Quá nhiều phụ nữ vẫn đang hàng ngày hàng giờ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Việc phụ nữ bị coi là món đồ sở hữu, có thể bị đánh đập, ngược đãi thậm chí cưỡng bức bất cứ lúc nào đã đến lúc phải được cả xã hội lên án và xử lý thích đáng.
Không “chiều” là đánh
Hơn hai mươi năm lấy chồng, chị Hoàng Thị Nguyệt, ở Hà Nội chưa được nhận một ngày hạnh phúc trọn vẹn. Cũng từng ấy năm, gần như ngày nào chị cũng bị chồng đánh hoặc cưỡng bức.
Anh Đào Văn Tùng là con nhà nghèo lại ở ngoại thành Hà Nội nhưng chị thương cái nết chịu khó của anh. Khi anh đến gặp bố mẹ chị để bàn chuyện cưới xin, mẹ chị đã gàn vì nghe đồn anh có tính uống rượu. Nhưng, chị bỏ ngoài tai, hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.
Người ta bảo “ríu rít như vợ chồng son”, chị Nguyệt cũng hồi hộp mong cuộc sống mới của mình sẽ được như vậy. Nhưng, ngay đêm đầu tiên làm đàn bà, chị đã thấy anh Tùng rất lạ. Anh bế thốc chị lên, dằn mạnh xuống giường, xé tung quần áo của chị, hưởng thụ như một con thú đang ăn mồi.
Chị cố an ủi mình tại anh có uống một tý rượu. Nhưng, chị đã nhầm, bởi hơn 20 năm sau, anh vẫn thế mỗi lần đòi hỏi chị: “Ngày hay đêm, hễ anh ta về nhà là trống ngực tôi lại dồn dập và kéo dài hàng giờ. Tôi biết trước sẽ xảy ra chuyện gì mà không thể chống cự được. Không chỉ có tôi mà cả hai đứa con cũng phải chịu trận. Khác là, chúng bị bố buộc làm nhân chứng bắt đắc dĩ”.
“Mỗi lần về nhà là anh ta đè nghiến tôi xuống và giật tung áo quần tôi ra. Tôi không thể chống cự hoặc làm gì khác. Tôi đẩy cũng chẳng được, đánh thì lại càng không. Anh ta làm thế ngay trước mặt đứa con gái 10 tuổi của tôi. Nó thấy xấu hổ và nó không thích những gì nó chứng kiến. Nó chạy đến bật đèn lên. Anh ta tát cho nó mấy cái, nó sợ và im luôn”, chị Nguyệt chia sẻ.
Cũng cùng cảnh chịu đựng như chị Nguyệt, chị Trần Thị Lưu ở TP. Huế bức xúc: “Bọn tôi đi gặt phải một tuần mới xong, mà trong 1 tuần ngày nào anh ấy cũng đòi hỏi, hôm nay không được thì ngày mai lại đòi, liên tục như vậy. Thôi thì mình phải nhắm mắt buông xuôi để chiều. Những ngày nhàn rỗi thì anh ấy không thích, những ngày vất vả anh ấy lại đòi hỏi”.
Nếu không thỏa mãn được nhu cầu, chồng chị Lưu sẽ không chịu làm việc, mặt nặng mặt nhẹ trong bữa ăn. Thậm chí có thể đánh chị ngay tại ruộng.
Ảnh minh họa
Thích thì đánh
Với bà con lối xóm, chị Hà là một người đảm đang tháo vát. Nhà 7 miệng ăn, còn việc xã hội nhưng mọi việc trong nhà một tay chị đều quán xuyến hết. Chính sự tháo vát của chị lại là nguyên nhân của những trận đòn vô cớ của anh Sơn, chồng chị. Chị Hà bảo, trong quá trình ăn uống, ông ấy bắt ghi sổ cơ, mà ghi sổ ông ấy còn không tin ở sổ.
Ví dụ, tôi ghi 500 tiền hành, thì ông ấy bảo là tại sao không sang hàng xóm xin mà phải mua hành. Thế là bị đánh. “Nói thật, sau nhiều năm chung sống với chồng, điều tôi sợ nhất là chồng kiểm tra sổ chi tiêu. Bởi tôi có thể bị đánh bất cứ lúc nào nếu ông ấy thấy vô lý và thích đánh”.
Chị Huyền ở Thanh Trì, Hà Nội thì có hoàn cảnh éo le hơn. Chồng chị, anh Quân làm nghề xe ôm. Trong một lần chở khách, không may bị tai nạn, gẫy chân, nhà không có tiền và nghĩ đơn giản không sao nên anh chị chỉ đi bó lá. Bó đi bó lại không khỏi, đến khi đến bệnh viện thì không xử lý được nữa. Anh bị tháo khớp. Từ một người lành lặn, anh trở thành tàn tật. Cũng từ ngày đó, anh sinh ra cáu bẳn và thường xuyên hành hạ vợ như một thói quen.
Chị Huyền bảo, không chỉ đánh mà “mỗi lần đánh xong, ông ấy lôi mình như một con chó, tóc tai rũ rượi, lôi từ ngõ lôi vào”, như để cho cả xóm biết mình đang đánh vợ. Khi đang lên cơn điên, thì thấy bất cứ cái gì trước mặt ông ấy cũng cầm để phang mình: Ghế con ngồi ăn cơm, gạch, rút dép phang vào mặt”…
“Chịu nhịn là chết đấy”
Trên đây chỉ là một số câu chuyện được kể lại trong quá trình Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Tổng Cục Thống kê và Liên hợp quốc tiến hành.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, bạo lực với phụ nữ là một vấn đề chưa được công khai nhiều. Rất nhiều phụ nữ bị bạo lực do chồng gây ra nhưng chưa từng nói với ai, và cũng không nghĩ đến việc phải trình báo chính quyền để được trợ giúp một cách chính thức.
Nhưng, “chịu nhịn là chết đấy” - chị Ngân, một nạn nhân của bạo lực gia đình ở Hà Nội đã thốt lên như thế sau thời gian quá dài bị bạo lực.
Đây là một nhận định hoàn toàn đúng đắn. Bởi thống kê của cuộc nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam cho thấy: Một nửa số phụ nữ bị bạo lực gia đình đã bị thương tích một hoặc nhiều lần, 15% phụ nữ từng bị bạo lực gia đình cho biết tình trạng sức khỏe của họ là “kém” hoặc “rất kém”, trong đó có xu hướng mắc phải một số bệnh như bị đau và mất trí nhớ, sảy thai và nạo thai. Đối với những phụ nữ bị bạo lực nghiêm trọng, nguy cơ bị căng thẳng tinh thần và có những ý nghĩ tiêu cực như tự sát cao gấp 3 lần so với những phụ nữ không bị bạo lực.
Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng về việc bạo hành này. Nói như ông Jean Marc Olive, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam: “Báo cáo này nêu bật tính cấp thiết của việc phá bỏ sự im lặng. Tất cả chúng ta đều mong đợi những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và những phụ nữ đã tham gia cuộc điều tra này sẽ đứng dậy nói tiếng nói của mình và chấm dứt bạo lực gia đình”.
Theo GĐ&XH
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT