(Dân Việt) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 lên tới 1,83%, phá vỡ kỷ lục trong suốt 10 năm đang làm người dân và gây sức ép mạnh lên quyết tâm chống lạm phát của Chính phủ.

Chỉ tiêu QH đặt ra hồi cuối năm ngoái cho tỷ lệ lạm phát năm 2010 là 7%. Nhưng đến cuối tháng 4, trong nghị quyết phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã quyết định “nới” chỉ tiêu lạm phát lên 8%, dù vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%.
Trong 2 tuần qua, giá thịt lợn đã tăng gần 20%.
Dù đã điều chỉnh, tuy nhiên, với mức tăng kỷ lục của chỉ số giá tháng 11, thì trong tháng 12-2010, chỉ số giá chỉ cần tăng thêm 0,42% CPI sẽ đạt hai con số. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lưu ý rằng tháng 10, CPI đã tăng trên 1%, trong khi theo thông lệ, tháng 12 là tháng có mức CPI tăng cao.
Tháng 12 năm ngoái, chỉ số giá đã vượt lên mức 1,38%. “Giá vàng chỉ ảnh hưởng đến hàng nhập khẩu mà thôi. Cơ bản nhất là cung cầu có vấn đề và tâm lý té nước theo mưa, vin vào cơn sốt vàng và ngoại tệ để đẩy giá”- ông Phong nói.
Giá gạo chẳng hạn, đã tăng từng ngày. “Hôm trước giá gạo tám vừa 17 nghìn/kg hôm sau đã tăng lên 18 nghìn. Vài hôm sau nữa đã tăng đên 20 nghìn”. Hay như thịt lợn, loại thực phẩm thông dụng trong hầu hết các gia đình, đã tăng từ 60 lên đến 70 nghìn/kg, mức tăng gần 20% chỉ trong 2 tuần.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Việc tăng giá đã được cảnh báo cách đây 2 tháng…“Cùng với tác động của tỉ giá, vàng, lãi suất, thì tâm lý tích trữ hàng trong dân, tạo ra khan hiếm giả tạo đẩy giá lên cao. Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết, mức tăng các mặt hàng trong nhóm ăn uống sẽ có thể tăng tiếp từ 7-15%” – ông Phú nói.
Nhưng không chỉ có lương thực thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu khác đều đang trên đà tăng. Gas đã tăng 3 lần trong chỉ chưa đầy 2 tháng. Sữa, đường, thuốc chữa bệnh, phân bón, sắt thép… Có tới 10/11 nhóm trong rổ hàng hoá tính CPI đã tăng trong tháng 11.
Nông dân Nguyễn Đăng Thoả là người nuôi lợn ở Tiên Du, Bắc Ninh. “Bây giờ mỗi bao cám đã tăng thêm 15 nghìn đồng. Vì vậy mà mỗi cân lợn hơi bị đội giá lên khoảng 25 nghìn”- ông nói. Như rất nhiều nông dân khác, ông Thoả không biết gì về chỉ số giá hay lạm phát.
Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, công việc vất vả hơn và phải chi phí nhiều hơn. Mỗi cân lợn hơi lãi được 9 nghìn đồng. “Họ nói giá thịt lợn tăng nhưng mỗi cân hơi chỉ bán được với giá 34 nghìn”.
6 nguyên nhân, 6 giải pháp
Trả lời chất vấn trước QH vào buổi sáng 24-11, vài tiếng trước khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày 6 nguyên nhân khiến giá cả tăng: Biến động mạnh của giá thế giới;
Biện pháp bây giờ chỉ là cách buộc chặt bụng, chẳng hạn đổi sang mua loại gạo ít ngon hơn
Kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá (hết tháng 10, mức tăng trưởng đã đạt 6,7%, vượt chỉ tiêu 6,5% mà QH giao- PV); Lộ trình chuyển một số mặt hàng nhà nước quản lý giá sang cơ chế thị trường; Thiên tai lũ lụt; Nhu cầu hàng hoá, tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm; và những biến động mạnh về giá vàng, tỉ giá USD.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu ra 6 giải pháp để tiếp tục kiểm soát giá và kiềm chế lạm phát: Không để xảy ra khan hàng, sốt giá; Giữ ổn định giá một số mặt hàng đầu vào như điện, than, xăng dầu; Điều hành linh hoạt bằng công cụ tài chính, tiền tệ; Triển khai các biện pháp bình ổn giá; Tăng cường kiểm soát, chống đầu cơ tăng giá; và tăng cường thông tin, xử lý các thông tin không chính xác trên thị trường.
Tuy nhiên, với thực tế giá cả vừa qua, rõ ràng để giữ CPI một con số là rất khó, nếu như không nói là bất khả thi. “Có lẽ nên hỏi lại chính người đã cho rằng CPI cả năm chỉ dừng ở mức 8,5%”- Cục phó Cục Quản lý giá, TS Vũ Đình Ánh nói.

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT