(VietNam7) Tại hội nghị công đoàn của cơ quan đảng ở Nghệ An, ông bí thư có lời phát biểu động viên cán bộ phải luôn luôn tự rèn luyện, trau dồi kiến thức… Có như thế thì mới theo kịp đòi hỏi của thời đại… Kết thúc bài diễn văn, bí thư nói: Có người không chịu đọc, không chịu học, không chịu lắng nghe nên không có kiến thức thực tế, thiếu thông tin nên nói gì cũng sáo rỗng, giáo điều, chẳng ai nghe. Ấy thế mà cứ hễ đăng đàn là lại điệp khúc: “Ngày xưa tôi học giỏi toán lắm”. Theo ông bí thư, do người ta ở thì hiện tại không có gì cả nên phải bươi tìm huy hoàng trong quá khứ. Như vị cán bộ nọ là mắc phải “hội chứng học sinh giỏi kéo dài”. Bí thư nói xong, cử tọa thi nhau vỗ tay. Ai nấy cũng xuýt xoa, hay quá, chí lí quá. Và ai nấy đều biết, người mắc hội chứng kia là lãnh đạo của một ngành, có nghề sang trọng, hùng dũng – nghề tuyên giáo, một trong số ít người được xem là “kinh bang tế thế” của tỉnh nhà. Thế mà, đồng chí này vừa phải trải qua những tháng ngày kiểm tra của Trung ương vì tội làm giả hồ sơ huân chương lao động, lập chứng từ khống để tiêu tiền cơ quan…
Ngày 20.9, tại Hôi thảo bàn về điều hành giá xăng dầu, Vụ phó Vụ thị trường trong nước – Bộ Công thương Nguyễn Lộc An đã có những phát biểu mỉa mai Bộ Tài chính và cá nhân Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Những phát biểu của ông An là gay gắt và chỉ duy nhất một mục đích, bảo vệ cho 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được tăng giá bán. Trong lúc đó, chính Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã khẳng định, ông hoàn toàn vì lợi ích của hơn 80 triệu dân Việt chứ không vì 11 doanh nghiệp kể trên, và việc ông đang làm cũng để góp phần kìm chế lạm phát, giảm chỉ số giá tiêu dùng đang tăng vọt…Chính ông sẽ tự chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định giảm giá xăng dầu, nếu sai sẽ đền bù. Đồng thời, ông Huệ cũng đã nhắc rất khéo, rằng tôi đã từng là Chánh, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước…Nói thế, để khẳng định rằng, ông đã đi “dép lê” trong bụng các doanh nghiệp rồi, đừng dùng màn thưa che mắt…”chúa” kiểm toán nữa.
Không chịu khuất phục trước lí lẽ của Bộ trưởng Tài chính, ông Nguyễn Lộc An đã dọa: “Cứ đà này sẽ vỡ cả hệ thống phân phối”. Vị Bộ trưởng vẫn không mảy may “run sợ”, ông rắn tiếng: “Đơn vị nào muốn rút khỏi thị trường thì hãy lên tiếng để Bộ Tài chính biết”. Không “cạy cửa” được ông Vương Đình Huệ, vụ phó An phát…liều: “Tôi không giỏi nhưng cũng đã đi thi toán quốc tế”. Lại phải bươi tìm huy hoàng trong quá khứ, vì hiện tại ông An đang bị Bộ trưởng họ Vương “vùi dập” theo giá xăng dầu. Thế là, thêm một người mắc phải “hội chứng học sinh giỏi kéo dài” như bác lãnh đạo “giỏi toán” ở Nghệ An rồi. Nhưng ông An còn mắc thêm chứng “cuồng nhận”, vì ông An chưa bao giờ là thành viên đội tuyển đi thi toán quốc tế cả.
Này nhé, ra khỏi phòng họp, PGS – TS. Ngô Trí Long đón ông An ngay ở cửa: – Cậu thi toán quốc tế năm nào?
– Em thi năm 1982, sếp ạ
– Tôi rất biết về đội thi toán quốc tế, nhưng 1982 chắc chắn không có tên cậu.
Với vẻ mặt rất thách thức, giọng nói hùng hồn, ông An “thưa” với thầy Long:
– Sếp cứ tìm hiểu thông tin trên mạng đi.
Lời thách thức của ông An chỉ một ngày sau đó đã được Cục trưởng Cục Khảo thí kiểm đinh chất lượng giáo dục – Bộ GD ĐT – Nguyễn Khắc Minh, giải đáp: Không có tên Nguyễn Lộc An trong thành phần đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự IMO từ trước đến nay. Nghe đâu, vì sự “cuồng nhận” này mà Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu vụ phó “giỏi toán” Nguyễn Lộc An giải trình trước ngày 26.9, không khéo là bị kỷ luật về tội gian dối thành tích đấy.
Giống như bác lãnh đạo “giỏi toán” ở Nghệ An, vụ phó Nguyễn Lộc An phải bươi tìm quá khứ mà thực chất là cùng phơi bày dối trá vì quá khứ chẳng huy hoàng gì. Ông An và vị lãnh đạo của nghề sang trọng, hùng dũng kia, thực chất là mắc phải chứng “cuồng nhận” – gian dối.
Theo Quê choa
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT