cao su, lỡ bữa, tôi ăn cơm với công nhân. Thăm đội bóng, tôi ăn cơm chung với cầu thủ ở nhà bếp. Hơn 20 năm nay, tôi chưa từng tổ chức một chuyến du lịch nào cho bản thân và gia đình. Nhiều người bảo tôi số khổ.
    Có người hỏi tôi sắm máy bay rồi sao không sắm du thuyền. Tôi bảo: Tôi sắm máy bay không phải để chơi ngông hay hưởng thụ mà để làm phương tiện làm ăn, còn du thuyền, sắm để làm gì trong khi tôi không có nhu cầu? HAGL là doanh nghiệp bất động sản có tiếng nhưng tôi không có lấy một căn nhà tại Sài Gòn, đơn giản vì tôi không có nhu cầu.
    Ông Đoàn Nguyên Đức là người Việt đầu tiên mua máy bay riêng với giá gần 8 triệu USD
    - Ông là tỷ phú, còn cấp dưới ông? Thu nhập của họ chắc là cao chót vót?
    - Làm việc trước hết là mưu sinh, nhưng người lao động còn có nhiều nhu cầu khác, nhất là nhu cầu được tôn trọng. Tuy nhiên, người lao động trước hết thật sự phải là người lao động và phải vì thương hiệu của công ty mình làm việc. Nếu đạt được điều này, nhân viên của tôi sẽ ổn cuộc sống kinh tế, có cơ hội để phát triển và có niềm tin vào tương lai.
    Trong tình hình kinh tế khó khăn, lãnh đạo của nhiều công ty tìm cách bán tháo cổ phiếu thì ngược lại, lãnh đạo của HAGL chỉ có mua thêm chứ không bán đi. Lãnh đạo tin tưởng và đầu tư vào tương lai, tại sao nhân viên lại không thể?
    - Tương lai của HAGL là gì, thưa ông?
    - Tôi mới 50 tuổi, tôi còn nhiều việc để làm và chưa bao giờ có ý định nghỉ ngơi. Tôi có những mục tiêu táo bạo, những khao khát cháy bỏng và đặc biệt tôi chưa bao giờ nản chí. Nhiều người bảo: Phấn đấu làm gì, không theo kịp với thế giới đâu. Đấy là suy nghĩ tiêu cực. Tại sao các nước họ làm được mà mình không làm được? Tại sao nước người ta có tỷ phú đô la mà Việt Nam mình không có?
    Tôi muốn khẳng định người Việt Nam làm được những gì mà thế giới làm được. Tôi muốn chứng minh Việt Nam là một dân tộc lớn. Mình đánh giặc giỏi, thì làm kinh tế và làm khoa học cũng phải giỏi.
    - Cảm ơn ông!
    Theo WSJ, không chỉ là người nắm giữ lượng của cải lớn của xã hội, ông Đoàn Nguyên Đức còn tham gia sâu vào các lĩnh vực kinh doanh cao su, nội thất và thủy điện. Ông còn sở hữu một trong những đội bóng lớn nhất Việt Nam và là người Việt Nam đầu tiên mua máy bay riêng với giá gần 8 triệu USD. Hiện nay, giá trị tài sản của ông Đức trên sàn chứng khoán là gần 10.000 tỷ đồng.
    Bài phỏng vấn của Dân Việt

    Theo đuôi :

    ADVERTISEMENT