Bà Anuradha Koirala là một trong 10 người hùng vừa được kênh truyền hình Mỹ CNN bầu chọn là “Anh hùng năm 2010”. Bà là giám đốc trung tâm Maiti Nepal – một nơi đã cưu mang hơn 12.000 cô gái là nạn nhân của nạn buôn bán người. Mái nhà chung Maiti Nepal đã hoạt động được 17 năm trong tình thương bao la của người phụ nữ hơn 50 tuổi nay đã thành người hùng của đất nước nghèo khó vào bậc nhất thế giới – Nepal.

Mái nhà ấm cho 12.000 nạn nhân
Bản thân Koirala cũng từng là nạn nhân của bạo hành và đó là nguyên nhân dẫn bà bước vào cuộc “thập tự chinh” chống lại cái xấu. Bà kể, lúc còn trẻ, bà dạy tiểu học tại trường Anh ở Nepal, nhưng khi gặp khúc quanh khắc nghiệt, cuộc đời bà đã hoàn toàn thay đổi. “Ngày nào tôi cũng bị chồng đánh, đến nỗi bị sảy thai đến ba lần. Nhưng ngày đó tôi không biết đi đâu và kêu ai cả”.
Sau khi li dị, Koirala dùng khoản tiền lương 100 USD hàng tháng mở một tiệm tạp hóa để có điều kiện giúp công ăn việc làm và hỗ trợ những nạn nhân của nạn buôn người và bạo hành gia đình. Đến năm 1990, một nhu cầu ngày càng tăng khi những vấn nạn xã hội liên quan đến phụ nữ khiến bà Koirala phải làm nhiều hơn nữa. Maiti Nepal – tên trung tâm, là đứa con tinh thần của bà đã ra đời. Nơi đây sẽ nuôi dưỡng, giáo dục cho nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữa làm tình dục. Trung tâm của bà Koirala có các cơ sở trên khắp Nepal và Ấn Độ, nhưng hầu hết các công việc phục hồi diễn ra tại cơ sở chính ở thủ đô Kathmandu của Nepal.
Tất cả các cô gái đến với trung tâm của bà Koirala đều tay trắng, một số mang các bệnh xã hội, một số có thai, con nhỏ và đều bị chấn thương tâm lý. Ở trung tâm Maiti Nepal, các nhân viên không bao giờ hỏi chuyện quá khứ của các cô gái một cách tỷ mỉ. Họ sẽ tâm sự với các cô gái như những chị em trong nhà. Còn các cô gái thì được vui chơi, giải trí, được đào tạo nghề.  Trung tâm Maiti Nepal có thể cưu mang 400 phụ nữ và trẻ em cùng một lúc nên đòi hỏi phải có gần 100 nhân viên, giáo viên, cố vấn và nhân viên y tế và hàng trăm giường ngủ. Nhiều người trong số nhân viên là nạn nhân buôn bán tình dục, bây giờ cam kết sẽ giúp phục hồi các cô gái khác có cùng cảnh ngộ như mình. Trung tâm này được tài trợ bởi các tổ chức từ thiện khắp nơi trên thế giới.
Trong khi một số cô gái sau khi ra trung tâm có thể trở về gia đình của họ,  thì nhiều người trong số họ – đặc biệt là những người có HIV/AIDS và các bệnh tình dục khác sẽ bị xã hội kỳ thị và không còn được chào đón trong cộng đồng. Đối với các cô gái này, trung tâm Maiti Nepal lại trở thành ngôi nhà mới. “Phần khó nhất đối với tôi là nhìn thấy những cô gái ở độ tuổi như con cái mình phải vật lộn với bệnh tật. Đó cũng là lý do tại sao tôi phải làm việc chăm chỉ hơn” – bà  Koirala tâm sự.
Mục tiêu cuối cùng của trung tâm là giúp các cô gái được đào tạo một nghề và sớm hòa nhập với xã hội. “Chúng tôi cố gắng cung cấp cho họ bất cứ công việc họ muốn làm, đào tạo bất cứ điều gì họ muốn, bởi vì khi bạn được trao quyền làm việc thì mọi người sẽ quên đi quá khứ của bạn” Koirala nói thêm.
Gần đây, bà Koirala cùng hơn 50 cô gái từng là nạn nhân cũng tham gia những chuyến công tác xã hội bên ngoài trung tâm. Họ đến các gia đình và những làng quê, đi sâu vào những khu ổ chuột của thành phố để nói lên sự nguy hiểm của nạn buôn bán phụ nữ làm nô lệ tình dục. Trung tâm cũng liên hệ với đội tuần tra biên giới Nepal và Ấn Độ để đưa các cô gái bị nạn về với trung tâm. Đội tuần tra cho biết, trung bình mỗi ngày họ cứu được 4 cô gái khi truy quét các nhóm buôn người qua biên giới.
Bà Koirala cũng cung cấp thêm từ khi trung tâm này được lập ra chỉ có một trường hợp duy nhất “ngựa quen đường cũ” khi một cô gái đã trở lại trở lại đường phố và hành nghề làm tiền.
Những mảnh đời buồn
Geeta – năm nay 26 tuổi, là một cô gái ở vùng nông thôn của Nepal đã được bán cho những nhà chứa ở Ấn Độ bởi một thành viên trong gia đình cô quá tin tưởng vào một người lạ mặt. Các thành viên trong gia đình thông báo cho cô Geeta biết sẽ đi làm ở một công ty quần áo nhưng kỳ thực là cô đã biến thành món hàng của bọn buôn thịt bán người. “Nhà thổ nơi em làm nườm nượp khách làng chơi, bà chủ thì luôn mồm la mắng bọn em khi có điều gì không vừa ý, bà thường đánh bọn em bằng roi, dây thừng và muỗng canh”, cô kể với phóng viên CNN.
Chỉ đến khi cô được 14 cảnh sát giải thoát và đưa cô đến một ngôi nhà an toàn của bà Anuradha Koirala. Người phụ nữ 61 tuổi này và nhóm của bà đã chiến đấu trong 16 năm để bảo vệ cho hàng ngàn nạn người là nạn buôn bán phụ nữ làm nô lệ tình dục ở Nepal. Và Geeta chỉ là cá thể đơn lẻ trong hàng ngàn mảnh đời buồn đã đến trung tâm này. Geeta là một nhân vật điển hình của trung tâm. Hiện tại, cô làm việc tại trung tâm Maiti Nepal và là một nhân viên tốt, hăng say làm việc để giúp các cô gái cùng cảnh ngộ. Cô rất quý trọng bà Koirala và trung tâm Maiti Nepal đã cho cho cô sức mạnh để tiếp tục sống và sự tự tin để tham gia cuộc chiến chống lại nạn buôn bán tình dục.
Một cô gái khác đã kể cho nhà báo Dr. Alish Prajapati khi ông viết bài “Tại sao những cô gái trẻ lại chọn tình dục như nghề nghiệp của mình?” đăng ngày 27/7/2009 trên trang web www.maitinepal.org rằng: “Khi tôi bước vào tuổi dạy thì thì cô ấy vào làm việc cho một phòng xoa bóp. Những vị khách có nhu cầu tình dục sẽ phải trả tiền. Cố ấy làm việc này từ năm 14 tuổi chỉ đơn giản vì cô ấy có em gái cũng đang làm việc đó”.
Một người phụ nữ từng làm trong một trung tâm massage kể lại. Nếu cô làm mọi thứ chiều khách ngoại trừ massage, cô sẽ kiếm được 20.000 đến 30.000 rubbi/tháng. Số tiền cô kiếm được sẽ thuê nhà, mua thực phẩm và nuôi dưỡng những đứa con. Ngoài công việc làm massage, cô phải thường xuyên đi quán bar, nhảy nhót cùng khách ở những vũ trường náo động. Tuy nhiên, cái gì dễ đến thì cũng dễ đi. Kiếm được bao nhiêu tiền, cô đều đốt vào chi tiêu và ăn chơi.
Bà Koirala cho biết thủ đoạn của những kẻ buôn người này là: “Có nhiều gia đình có con cái bị lừa nhiều lần. Việc buôn bán các cô gái này được thực hiện bởi những “chuyên gia” có kinh nghiệm và mồm mép giỏi. Họ thường về các vùng nông thôn và gặp gỡ các gia đình rồi thông báo cho họ những mức thu nhập khá nếu họ chấp nhận cho con cái mình đi làm”.
Từ năm 1993, bà đã cưu mang 12.000 phụ nữ và trẻ em. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mỗi năm có từ 10.000 đến 15.000 phụ nữ và trẻ em gái Nepal bị đưa sang Ấn Độ làm nô lệ tình dục.
Và hành động của chính phủ
Sau nhiều năm nhức nhối về nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, ngày 14/7/2005, một hội thảo về vấn nạn này mới được tổ chức giữa các nhà chức trách Ấn Độ và Nepal. Sự kiện này được tổ chức bởi Royal Nepal, Bộ Phụ nữ, trẻ em và xã hội của Nepal và trung tâm Maiti Nepal. Những người tham gia bao gồm đại diện tổ chức phi chính, nhân viên xã hội, các bác sĩ, luật sư và phụ nữ Nepal làm việc như người lao động tình dục ở Kalighat, ở Kolkota.
Bà Anuradha Koirala, giám đốc trung tâm Maiti Nepal, trình bày một bài báo về tình hình nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Nepal ở một cuộc hội thảo quốc tế gần đây. Bà cho rằng cần phải làm mạnh tay hơn nữa để bảo vệ “một nửa thế giới”.
Rất ít phụ nữ tự chốn thoát khỏi những nhà thổ bởi hệ thống canh gác cẩn mật và khắt khe của những người chủ. Chính vì vậy, sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ như Maiti Nepal và chính quyền địa phương sẽ giúp các cô gái thoát khỏi sự đe dọa tính mạng và giúp họ một cái nghề trước khi hòa nhập cộng đồng. Có một nỗi buồn cho các nhà chức trách là không ít các cô gái không muốn ra khỏi các nhà thổ bởi thói quen ăn tiêu thỏa thích đã ngấm vào máu các cô, giờ bị đưa về các trung tâm giáo dục hoặc về quê làm nông thì họ không thể chịu đựng được. Bởi vậy, giáo dục ý thức cho các cô gái sau khi đưa về các trung tâm giáo dưỡng là việc làm hết sức cần thiết nhằm đưa “ý nghĩ” các cô gái này thoát khỏi ám ảnh tình dục và tiền bạc.

Ông Chaudary – người đứng đầu bang về Phụ nữ, Trẻ em và Phúc lợi xã hội của bang Tây Bengal (Ấn Độ) – bang giáp biên giới Nepal khi tham dự hội thảo quốc tế này cũng cho rằng mặc dù ngày hôm nay xã hội có xu hướng giảng lý thuyết bình đẳng giữa hai giới tính nhưng thực tế thì phụ nữ vẫn đang bị lạm dụng. Ông giải quyết nạn buôn bán như là một vấn đề từ quan điểm tôn giáo và công bằng xã hội. Ông Chaudary cho rằng nguyên nhân của vấn đề này là tập quán truyền thống cho rằng phụ nữ được coi là hàng hoá. Hơn nữa nạn mù chữ, nghèo khổ cũng khiến nhiều phụ nữ trở thành món hàng đắc lợi cho các tổ chức buôn người.
Ông Chaudary khuyến khích mọi thành phần xã hội cùng nhau bắt tay chống lại sự phá hoại giá trị cuộc sống. Bang Tây Bengal do ông đứng đầu đang thực hiện các biện pháp mạnh tay để thanh lọc những kẻ buôn bán người. Chính phủ Ấn Độ cũng soạn thảo những sách lược để thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và trẻ em nhằm cung cấp cho họ những “vũ khí” trước những cám dỗ của cuộc sống.
 Đại sứ Hoàng gia Nepal ngài Karna Dhwoj Adhikari trong một chuyến thăm Ấn Độ gần đây cũng đã tuyên bố nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em như là một tội phạm xã hội. Ngài đã mô tả sự hoạt động của các mạng lưới giữa các chủ chứa và bọn buôn người. Chúng đang mở rộng mạng lưới này nhanh chóng, do đó chúng ta cần phải tìm một giải pháp kịp thời. Ông ủng hộ sự cần thiết phải phối hợp và hợp tác giữa các NGO (phi chính phủ), điển hình là trung tâm của bà Anuradha Koirala và ông nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ từ tất cả các lĩnh vực.
 Đức Chính

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT