Mỗi khi về nhà là anh ta đè nghiến tôi xuống và giật tung quần áo tôi. Tôi không thể chống cự hoặc làm gì khác.
Đó là một trong những tâm sự được chính những người trong cuộc chia sẻ về tình trạng bạo lực gia đình mà rất nhiều phụ nữ đang phải gánh chịu.
“Năm 2006, Luật Bình đẳng giới rồi 2007 Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được thông qua. Vậy mà sau 3 năm kết quả chúng ta có gần như không hề chuyển biến. Điều này chứng tỏ việc luật đi vào cuộc sống vẫn còn khoảng cách” - ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ.
Từ những con số “sốc mà không sốc!”
Qua khảo sát gần 5.000 phụ nữ trên khắp cả nước (từ tháng 12/2009 đến tháng 2/2010), báo cáo Kết quả nghiên cứu quốc gia đầu tiên về bạo lực gia đình đưa ra kết luận từ các cuộc phỏng vấn trực diện có cấu trúc cho hay 32% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời, 6% đã từng trải qua bạo lực thể xác trong vòng 12 tháng trở lại đây.
10% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng trải nghiệm bạo lực tình dục trong đời và 4% trong vòng 12 tháng trở lại đây.
Ngoài đau đớn về thể xác, đau đớn về tinh thần của là khía cạnh quan trọng được đề cập. Báo cáo cho biết 54% phụ nữ đã phải hứng chịu bạo lực tinh thần trong đời và 25% bị bạo lực tinh thần trong thời gian gần đây.
Và nếu tổng hợp cả ba loại bạo lực gồm: bạo lực thể xác, bạo lực tình dục và tinh thần do chồng gây ra thì 58% số được phỏng vấn trả lời họ đã từng phải hứng chịu ít nhất một trong ba loại bạo lực trên.
Phụ nữ Việt Nam có nguy cơ bị bạo lực do chồng gây ra cao gấp ba lần so với cùng nguy cơ nhưng do đối tượng khác gây ra kể từ khi họ 15 tuổi. 87% phụ nữ bị bạo lực chưa từng nghĩ tới việc trình báo chính quyền để được trợ giúp một cách chính thức.
Trong tóm tắt 7 điểm được ông Nguyễn Phong, Vụ trưởng Vụ thống kê Xã hội và Môi trường, Tổng cục thống kê thông báo cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng bị bạo lực thể xác và tình dục, 5% phụ nữ có thai từng bị đánh (chủ yếu từ chồng, 99%).
Đáng lưu ý chỉ 1/10 phụ nữ bị hành hạ tìm đến sự trợ giúp từ chính quyền, những người xung quanh khi sự đã chẳng đành, “không thể chịu đựng hơn nữa”.
Dưới giường lúc nào cũng sẵn thuốc chuột để tự tử
Từng tiếp xúc, lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ nhiều trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình nên bà Nguyễn Vân Anh, Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nói mình không bất ngờ trước kết quả báo cáo này: “Tôi từng tiếp xúc với nhiều trường hợp còn kinh khủng hơn nhiều. Có chị khi gặp, chia sẻ với tôi lúc nào dưới đầu giường cũng để mấy lọ thuốc chuột, bức bối quá không chịu được thì uống để quyên sinh”.
“Nhiều chị em khi được hỏi ý thức như thế nào về BLGĐ nói đó là bình thường nhưng mình phải hiểu là chị em rất phẫn nộ, bức xúc. Họ muốn được chia sẻ nhưng không thể nói vì cảm thấy không an tâm, tin cậy. Họ bị thường xuyên song vẫn phải gắng sống. Bình thường là như thế”.
Trong buổi thảo luận, MC Kim Ngân, người quen thuộc với khán giả cùng chương trình Người xây tổ ấm của VTV chia sẻ, chị còn nghĩ đó là kết quả còn chưa nói hết thực trạng phải “sống chung với lũ” của nhiều chị em ở nước ta.
“Có những trường hợp người vợ bị chồng hành hạ tới chết, nhiều đứa con bị cha mẹ bỏ cho kiến bâu tới chết… Nhiều lần đi làm và còn nhiều đoạn băng chúng tôi chưa công bố còn đau lòng, thương tâm hơn nhiều” – MC Kim Ngân tâm sự.
Con số ¼ phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết rằng những đứa trẻ này đã từng bị lạm dụng về thể xác do chồng gây ra, thường là bị tát, mắng khiến nhiều người không khỏi lo lắng.
“Ngày hay đêm, hễ anh ta về nhà là trống ngực tôi lại dồn dập và kéo dài hàng giờ. Cô con gái tôi (10 tuổi) đang chơi ở nhà và đôi khi có cả bạn của nó ở đấy nữa nhưng anh ta không quan tâm. Mỗi khi về nhà là anh ta đè nghiến tôi xuống và giật tung quần áo tôi.
Tôi không thể chống cự hoặc làm gì khác. Tay anh ta to thế (….), ngay cả khi có mặt con gái tôi ở đó (…), nó chạy đến và bật đèn lên. Anh ta tát cho nó mấy cái thật đau, nên nó sợ và im luôn.
Con trai lớn của tôi (20 tuổi) chạy ra khỏi nhà khi chứng kiến cảnh này nhưng con gái tôi không hiểu điều gì đang xảy ra. Nó chỉ không thích hành vi mà nó thấy giữa hai vợ chồng và nó khóc. Nhưng rồi cũng phải nín sau khi bị chồng tôi tát cho mấy cái. Nó sợ không dám nói một lời. Tôi đành phải chịu đựng” (Một nạn nhân BLGĐ ở Hà Nội tâm sự).“Cuộc cách mạng lâu dài, bền bỉ?”
Liên hệ một chút về “lịch sử” của cụm từ BLGĐ, theo PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học: Trước đây ở xã hội ta BLGĐ đã tồn tại và nhiều khi được xã hội chấp nhận. Chỉ mới đây thôi ta mới ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật, nạn nhân cần phải được bảo vệ.
Để giải quyết vấn đề, theo ông cần phải xây dựng được những chuẩn mực mới và rằng: “Đây là cuộc cách mạng lâu dài, bền bỉ, không thể một sớm một chiều là xong”
Đưa ra ví dụ “có thật 100%” rằng có lần mình đi tới địa phương A, thấy chính quyền xã này làm rất tốt, rất hăng hái với công tác phòng chống BLGĐ, thậm chí còn quay clip gửi Đài TH để phát sóng thì ngay sau đó bị lãnh đạo “to” gọi điện “chấn chỉnh làm vừa vừa thôi, không khéo người khác nghĩ cả tỉnh ta chỉ toàn bạo lực thôi”, ông Lợi kết luận: “Sự thay đổi đầu tiên phải từ phía lãnh đạo, quản lí”.
Đưa ra con số 60% người dân khi được hỏi biết về Luật Phòng chống BLGĐ nhưng rất ít trong số đó khi bị BLGĐ tìm đến các cơ quan, ban ngành để được giúp đỡ, MC Kim Ngân băn khoăn: “Vậy đâu là nguyên nhân?”.
“Chừng nào các chị em còn ngại ngùng nói ra việc bị BLGĐ thì việc giải quyết vấn đề này còn rất khó” – ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ gia đình, Bộ VH-TT-DL chia sẻ. Khẳng định: “Những năm qua công tác tuyên truyền, phổ biến luật chúng ta đã làm một cách tích cực”, theo ông Vân nguyên nhân của tình trạng trên một lần là do “rào cản xã hội rôi việc đội ngũ tuyên truyền nhiều khi nhận thức còn thấp”.
“Theo tôi, khi nào còn tình trạng đổ trách nhiệm cho nạn nhân thì việc giải quyết của ta còn nhiều khó khăn. Mỗi người phải chung tay, nhận trách nhiệm về mình”- bà Vân Anh (Chủ tịch HĐ sáng lập SCAGA) trăn trở.
Ông Vũ Mạnh Lợi bổ sung thêm: “Thật tiếc hôm nay không có đại diện ngành giáo dục. Theo tôi, giáo dục trẻ em từ năm lớp 1 đã nên dạy cho trẻ về BLGĐ rồi”. Còn theo ông Đặng Như Lợi: “Vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là giáo dục nhân cách, đạo đức cho mỗi người”.
Theo GĐ&XH
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT