Hơn 20 năm qua, hàng chục hộ dân ở phố Quăng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa nhiều lần kiến nghị lên các ngành chức năng về việc cấp sổ đỏ nhưng không có kết quả. Sau hơn 20 năm gian nan, dân vẫn như đang đi ở nhờ.

 
Gian nan làm sổ đỏ
 
Theo đơn phản ánh của hàng chục hộ dân dọc trục đường Lộc Quang, đoạn từ ngã tư Bưu điện đến cổng chợ Quăng, thuộc địa bàn thôn Đình Bảng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa: Tháng 3/1989, UBND xã thông báo cho các thôn về chủ trương cấp đất san hộ. Sau đó xã tổ chức họp dân lần đầu tiên phổ biến về phương thức cấp đất san hộ dân cư và đóng góp xây dựng trường Tố Như.
 
Biên bản bàn giao đất giữa các hộ với UBND xã Hoằng Lộc
Sau một thời gian xét đơn của các hộ dân, đầu tháng 4/1989, xã triệu tập các hộ dân lên trụ sở UBND để phổ biến phương thức cấp đất và thu tiền đất. Theo đó, sau khi các hộ nộp tiền, xã đo đất và cho biết nếu sau 5 tháng, hộ nào không làm nhà xã sẽ thu lại đất. Hình thức làm nhà phải đổ mái bằng thống nhất như nhau dù nhà to hay nhỏ.
Sau đó xã tiến hành thu mỗi hộ 45.000đ tiền lệ phí rồi tập hợp các hộ lại để bốc thăm phân lô. Tiếp đó, UBND xã cùng Địa chính thu tiền và đo đất cho các hộ trúng thầu. Người dân nộp đầy đủ tiền lệ phí cấp đất ở và đóng góp xây dựng địa phương. UBND xã Hoằng Lộc cũng đã giao phiếu thu lệ phí và giấy chứng nhận mua đất.
Căn cứ theo Điều 24, Luật đất đai năm 1993 quy định: Thẩm quyền giao đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp như sau: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao đất cho các tổ chức; UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân.
 
Phiếu thu tiền các hộ dân của UBND xã Hoằng Lộc
Theo đó, việc UBND xã Hoằng Lộc bán đất vào thời điểm đó là trái với thẩm quyền quy định của pháp luật.
Còn tại Khoản 1, Điều 2, Luật đất đai năm 1993 quy định: Người sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Trong khi đó, với trường hợp của các hộ dân tại xã Hoằng Lộc, căn cứ trên hồ sơ có thể khẳng định việc người dân mua đất là hoàn toàn hợp pháp. Bởi lẽ việc mua đất của họ có phiếu thu với mức hơn 8 triệu đồng/lô đất ở, ngoài ra họ còn phải đóng góp 500.000đ/hộ cho UBND xã Hoằng Lộc với lí do xây dựng địa phương. Sau khi nộp đủ tiền vào ngân sách xã, bà con được giao biên bản bàn giao đất rất cụ thể đối với từng lô, thửa và có sơ đồ vẽ hiện trạng mặt bằng hẳn hoi. 
 
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, họ vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền và các ngành chức năng nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Xã sai vì bán đất trái thẩm quyền về chỉ giới giao thông. Nếu bà con muốn làm được sổ đỏ thì phải chấp nhận lùi vào 13,5m, tính từ tim đường”.
 
Khu vực nơi một số hộ dân đang ở hơn 20 năm nhưng vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ
Bà Nguyễn Thị Yến, thôn Đình Bảng, bức xúc: “Gia đình tôi mua đất từ năm 1991 với chiều dài 9m, tổng diện tích chỉ có 36m2. Đất vẫn nguyên trạng từ trước đến nay. Và đất gia đình tôi mua có giấy tờ hẳn hoi do UBND xã chứng nhận. Giờ yêu cầu chúng tôi lùi vào 13,5m mới cấp sổ đỏ thì còn đâu đất mà ở nữa. Người dân làm nhà kiên cố rồi, ai sẽ bồi thường đây?”.

Trách nhiệm không thuộc về ai?
Đem bức xúc của người dân trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lộc, ông Tài cho biết: “Đây là vấn đề do lịch sử để lại. Theo luật thì các hộ dân trên có đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ, việc người dân đòi hỏi là hoàn toàn chính đáng. Nhưng con đường này trước đây là con đường nhỏ, từ năm 2001 có quy hoạch thị tứ theo chủ trương của Nhà nước.
 
Theo đó thì đây là đường giao thông tỉnh lộ, yêu cầu chỉ giới giao thông là 13,5m tính từ tim đường. Không chỉ 29 hộ dân ở đây khiếu kiện, ở Hoằng Lộc hiện có tới hơn 70 hộ dân rơi vào tình cảnh tương tự. Hiện xã còn tới 524 hộ dân sống ổn định trên phần đất hàng chục năm nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Chúng tôi đã báo cáo lên Phòng TN&MT, hình như huyện đang xem xét giải quyết (!?)”.
Điều đáng nói ở đây là việc chính quyền địa phương bán đất trái thẩm quyền thời điểm từ năm 1989 đến năm 1992 và đã thu tiền trái phép, rồi dùng khoản tiền này tự ý sử dụng vào các mục đích riêng ở địa phương mà không báo cáo hay nộp về ngân sách của huyện.
Tuy nhiên, việc làm sai trái của chính quyền xã lại không được UBND huyện Hoằng Hóa phát hiện kịp thời để có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh. Mãi đến năm 2004, khi có dự án mở rộng con đường này thành tỉnh lộ thì mọi chuyện mới vỡ lở.
 
Các hộ dân bức xúc trình bày với PV
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Hữu Thanh, Trưởng Phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa cho biết: “Thời điểm đó, việc xã giao đất là trái thẩm quyền. Người dân cũng đã có ý kiến từ lâu. Việc chậm cấp sổ đỏ cho dân là do khối lượng công việc quá nhiều. Các hộ dân đang khiếu kiện ở Hoằng Lộc sẽ được cấp sổ đỏ theo hiện trạng đất do xã giao trước đây; tuy nhiên phải theo chỉ giới giao thông năm 2004 tại thời điểm huyện lập quy hoạch. Tiền bán đất trước đây xã không nộp về huyện. Đây là do công tác quản lý, nhận thức của cán bộ cơ sở chưa cao. Thu tiền để ỷ lại làm việc công”.
Khi đề cập đến trách nhiệm của những người liên quan trong vấn đề này thì ông Thanh cho biết, đây là do hệ quả của lịch sử để lại. Nói như vậy sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này? Và việc để người dân phải chịu cảnh "ở nhờ" trên chính mảnh đất của mình mấy chục năm nay vẫn chưa được các ngành chức năng quan tâm đúng mức.
Theo Dân Trí

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT