Khi cuộc chiến giữa phe nổi dậy Libya được hậu thuẫn bởi NATO và quân của Tổng thống Muammar Gaddafi đang ở thời điểm nóng bỏng nhất, quyết liệt nhất, người ta bắt đầu chú ý đến so sánh sức mạnh giữa hai lực lượng này.

Liên quân phương Tây gồm một loạt các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Italia… bắt đầu phát động chiến dịch tấn công vào Libya từ hôm 19/3. Vốn là những nước mạnh về quân sự nên những vũ khí mà liên quân tung vào chiến trường Libya đều là những vũ khí hiện đại, tối tân.

Tham gia trận chiến ở Libya từ những ngày đầu tiên, Mỹ đã bắn hàng trăm tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu của lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi, phá huỷ  nhiều hệ thống phòng không và gây tổn hại lớn cho lực lượng Không quân ở đất nước Bắc Phi. Tomahawk là loại tên lửa có thể được phóng đi từ cả tàu ngầm và tàu nổi..

Tên lửa hành trình Tomahawk, trị giá lên tới 1 triệu USD/1 quả, có khả năng di chuyển trên một quãng đường 1.400km, tự định vị mục tiêu trên hành trình và có thể đảo vòng phía trên mục tiêu trong hơn hai giờ đồng hồ trước khi tiêu diệt. Với những tính năng như vậy, tên lửa Tomahawk là một vũ khí hiệu quả để phá hủy hệ thống phòng ngự của đối phương nhằm dọn đường cho bộ binh. Tên lửa Tomahawk được đánh giá là loại vũ khí có độ chính xác trong tấn công cực kỳ cao và thích hợp để sử dụng cho việc phá huỷ các mục tiêu có giá trị, được bảo vệ chặt chẽ.

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa Tomahawk trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Với hiệu quả chiến đấu cao, tên lửa Tomahawk đã đóng vai trò quan trọng trong một loạt chiến dịch quân sự sau đó của Mỹ.

Pháp là nước đầu tiên xung trận ở Libya và loại vũ khí quan trọng nhất mà nước này triển khai ở đất nước Bắc Phi chính là những chiếc máy bay chiến đấu đa năng Rafale và Mirage 2000.

Chiến đấu cơ đa năng Rafale có hai động cơ và có dạng hình tam giác. Loại máy bay này có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ tầm ngắn và tầm xa, bao gồm nhiệm vụ tấn công cả trên biển và trên mặt đất với độ chính xác cao, nhiệm vụ phòng không, răn đe hạt nhân và do thám.

Trong khi đó, những chiếc Mirage 2000 có nhiệm vụ chính là đánh chặn và giành ưu thế trên không. Cũng giống như Rafale, Mirage 2000 là máy bay chiến đấu đa năng. Loại máy bay này là “hậu duệ” của những chiếc Mirage III nổi tiếng những năm 1960. Với thiết bị tinh vi và hiện đại, Mirage 2000 có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.

Ngoài hai loại máy bay chiến đấu trên, Pháp còn tung vào chiến trường Libya tàu sân bay Charles de Gaulle. Đây là con tàu chỉ huy của Hải quân Pháp và là tàu sân bay lớn thứ hai Châu Âu. Tàu Charles de Gaulle dẫn theo một nhóm chiến đấu gồm 3 tàu khu trục nhỏ, một tàu tiếp nhiên liệu và một tàu ngầm tấn công.

Trong lần ra quân này, tàu sân bay Charles de Gaulle còn mang theo hơn 20 máy bay chiến đấu gồm Mirage, Super Etendard, HawkEye…
 
 Ảnh minh họa
 Một chiếc máy bay chiến đấu Tornado của Anh.

Về phía Anh, với mong muốn đánh nhanh thắng nhanh, nước này cũng triển khai những loại vũ khí chủ lực của mình đến Libya. Một trong những vũ khí đáng chú ý nhất trong số này là chiến đấu cơ Typhoon. Đây là loại máy bay có tốc độ cực nhanh nên nó có thể được sử dụng hiệu quả vào các cuộc đối đầu không đối không nếu Không quân Libya cố tình vi phạm lệnh cấm bay.

Typhoon sở hữu công nghệ tàng hình và hệ thống vũ khí đa dạng bao gồm từ các loại tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung đến nhiều loại vũ khí đất đối không khác nhau.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những chiếc máy bay chiến đấu Tornado. Đây là một trong những trụ cột của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh kể từ khi nó được đưa vào phục vụ năm 1980. Những chiếc chiến đấu cơ Tornado thường được sử dụng để tấn công các máy bay đối phương và loại vũ khí này có thể đóng vai trò chính trong màn đánh phủ đầu để tiêu diệt các hệ thống tên lửa đất đối không của Libya.

Những loại vũ khí của Tornado như tên lửa hành trình Storm Shadow giúp chiến đấu cơ này có thể đánh trúng các mục tiêu ở khoảng cách khá xa. Tornado còn được trang bị các tên lửa Brimstone, một loại vũ khí xuyên giáp hiệu quả, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát chiến thuật cả ngày lẫn đêm.

Mới đây nhất, Mỹ đã tung vào Libya những chiếc máy bay không người lái Predator nổi tiếng của họ. Những chiếc Predator được ví là sát thủ bầu trời hầu như không bị phát hiện và có thể mang theo những loại vũ khí có sức mạnh lớn. Predator có thể thực hiện những cuộc tấn công chính xác vào kẻ thù ở tầm thấp trong khi giúp giảm thương vong cho các binh sĩ.

Trên đây chỉ là bức tranh tóm tắt nhất về một số những vũ khí nổi trội nhất, hiện đại nhất mà liên minh các cường quốc đem vào Libya để chống lại quân của ông Gaddafi. Qua bức tranh này, chúng ta có thể thấy được phần nào sức mạnh của lực lượng liên quân. Vậy đối thủ của liên quân hùng mạnh trên có sức mạnh thế nào?

Sức mạnh của quân chính phủ Libya
Rõ ràng, so sánh với sức mạnh quân sự của những cường quốc hàng đầu như Anh, Mỹ, Pháp, quân đội của Libya chắc chắn tụt hậu rất xa cả về con số và chất lượng.

Libya bắt đầu thiết lập Quân đội Hoàng gia sau khi giành được độc lập hồi tháng 12 năm 1951. Sau đó, nước này tiếp tục thành lập Hải quân và Không quân lần lượt vào năm 1962 và 1963.

Kể từ đầu những năm 1980, tất cả người Libya dù nam hay nữ đều phải trải qua một đợt huấn luyện về quân sự miễn là họ đủ tuổi và đủ sức khoẻ. Tuy nhiên, đến năm 1988, Tổng thống Gaddafi đã ra lệnh bãi bỏ luật này, thay vào đó là thành lập đội Dân quân và chia đất nước thành nhiều quân khu với các binh lính địa phương. Vào tháng 9 năm 1989, Libya đã thành lập Uỷ ban Quốc phòng, tương đương với Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Libya.
 
 Ảnh minh họa
 Nhiều xe tăng của quân chính phủ Libya đã bị máy bay NATO phá huỷ trong các cuộc không kích.

Ông Gaddafi, người lên cầm quyền từ năm 1969, đã trở thành Chỉ huy tối cao lực lượng vũ trang Libya gồm 65.000 quân nhân và 50.000 thành viên lực lượng bán quân sự. Vũ khí của quân đội Libya chủ yếu là có từ thời Liên Xô.

Lực lượng bộ binh Libya gồm 35.000 quân với 2.950 xe tăng; 2.160 xe bọc thép và 1.690 khẩu súng đại bác. Hải quân bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển gồm 8.000 quân và được trang bị một số tàu  ngầm, tàu khu trục và máy bay trực thăng.

Trong khi đó, Không quân, bao gồm cả các đơn vị phòng không, có 513 máy bay chiến đấu, 54 máy bay quân sự và 89 máy bay đào tạo. Trong số các máy bay chiến đấu có máy bay ném bom, chiến đấu cơ và máy bay do thám, vận tải.

Vào những năm 1990, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya khiến cho sức mạnh quân sự của nước này bị suy yếu nghiêm trọng. Sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ năm 1999, Libya mới bắt đầu tái trang bị lại vũ khí cho quân đội.

Do lệnh cấm vận vũ khí được áp dụng ở Libya quá lâu và cũng do thiếu các hoạt động bảo dưỡng định kỳ cần thiết, các thiết bị quân sự của Libya không đáng tin cậy, thậm chí một số loại còn không sử dụng được.

Tóm lại, liên quân phương Tây đang có ưu thế vượt trội về sức mạnh quân sự so với Libya. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phương Tây sẽ dễ dàng đánh bại được Libya. Điều đó đã được chứng minh trên thực tế tình hình chiến trường hiện nay ở đất nước Bắc Phi.

Theo Vnmedia

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT