Nhờ nắm bắt được xu thế chuộng chỗ yên nghỉ “sành điệu” của người dân, không ít đại gia Việt có thể thu về những khoản lợi nhuận hậu hĩnh.
Không gì cản nổi quy luật cung- cầu, đó là xu hướng tất yếu để phát triển, bình ổn và thỏa mãn yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Thị trường đất nghĩa trang cũng vận hành theo quy luật ấy.

An giấc người đi...

Khi đời sống no đủ, “hầu bao rủng rỉnh”, nhiều người sẵn lòng chi trả hàng tỷ đồng cho một sự ra đi thanh thản và “sành điệu” nhất. Nhanh chóng bắt nhịp với tâm lý đó, thị trường nghĩa trang tư nhân ở Việt Nam ra đời, với sự phát triển chóng mặt về các dịch vụ trọn gói cho người khuất núi.
Nhiều ngôi mộ bạc tỷ có địa thế rất đẹp.
Giờ đây, người dân từ Nam ra Bắc đều có thể chọn cho mình và người thân những “bến đỗ” khang trang và phù hợp nhất. Cách TP HCM 25 km, Hoa viên nghĩa trang Gò Đen (Bến Lức - Long An) là một trong những “cõi âm” có tiếng của khu vực phía Nam.
Dọc theo đường lớn rộng 6 mét trong hoa viên này là những hàng cây điệp, sứ, dừa, cau cảnh xanh mướt. Thấp phía dưới là những khóm hoa đủ màu khoe sắc đan xen trong những thảm cỏ xanh. Tận cùng nghĩa trang là sông Mỹ Nhơn trong xanh cùng những rặng dừa nước làm cho khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm.
Cũng ở khu vực phía Nam, nghĩa trang công viên Bình Dương từ lâu trờ thành “chốn đi về” phổ biến. Nhìn từ bên ngoài, nghĩa trang trông hoành tráng và rực rỡ như một khu du lịch.
Nghĩa trang có các công trình trọng yếu mang đậm nét văn hoá, đa tôn giáo, có giá trị lịch sử - nhân văn như : Vĩnh Hằng Môn, Vĩnh Hằng Đài, Đền trình, Hồ Thuỷ Long, Đàn Nam Giao, Chùa Đại An, nhà thờ Linh Phước, các khu vườn Thiên - Địa - Nhân... Kết hợp hài hoà trong các mảng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, hồ nước... tạo nên nét đẹp thanh tĩnh của một nghĩa trang công viên văn hoá hiện đại.
Trong khi đó, tại Hà Nội, tọa lạc trên một quả đồi diện tích 20 ha thuộc địa phận hai xã Phú Sơn, Vật Lại (huyện Ba Vì), công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, nghĩa trang đầu tiên của Hà Nội cũng được nhiều người “nhắm” cho cõi vĩnh hằng của mình.
Toàn bộ khu nghĩa địa nằm trên một quả đồi rộng chừng 50 ha. Giữa quả đồi là một con đường lát gạch với hàng tùng, thông được trồng hai bên, những chiếc ghế đá được bố trí cho người thăm viếng nghĩa trang nghỉ ngơi.
Từ trục đường chính, hàng trăm đường phụ được xây dựng, dẫn đến những khu mộ đã được quy hoạch, xây dựng trước, nằm dưới những tán cây mát mẻ.
... “Ấm hầu bao” kẻ ở
Chính nhờ những tiện ích không thể phủ nhận này mà các mộ phần trong nhiều công viên nghĩa trang không ngừng “lên cơn sốt”. Đó cũng là động lực thôi thúc các đại gia đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các dự án kinh doanh đất mộ này.
Ông Liễu Bình Chiến, Giám đốc hoa viên nghĩa trang Gò đen cho hay: “Từ sự thúc bách của nhu cầu thị trường, tôi đầu tư 100 tỷ đồng cho công trình này. Lúc đầu nhiều người trong giới kinh doanh thấy tôi làm lắc đầu e ngại, nhưng với kinh nghiệm mấy chục năm lăn lộn ở thương trường, tôi biết đây là kiểu đầu tư an toàn nhất. Và chưa đầy nửa tháng khai trương, gần 200 huyệt mộ được khách đặt hàng”.
Không ít đại gia phất lên nhờ có "cái duyên" với người chết.
Thành công ngoài mong đợi như ông Chiến, ông Đỗ Thành Trung, giám đốc công viên nghĩa trang An Lạc Viên tại thành phố Hạ Long, chia sẻ: “Ngày 28/1/2007, An Lạc Viên được khánh thành và điều vô cùng bất ngờ là ngay trong hai ngày đầu có tới 12.000 lượt người đến tham quan... Theo dự tính, trong ba năm đầu, các lò hoả thiêu sẽ phục vụ khoảng 10% số thi hài nhưng chỉ sau hai tháng hoạt động, số thi hài đưa đến đây hoả thiêu tăng rất nhanh”.
Cũng nhanh nhạy không kém trong việc nắm bắt thị trường, bà Tạ Thị Ngọc Thảo, Tổng Giám đốc Công ty TTNT, được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM duyệt dự án xây dựng nghĩa trang tư nhân với tổng diện tích 100 ha ở huyện Cần Giờ.
“Ở các nước trong khu vực và trên thế giới, công nghệ nghĩa trang ra đời từ lâu. Loại hình kinh doanh này làm nên những ông trùm tài chính khổng lồ. Kinh tế nước ta ngày càng phát triển, đời sống và thu nhập của người dân ngày càng cao. Tại sao không tạo điều kiện để người dân nỗ lực phấn đấu, lao động và cuối cùng có quyền chọn cho mình nơi an nghỉ vừa ý”, bà Thảo quả quyết.
Khi chia sẻ về bí quyết thành công, nhiều ông chủ của các dự án nghĩa trang hạng sang thừa nhận, ngoài việc dám nghĩ dám làm, họ còn phải có “cái tâm với người chết”.
Quả thực, bà Tạ Thị Ngọc Thảo tâm sự: “Hình như phải có cơ duyên mới được lo cho người chết. Đó chẳng phải là một công việc kinh doanh đơn thuần. Người kinh doanh nghĩa trang ngoài cái tâm, phải có cái tầm về văn hóa và cả hiểu biết về phong thủy. Chúng tôi là những người kinh doanh loại hàng hóa nhạy cảm, phải có tình, có nghĩa mới thành công được”.
Theo GiaDinhNet
 

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT