Quê hương biết mấy thân thương...
Cái nhìn "thành thị"?
Khi mua quần áo cho con, mặc dù đã vào cửa hàng có thương hiệu để có thể chọn cho con những món đồ vừa tốt, vừa xịn, nhưng vốn là người kĩ tính, chị khách hàng quen của cửa hàng bước vào, lựa chọn, nhấc lên rồi đặt xuống mãi mà chưa tìm được cái áo nào ưng ý. Cô bán hàng tên Vinh (Xuân Thủy – Cầu Giấy) thấy có rất nhiều cái đẹp mà chị vẫn không quyết định lấy cái nào, sốt ruột lên tiếng: “Em thấy nhiều cái cũng đẹp đấy chứ, chất lại mát, vậy mà chị chưa chọn được bộ nào sao?”.
Không để ý tới lời cô nói, vừa chọn chị khách hàng vừa thản nhiên buông lời: “Trông nhà quê chết đi được, cái này chỉ trẻ con ở quê mặc được thôi”. Dù rất chạnh lòng với lời nói của chị, nhưng chỉ là người đi làm thuê, lại không muốn mất khách nên Vinh không tư vấn thêm lời nào nữa. Cô đi ra chỗ khác, để kệ cho chị khách hàng tự chọn.
Cũng không ít các ông bố, bà mẹ vào dịp nghỉ hè không dám đưa con về quê lâu, vì sợ sau một thời gian sống ở nông thôn con họ sẽ không còn là công tử, quý cô mà trở thành đứa "nhà quê" chính hiệu. Dường như mang cái “mác nhà quê” cũng là có lỗi với nhiều người thành thị, nó được dùng như một sự miệt thị, chê bai và đôi khi khiến “người nhà quê” bị tổn thương.
Khi trở thành sinh viên, Ngọc (Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tâm sự: "Tôi háo hức ra Hà Nội với mong muốn được nhập vào “hàng ngũ” bạn bè mới, được học hỏi và mở rộng các mối quan hệ. Song điều tôi nghĩ không như thực tế, có một rào cản ngăn những mong muốn của tôi lại. Dù điều này không thể hiện rõ nét nhưng sau khi học được một thời gian, trong lớp hình thành các nhóm khác nhau và tôi nhận thấy rõ hơn. Một trong những nhóm đó là người thành phố, họ thường là con nhà giàu, sành điệu và luôn tỏ ra chơi trội hơn so với những người khác. Họ ít khi nói ra cái mà họ nghĩ là “đồ nhà quê” với các bạn trong lớp, nhưng thỉnh thoảng bình phẩm về thời trang, hay một ai đó trông “cũ người” một chút thì họ không tiếc lời “trông cái này nhà quê chết đi được”, “sao đứa kia trông quê đến thế kia chứ"…
Rồi kể cả cái tính thân thiện, đi ra ngoài gặp ai cũng chào của những người quê lên sống ở thành thị có khi cũng bị chê bai với thái độ khinh khỉnh “đúng là đồ nhà quê”. Và câu nói này cũng trở nên quen thuộc với không ít các teen thành thị bây giờ. Cội nguồn quê hương
Có một câu chuyện đại loại thế này:
Ngày kia, nhà tỷ phú nọ mang cậu con trai duy nhất về nơi thôn dã. với ý định để cho con tìm hiểu và so sánh với cuộc sống nghèo nàn của người dân quê. Hai cha con sống hai ngày tại một làng xóm xa xôi nơi mà người ta cho là có đời sống khó khăn. Sau khi trở về nhà, người cha hỏi:
- Con thấy cuộc đi chơi ra sao?
- Cuộc đi thích thú lắm. Người con trả lời.
- Con có thấy cuộc sống của người dân quê không?
- Dạ, có.
- Con nhận thấy gì trong cuộc sống của họ?- Con nhận thấy chúng ta chỉ có mỗi một con chó, mà họ thì có tới bốn con. Chúng ta chỉ có một hồ bơi nhỏ ở giữa vườn, còn họ thì có cả một nhánh sông chảy mút mùa. Chúng ta phải nhập cảng những chiếc đèn để treo trong vườn, mà họ thì không cần đến vì họ có đầy sao chiếu sáng lúc ban đêm. Chỗ chơi trước nhà, chúng ta chỉ có thể nhìn tới bức tường ở cổng trước mà thôi, còn họ có thể ngồi nhìn suốt tới tận chân trời. Chúng ta chỉ có một khoảng đất để sống quanh quẩn ở đó, còn họ có cả một khoảng đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Chúng ta phải có người ở để giúp việc chúng ta, còn họ thì không cần, họ tự lo lẫn cho nhau. Chúng ta phải bỏ tiền đi mua đồ ăn, còn họ trồng lấy và tự túc về thực phẩm. Nhà chúng ta phải có tường bao quanh để bảo vệ, còn họ thì không cần vì họ có những bạn tốt để đùm bọc lẫn nhau.
Một câu chuyện nói về nhận thức của cậu bé cũng đủ thấy rằng người nhà quê “giàu” hơn người thành phố, và trẻ con thường không biết nói dối, chúng biết nói lên những gì là thật, là thực tế mà đôi khi nhiều người lớn không nhận ra. Cũng như vậy, dù đã trở thành tỷ phú nhưng người cha vẫn đưa con về quê để tìm hiểu những giá trị cuộc sống. Thế mới biết “nhà quê” mới là cội nguồn, là cái nôi sinh ra thành thị - nơi mà nhiều người vẫn đang “tự hào” sống.
Phải chăng chỉ có cái nhìn thiển cận, chỉ có vốn sống nghèo nàn thì người ta mới “dành” cái nhìn khắc nghiệt và thiếu hòa nhã với người nhà quê, nơi mà có khi ở đó người thân, “gốc rễ” của họ đang sinh sống.
Huyền Minh
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT