(NLĐO)- Trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho “cụ” rùa Hồ Gươm, TS Bùi Quang Tề - Viện Nuôi trồng Thủy sản 1- cho hay kết quả phân tích ADN vừa hoàn tất cho thấy rùa Hồ Gươm là loài mới ở VN và khác hẳn loài rùa mai mềm ở Thượng Hải - Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo TS Tề, cần làm rõ thêm bằng các nghiên cứu khoa học và đối chiếu để đi đến kết luận chính xác về nguồn gốc rùa Hồ Gươm.
Trước đó, trả lời Báo Người Lao Động, ông Tề cho biết rùa Hồ Gươm là họ ba ba nằm trong bộ rùa, còn được gọi là rùa mai mềm. Loài ba ba này thường sinh sống dọc theo lưu vực sông Hồng và các đầm rộng lớn. Sở dĩ khẳng định điều này vì chân “cụ” rùa có 3 móng, phù hợp với loài ba ba này, trong khi họ rùa có 5 móng.

Tuy nhiên, ông Tề cũng không loại trừ loài ba ba này cũng có thể xuất hiện tại Thanh Hóa, gắn với giả thuyết vua Lê Lợi mang rùa hồ Gươm từ vùng đất này ra.


Bên cạnh đó, theo ông Tề, kết quả xét nghiệm cũng cho thấy “cụ” rùa không mắc trọng bệnh phía trong cơ thể mà chỉ bị nhiễm khuẩn và nấm. Qua mấy ngày điều trị, sức khỏe của "cụ" đã tốt hơn rất nhiều, ăn rất mạnh; còn những vết thương ngoài da đã khô và đến giờ vẫn chưa phát hiện bị viêm phổi.

TS Bùi Quang Tề cũng cho hay Hội đồng Chữa trị, chăm sóc rùa hồ Gươm đã hoàn tất phác đồ điều trị gồm 9 bước. Theo đó, những loại thuốc dùng để chữa trị cho "cụ" đều sản xuất ở VN và do bác sĩ trong nước điều trị. Với tình hình tiến triển tốt như hiện nay, dự kiến thời gian điều trị "cụ" rùa chỉ trong 1 tuần nữa.

Tuy nhiên, một lo ngại khác, theo ông Tề, là rùa đã già nên bị lão hóa, nhiều phần trong cơ thể thay đổi sắc tố chuyển sang màu trắng nên việc điều trị để đưa về màu xanh xám là rất khó.

Ông Tề cũng cho rằng muốn duy trì sức khỏe tốt cho “cụ” rùa, bên cạnh việc chữa bệnh, cần nhanh chóng làm sạch nước hồ Gươm.

Hiện nước hồ Gươm đang có rất nhiều vi khuẩn, nấm, sinh vật phù du, tảo độc…, sẽ gây bệnh cho "cụ" rùa ngay sau khi trở lại hồ. Lượng bùn dưới đáy hồ cũng rất lớn, khó có thể nạo vét xong trong thời gian ngắn.

Theo ông Tề, việc cải tạo nước sẽ tạo ra môi trường sống tốt, đồng thời tái tạo các sinh vật có ích làm nguồn thức ăn cho “cụ” rùa duy trì sự  sống. Song, để đảm bảo đủ nguồn thức ăn, ông Tề cũng kiến nghị thả thêm cá được lấy từ nơi khác.

“Nếu môi trường hồ không được cải thiện, chúng tôi cương quyết không thả rùa ra bên ngoài” - ông Tề nói.


Phác đồ điều trị cho rùa:

Bước 1: Chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết (đã tiến hành từ trước đến giờ)
Bước 2: “Đánh bắt” rùa lên cạn
Bước 3: Đưa rùa vào bể xử lý bệnh, đủ lượng nước sạch, phù hợp để tránh gây sốc do thay đổi điều kiện sống của rùa.
Bước 4: Lấy mẫu bệnh phẩm để tìm tác nhân gây bệnh. Quá trình này cũng cần kết hợp phân loại hình thái, xác định giới tính, thu mẫu ADN để có các hoạt động nghiên cứu sau này.
Bước 5: Xử lý các vết thương cho rùa và dùng bài thuốc an toàn đã được kiểm chứng sơ bộ.
Bước 6: Phân tích tác nhân gây bệnh và xây dựng phác đồ điều trị.
Bước 7: Quyết định chủng loại thuốc, tính toán liều lượng thuốc cần dùng và lên phác đồ chữa trị.
Bước 8: Sau khi kết thúc dùng thuốc, đưa rùa ra bể nuôi dưỡng một thời gian (tùy thuộc vào các điều kiện thực tế) để tiếp tục theo dõi.
Bước 9: Trả rùa về hồ sau khi đã làm sạch môi trường theo phương án 1.

Bảo Trân

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT