Là “thiên nga đen” của ngành thời trang thế giới, Coco Chanel đi vào lịch sử không chỉ bởi niềm đam mê mãnh liệt với thời trang mà còn bởi một tuổi thơ nghèo khó cùng những mối tình cả đắt giá và khánh kiệt gắn liền với thương hiệu Chanel.
Từ đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trong nghèo khổ
Coco Chanel tên thật là Gabrielle Chasnel, sinh ngày 17/8/1883 tại Saumur, Pháp. Cha bà, Albert Chanel chỉ là phu khuân vác ngày ngày cực nhọc kiếm từng đồng tiền để nuôi gia đình. Cha mẹ của Gabrielle nghèo đến độ họ không có đủ tiền để đăng kí kết hôn và cũng không thể đến bệnh viện để sinh nở. Năm đứa trẻ của gia đình, trong đó có Gabrielle đã phải sinh ra trong sự thiếu thốn về cả vật chất lẫn sự thiếu bảo đảm về y tế. Khi người mẹ chết ở tuổi 33 vì bệnh tật và kiệt sức, ông bố đã đưa thẳng ba cô con gái vào cô nhi viện ở Aubazine và hai cậu con trai vào nhà cứu tế, rồi bỏ đi biệt tích. Lúc ấy Gabrielle mới chỉ 12 tuổi, bơ vơ giữa cuộc sống thiếu thốn tình thương, phải tự bươn chải để có thể tiếp tục tồn tại.
Năm 18 tuổi, Gabrielle rời khỏi cô nhi viện và bắt đầu làm đủ việc để kiếm sống. Ban ngày, Gabrielle làm việc trong một xưởng may và sửa quần áo cho trẻ em, đồng thời nhận cắt may thêm ở nhà. Lúc ấy, tham vọng thoát ra khỏi sự nghèo khổ rất lớn nên Gabrielle đã tìm cách đến thị trấn Moulins để trở thành ca sĩ trong những hộp đêm. Cô biểu diễn trong những câu lạc bộ ở Vichy và Moulins. Đây là những địa điểm vui chơi giải trí dành cho các sĩ quan cao cấp trong quân đội Pháp, những kẻ có tiền và địa vị. Gabrielle dần dà trở thành giống như một thứ đồ chơi, một kẻ mua vui cho giới thượng lưu ở Pháp. Người ta đã từng so sánh Gabriell với những cô đào, kỹ nữ trong thời điểm bấy giờ, sống bằng việc đem những tài lẻ của mình ra làm trò mua vui cho các quý ông lắm tiền. So với công việc ở xưởng may khi đó, việc đi hát ở quán bar mang lại cho cô nhiều tiền hơn. Với chất giọng dễ nghe và một vẻ ngoài xinh đẹp, lúc đó không ít người nghĩ Gabrielle có thể trở thành một ca sĩ không tồi.
Sau này, khi đi hát ở tại các quán bar, Gabrielle gây sự chú ý của mọi người bởi ở đâu cô cũng chỉ hát đúng hai bài: “Ko-ko-ri-co” và “Qui a vu Coco?”. Tuy giọng hát không phải là xuất chúng nhưng vẻ đẹp, sự trẻ trung, đáng yêu của cô làm các quý ông ở đây thích thú. Để tán thưởng, cứ sau khi Gabrielle hát xong bài hát của mình, họ lại đồng thanh hét vang “Coco! Coco!”. Từ đó, cái tên Gabrielle bị lãng quên dần và thay thế vào đó là Coco hay Coco Chanel – như một nghệ danh quen thuộc của Chanel trên sân khấu. Người Pháp thích thú cái tên gọi này đến mức không ai còn để ý đến cái tên khai sinh của bà nữa. Cái tên này là cơ duyên đến từ việc ca hát nhưng sau đó nó lại gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của bà trong lĩnh vực thời trang.
Đến Coco Chanel và những mối tình gắn liền với thương hiệu “Chanel”
Năm 21 tuổi, Coco Chanel tới khu nghỉ mát nổi tiếng Vishi với hy vọng sẽ thành danh nhờ nghề ca sĩ. Dự định này đã không thành bởi giọng hát của Chanel chỉ ở mức trung bình, trong khi bà lại khiêu vũ không giỏi. Với “vốn liếng” là hai bài hát “Ko-ko-ri-co” và “Qui a vu Coco?”, Coco Chanel chỉ có thể khiến người ta thích thú chứ không đủ để đưa bà lên hàng ca sĩ.
Từ bỏ giấc mộng ca sĩ, Chanel tới Paris sống nhờ tại nhà của một người đàn ông giàu có tên là Etienne Balsan và bắt đầu công việc thiết kế thời trang. Chanel bắt đầu với việc thiết kế mẫu quần áo dành cho quý cô, quý bà khi cưỡi ngựa và nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Các thiết kế của Coco Chanel đều nhằm vào việc giải phóng phụ nữ khỏi những giới hạn bó buộc và cứng nhắc của trang phục. Chính bởi đó, từ một người chủ cửa hàng với ba nhân công, Coca Chanel đã nhanh chóng trở thành người đàn bà mẫu mực của làng thời trang quốc tế.
Giới thời trang vẫn luôn lưu truyền câu chuyện về việc làm việc một cách nghiêm túc và cẩn thận của bà. Chuyện kể rằng, trước một buổi biểu diễn thời trang, hai mươi người mẫu mặc những bộ đồ thời trang cho buổi trình diễn, xếp hàng trước gương căng thẳng chờ kiểm tra lần cuối. Một người phụ nữ nhỏ bé và gầy yếu xuất hiện trong bộ trang phục đen, trên tay cầm một cây kéo. Bà lẳng lặng soát kỹ từng bộ trang phục rồi bất ngờ tiến tới sát một người mẫu, dùng kéo cắt không thương tiếc một số bộ phận trên bộ quần áo và phán một câu ngắn gọn: “Thế là được!”. Không ai khác, người phụ nữ quyền lực ấy chính là nữ hoàng của đế chế thời trang khổng lồ Coco Chanel.
Trong suốt cuộc đời của mình, bên cạnh công việc và niềm đam mê thời trang, Coco Chanel cũng trải qua những cuộc tình với mọi cung bậc cảm xúc. Năm 1904, khi mới đến Paris, Coco gặp Etienne Balsan, người mà đã trở thành tình nhân của bà ngay sau đó. Etienne Balsan là một công tử giàu có, con của một đại gia trong ngành dệt ở Pháp thời đó. Tuy còn trẻ nhưng Etienne Balsan đã thừa hưởng trong tay một khối tài sản thừa kề kếch sù. Balsan đã mê đắm cô ca sĩ trẻ đầy sức sống Chanel. Khi mà bà không thể tiếp tục theo đuổi nghề ca sĩ, Etienne Balsan đã cho bà một công việc ổn định trong một tiệm may. Coco được Balsan dẫn dắt vào một cuộc sống giàu có với kim cương, quần áo và ngọc trai. Vào thời điểm đó, mặc dù tình nhân đã được công nhận trong các gia đình giàu có, nhưng trên thực tế Chanel vẫn chỉ được xem là gái hạng sang. Khi Chanel quyết tâm tìm lại niềm đam mê tạo ra những bộ trang phục đẹp, cô đề nghị Balsan giúp vốn làm ăn. Và Chanel bắt đầu thiết kế những chiếc nón theo sở thích của mình.
Mùa xuân năm 1912, cuộc đời của Coco thực sự thay đổi nhờ vào mối tình với một thuyền trưởng người Anh giàu có, đẹp trai tên Arthur Edward Capel hay còn gọi là “Boy”. “Boy ” là một trong những người bạn thân của Balsan mà Coco Chanel đã quen trong những lần đi cùng Balsan. Đây được coi là tình yêu lớn nhất của đời cô. Capel đã chi trả kinh phí cho cửa hàng đầu tiên của Chanel và phong cách quần áo riêng của mình, đặc biệt là những chiếc áo jersey, chính là cảm hứng sáng tạo cho Coco sau này. Coco rất hạnh phúc và đã nói rằng, cô đã từng sống rất lâu trong bóng tối. Nhờ vào Boy, cô được sống trong một khung trời rộng mở. Coco đã nói với Boy rằng: “Em sẽ chỉ biết được rằng em có yêu anh hay không khi em không cần anh thêm nữa”.
Trong suốt mùa hè của năm 1913, Boy và Coco đã sống cùng nhau ở Deauvil, một khu nghỉ dưỡng. Họ cùng nhau nghỉ ngơi, du lịch và làm việc. Coco đã mở một cửa hiệu trên một trục đường phố chính nơi mà bà đã bán những thiết kế của bà, bao gồm những chiếc áo len dài tay cao cổ và những chiếc mũ. Cửa hiệu này được Boy trả tiền thuê. Cửa hàng quần áo của Coco nằm giữa khách sạn Normandy, sòng bạc và biển. Coco đã đặt một mái hiên màu trắng trên đó bà đặt chữ “Gabrielle Chanel”. Khi đã có đủ tiền vốn của riêng mình, Coco Chanel bắt đầu hoàn trả lại tiền cho Boy.
Thế là chỉ sau vài năm, Chanel đã đạt được tất cả mọi thứ mà bà mơ ước: sự giàu có, nổi tiếng và độc lập. Tuy nhiên, đời sống tình cảm của bà lại không được như ý. Người tình Arthur Capel sau chín năm gắn bó đã bỏ bà để cưới một cô gái quý tộc Anh xinh đẹp vào năm 1918. Tuy lấy vợ nhưng “Boy” vẫn không hoàn toàn chia tay với Chanel. Vì quá yêu “Boy” nên Coco Chanel chấp nhận sống bên cạnh hắn chỉ với tư cách một người tình. Ngày 24/12/1919, Boy Capel qua đời vì tai nạn xe hơi. Gabrielle suy sụp không khóc nổi. Vụ việc ấy đã gần như huỷ hoại cả cuộc đời của Chanel. Sau đó, bên lề đường nơi vụ tai nạn xảy ra, Chanel đã cho đặt một tượng đài để tưởng nhớ đến Capel.
Năm 1920, bà gặp gỡ với công tước lưu vong người Nga Dmitri Pavlovich. Chanel hơn Pavlovich 8 tuổi, tuy nhiên điều đó không hề ảnh hưởng đến chuyện tình của họ. Chanel (lúc này đã trở thành triệu phú) đứng ra bao bọc và chăm sóc cho Pavlovich. Chính Dmitri đã giới thiệu cho Chanel chuyên gia về hương liệu Ernest Beaux, người có cha từng chế tác nước hoa trong hoàng gia. Đó chính là thời điểm ra đời loại nước hoa nổi tiếng nhất trong lịch sử thời trang thế giới Chanel N05. Tuy nhiên mối tình này cũng không kéo dài được bao lâu do tính cách phóng khoáng và không ưa ràng buộc của Coco.
Mùa thu năm 1925, tại Monaco, Chanel lại gặp “người đàn ông giàu nhất nước Anh”, công tước Westminster. Westminster là một nhà quý tộc giàu có và có tính cách kỳ dị nhất ở Anh. Nhờ vào ông, Coco được đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Bà khám phá ra xứ Êcốt và vải tuýt một chất liệu sau này được sử dụng nhiều trong các sản phẩm của Chanel. Trước lời cầu hôn của công tước Westminster, Chanel đã từ chối vì không muốn đánh đổi sự nghiệp lấy hạnh phúc riêng tư. Bà tuyên bố thẳng thừng với người yêu: “Tước phu nhân của quận công thì có nhiều nhưng Coco Chanel thì chỉ có một!”.
Một chuyện tình “đắt giá” khác của Chanel là với viên sĩ quan tình báo Đức Hans Gunther von Dincklage, từ hồi Paris còn bị phát xít Đức chiếm đóng. Cụ thể về mối tình này không được nhắc đến nhiều. Chỉ biết rằng, nhờ mối quan hệ đó, Coco Chanel gây dựng được mối quan hệ tới tận những nhân vật chóp bu của nước Đức quốc xã. Các tài liệu và nhân chứng còn cho thấy chính quyền Đức quốc xã đã sử dụng Coco Chanel như một sứ giả trung gian trong một số ý đồ quân sự của mình. Chính vì chuyện tình có phần “nhạy cảm” này, Chanel đã buộc phải rời bỏ nước Pháp để tới Thuỵ Sĩ sau khi Paris được giải phóng.
Sau những cuộc tình với các mạnh thường quân ở trên, Coco Chanel còn có những mối tình không hẳn là sâu nặng với nhà thơ Pierre Reverdy, rồi đến Visconti và Renoir. Dù chỉ thoảng qua nhưng họ cũng là những người đã tiếp sức mạnh, tạo nên sự thăng hoa cho các thiết kế của Coco Chanel. Coco Chanel mất vào một ngày chủ nhật, tháng giêng năm 1971 tại Khách sạn Ritz để lại cho nhân loại niềm thương tiếc một “Thiên nga đen” trong thời trang và cả ái tình.
Lê Anh
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT