(VietNam7) Tuy có những tuyên bố rất cứng rắn về hợp đồng vũ khí mới của Mỹ dành cho Đài Loan, nhưng giới phân tích cho rằng, TQ sẽ không có hành động cụ thể nào.

Ngay khi hợp đồng nâng cấp vũ khí trị giá 5,58 tỷ USD giữa Mỹ và Đài Loan được công bố, Trung Quốc đã kịch liệt phản đối và người Mỹ “chịu trận” đầu tiên chính là Đại sứ và Tùy viên quốc phòng Mỹ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dường như những phản ứng này của Trung Quốc đều đã bao gồm các tính toán chiến lược.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ đang chờ sát nhập. Mọi động thái tăng cường sức mạnh quân sự của hòn đảo này đều khiến Bắc Kinh “nóng gáy”. Tuy nhiên, theo phó giám đốc Trung tâm Mỹ - Trung thuộc Đại học Nam California, ông Clayton Dube thì, “ở thời điểm hiện tại, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn quan hệ ngoại giao xấu đi và Trung Quốc cũng không muốn trở thành một bên đơn phương phản ứng”.

Để giữ ổn định quan hệ hai bờ và tránh làm tổn thương quan hệ với Mỹ, Trung Quốc sẽ không có phản ứng cụ thể nào hơn ngoài chỉ trích
Ngay cả khi tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc nhanh chóng mặt như hiện nay thì hợp đồng vũ khí vừa được thông báo trên vẫn trở thành một kích thích tố quan trọng cho các nhà lãnh đạo nước này, những người luôn muốn cân bằng lợi ích chính trị ngoại giao giữa Đài Loan với Mỹ để xoa dịu sự phản ứng của người dân trong nước, đặc biệt là hàng ngũ tướng lĩnh quân đội, vốn luôn muốn thu hồi Đài Loan bằng một cuộc chiến nếu cần thiết.
Hôm thứ Năm, tờ Nhân dân Nhật báo điện tử đã cho đăng tải một loạt các phản ứng gay gắt của người dân Trung Quốc về hợp đồng vũ khí này. Thậm chí, theo phát biểu của Thiếu tướng Lưu Viên, phó Tổng thư ký Hiệp hội Khoa học quân sự, thì “Trung Quốc cần phải tiến hành trả đũa mạnh mẽ chứ không thể chỉ bằng vài lời nói như thế”. “Mỹ luôn lừa dối và coi thường người Trung Quốc, chúng ta phải học tập người Nga, chúng ta phải trả thù”. Vị tướng này đã liên tưởng đến trường hợp hồi năm 2008, Nga phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu bằng cách đưa một loạt tên lửa tầm ngắn tới khu vực biên giới tiếp giáp các đồng minh Mỹ ở Đông Âu.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng chính phủ sẽ không bao giờ phản ứng như vậy. Bằng chứng là, năm 2010, khi Mỹ công bố một hợp đồng vũ khí trị giá 6,4 triệu USD với Đài Loan, bao gồm máy bay trực thăng Black Hawk, tên lửa chống hạm… Trung Quốc tuyên bố sẽ trừng phạt kinh tế đối với các công ty tham gia trong gói hợp đồng này. Tuy nhiên, cuối cùng, giải pháp cũng chỉ là ngừng trao đổi quân sự cấp cao Mỹ - Trung trong chưa đến 1 năm.
Theo phó giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc Đại Vĩ thì, “Chúng tôi biết rằng, Mỹ sẽ không thể ngừng việc thực hiện hợp đồng này với Đài Loan, nhưng theo quan điểm của người Trung Quốc, một khi anh đã thực hiện điều gì đó một lần rồi thì việc thực hiện nó lần thứ 2 không có gì là khó hiểu”.
Tờ Nhân dân Nhật Báo viết: “Nếu các chính trị gia Mỹ cho rằng Mỹ có thể thoải mái xâm phạm lợi ích quốc gia của Trung Quốc mà không lo bị trả giá thì đó là một sai lầm nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, theo Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông Jean Pierre Cabestan thì Trung Quốc đã nhận được một bài học do gần một năm đình chỉ quan hệ quân sự với Mỹ vừa qua, và hiện tại, họ sẽ không thể làm điều đó một lần nữa.
“Họ hiện đang bước vào một giai đoạn mới, đang cần một sự ổn định để kỳ bầu cử ở Đài Loan sắp tới tiếp tục đưa Mã Anh Cửu làm người lãnh đạo cao nhất – điều này có lợi cho quan hệ hai bờ. Vì thế, họ sẽ không phản ứng như những gì họ đã làm trước đây với Mỹ”.
Russell Leigh Moses, một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết phản ứng của Trung Quốc thực chất là làm thế nào để “tránh đóng sầm cửa trong khi vẫn la hét”.
“Tôi nghĩ rằng những lời lẽ phẫn nộ của Bắc Kinh là để cho hai đối tượng nghe: một là người dân trong nước và một là người dân Đài Loan. Họ chắc chắn sẽ không phản ứng dữ dội như một năm trước đây, và họ làm điều này chủ yếu để trấn an dư luận”, ông nói.
Tuy về mặt nhà nước, Mỹ công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc. Tuy nhiên, các hợp đồng vũ khí Mỹ dành cho Đài Loan đều vì một lý do nhằm “đảm bảo hòa bình và an ninh cho khu vực”. Nội dung hợp đồng nâng cấp vũ khí lần này cho thấy, Mỹ vừa muốn làm hài lòng đồng minh Đài Loan, vừa không muốn dồn Bắc Kinh vào chân tường, khi đã từ chối không cung cấp vũ khí mới cho hòn đảo này. Đây có lẽ cũng là lý do để Bắc Kinh phản ứng “vừa phải” và quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của tất cả các bên.


Theo GDVN

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT