Bây giờ, tin lời bộ đội rồi... bà con có trục trặc chi về sức khoẻ lại lên trạm xá... “rạu hàu” (xin thuốc).Ngồi với chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang tại bản Ra Mai, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, quà của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng cách đây năm năm về trước, Trưởng bản Hồ Đeng nói “thiệt bụng”: “Nếu không có Trạm xá Quân dân y của BĐBP thì dân bản mình vẫn cứ phải cúng bái con ma rừng, thuê thầy mo về thổi mỗi khi có người ốm đau".

Nằm khiêm tốn bên tuyến đường tuần tra biên giới nối từ Quốc lộ 12A vào đến vùng Lòm, Trạm xá Quân dân y kết hợp (QDYKH) bản Ra Mai được thành lập đúng vào ngày truyền thống lực lượng Bộ đội Biên phòng, ngày 3-3 (2009). Trạm có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh ban đầu cho bộ đội ở hai tổ biên phòng đóng tại bản Ra Mai và bản Dộ cùng bà con dân tộc Khùa, Mày ở 7 bản: Ra Mai, Dộ, Tà Vơờng, Tà Dôộng, K.Ôốc, K.Chăm, Si. Địa bàn quản lí rộng; đồng bào dân tộc sinh sống rải rác khắp một vùng rừng núi trải dài; quân số chỉ có hai người... đây thực sự là những thử thách, khó khăn cho trạm xá ngay từ những ngày đầu mới thành lập.
Theo Báo Biên phòng
Trạm xá quân dân y kết hợp bản Ra Mai.

Thiếu tá Trương Tuấn Anh, Trạm trưởng Trạm xá quân dân y kết hợp bản Ra Mai nhớ lại: “Tôi vốn phụ trách Trạm xá ở cảng Gianh 10 năm trời, nhưng khi lên bản Ra Mai, không thể tả hết được những khó khăn của vùng đất mình đến! Cùng với Trung úy, y sĩ Trần Xuân Hanh, khi nghe đồng bào ốm đau, chúng tôi liền tất tả ôm túi thuốc đến từng nhà, nhưng bà con đều xua tay: Con ma rừng hắn bắt tội đó mà, bộ đội về đi, dân bản đã có thầy mo rồi... Đêm nằm thao thức không ngủ được, trách nhiệm một người lính - thầy thuốc thôi thúc mình và đồng đội không thể bỏ cuộc”.

Còn nhớ câu chuyện của Hồ Văn Xuân, người trong bản, đi ăn cúng nhà bà con về ngộ độc thức ăn, nằm liệt giường 3 ngày, bị tiêu chảy, nôn mửa và có triệu chứng truỵ tim mạch, hạ đường huyết. Gia đình mời thầy mo về cúng bái, đuổi con ma nhưng bệnh ông Xuân không thuyên giảm.

Nghe cơ sở báo lên, Thiếu tá Anh nhanh chóng có mặt, khuyên gia đình dừng cúng bái và cam kết sẽ chữa lành bệnh cho ông Xuân. Sau khi được truyền đạm, ông Xuân hồi phục dần...

Dân bản hỏi: “Sao cho nước vào người mà hắn lại khoẻ ra?”. Được Thiếu tá Anh giải thích, dân bản ngộ ra: “À! Bộ đội Biên phòng tài thật. Hắn đuổi con ma nhanh hơn thầy mo!”. Từ đó, mỗi khi đau ốm, đồng bào lại lên Trạm để “rạu hàu” (xin thuốc).

Năm 2010, Trạm xá quân dân y kết hợp bản Ra Mai đã khám, cấp phát thuốc và điều trị cho 679 lượt người dân, trong đó có 68 lượt người được điều trị nội trú. Ngày chúng tôi có mặt tại trạm, chứng kiến bà con dân bản đến đây mà có cảm giác ấm lòng. Trung uý, y sĩ Trần Xuân Hanh cho biết: “Mỗi ngày có từ 15 đến 20 người lên trạm khám và xin thuốc, vất vả là thế nhưng vui lắm, vì bà con tin Bộ đội Biên phòng”.

Từ bản Ra Mai bám theo đường tuần tra biên giới đến vùng Lòm, qua bao đèo dốc, bên vách núi dựng đứng, bên vực thẳm sâu, ở đó đồng bào dân tộc Mày đang định cư.

Một lần, nhận thông tin bà con dân bản bị dịch sốt hoành hành, Thiếu tá Anh cùng Trung uý Hanh cắt rừng vào (lúc này đường bị tắc do núi lở) bản K.Chăm. Tại đây, cháu  Hồ Kinh bị sốt li bì. Trong nhà, thầy mo đang đuổi con ma. Mấy ngày nay rồi, gia đình Hồ Kinh tốn nhiều lợn, nhiều gà, nhiều rượu làm lễ cúng ma nhưng bệnh tình Hồ Kinh không giảm...

Khám và chẩn đoán bệnh cho Hồ Kinh xong, Thiếu tá Anh nhanh chóng truyền đạm, cho ăn cháo loãng và cho uống thuốc... Dần dần Hồ Kinh khoẻ lại. Trưởng bản K.Chăm dõng dạc: “Từ bây giờ, tao tin bộ đội. Có ốm đau chi, tìm gặp bộ đội!”. Nhớ lời Trưởng bản K.Chăm, dù cắt rừng mất nửa ngày đi bộ, dân bản vùng Lòm vẫn ra với trạm xá quân dân y kết hợp tại bản Ra Mai.

Một ngày ở trạm xá quân dân y kết hợp bản Ra Mai, chúng tôi gặp mế Hồ Y Xon, 60 tuổi đang nằm điều trị ở đây. Mế bảo: “Tao thương, tao mến bộ đội tại trạm lắm! Tao đau nằm liệt ở đây, nhờ vào cái thuốc của bộ đội mà khoẻ”.

Ở giường kế bên, chị Hồ Phênh, mẹ của 8 đứa con, chồng mất cách đây 4 tháng thêm vào câu chuyện: “Nghe đau nhức toàn thân, lên trạm xá “rạu hàu” (xin thuốc). Bộ đội Anh khám xong nói: Hồ Phênh phải ở lại điều trị dài ngày thôi, cái bệnh sống trong người lâu rồi. Lúc mô bộ đội chữa khỏi bệnh thì Hồ Phênh về. Nghe lời bộ đội Anh, Hồ Phênh ở lại trạm, đến chừ là hai ngày rồi!”.

Bản Ra Mai đang từng ngày đổi thay. Đồng bào dân tộc Khùa, Mày giữa đại ngàn Trường Sơn, xã Trọng Hoá tin lời Bộ đội Biên phòng, khi ốm đau, bệnh tật nên đến Trạm xá, đừng tin vào con ma rừng, đừng tin vào thầy mo và những hủ tục cúng bái mê tín, dị đoan.

Từ ngày có Trạm xá quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng, bà con dân bản cũng ý thức hơn trong sinh hoạt, ăn chín, uống sôi và tích cực bảo vệ môi trường.

Trong ngôi nhà sàn khang trang, Trưởng bản Ra Mai, Hồ Đeng một lần nữa “thiệt bụng”: “Đồng bào mình tin vào các anh, cái bộ đội - y, bác sĩ Biên phòng!”...

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT