‘Cá mập’ nhà đất xin viện trợ
Sau tuyên bố thua lỗ nặng trong quý I/2011, Tập đoàn cho vay thế chấp nhà lớn nhất nước Mỹ Fannie Mae lại phải cầu cứu Chính phủ khoản tiền cứu trợ 8,5 tỷ USD.
Với khoản đề nghị cứu trợ trên, tổng số tiền mà tập đoàn ngân hàng này vay Chính phủ Mỹ từ tháng 9/2008 lên tới 99,7 tỷ USD. Đây là gói cứu trợ lớn nhất của Chính phủ đối với một công ty.
Báo cáo tài chính của tập đoàn công bố ngày 6/5 cho biết, trong ba tháng đầu năm nay, Fannie Mae lỗ 8,7 tỷ USD. Theo Fannie Mae, nguyên nhân thua lỗ là do giá nhà giảm 1,8% trong ba tháng đầu năm khiến số nhà bị tịch thu tăng lên khi nhiều chủ nhà vay tiền thế chấp để mua nhà, nhưng phải bỏ nhà khi giá bán không bằng số tiền vay thế chấp. |
Hai năm trôi qua kể từ khi nhận tiền cứu trợ từ Chính phủ, hoạt động kinh doanh của Fannie Mae vẫn không khá hơn và một lần nữa phải kêu cứu. |
Từ khi được Chính phủ thành lập lần lượt vào các năm 1938 (Fannie Mae) và 1970 (Freddie Mac) đến nay, hai ngân hàng thế chấp nhà đất này tạo điều kiện cho hàng triệu người Mỹ có mức thu nhập trung bình và thấp vay tiền mua nhà với lãi suất hợp lý. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ xảy ra, Fannie Mae và Freddie Mac bơm 5.900 tỷ USD, tức khoảng 3/4 tổng vốn cho vay trên thị trường cầm cố nhà đất. |
Như vậy, trong khi Mỹ đang cõng một khoản nợ công vượt ngưỡng 14.000 tỷ USD thì việc tiếp tục cứu trợ cho hai “đại gia” nhà đất này là một thách thức không nhỏ.
‘Gã khổng lồ’ xe hơi phó thác số mệnh
Rơi vào tình cảnh chung với Fannie Mae và Freddie Mac, Tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Mỹ General Motors (GM) cũng phải “gửi gắm” số phận của mình cho Chính phủ.
Trước tình hình hiệu quả kinh doanh xuống dốc, ban lãnh đạo GM lập một bản kế hoạch tái cơ cấu với đề nghị cứu trợ lên tới 30 tỷ USD. Tuy nhiên, do nhận thấy sự thiếu khả thi của kế hoạch này, Chính phủ Mỹ quyết định bác đề nghị trên và giải cứu kiểu “nhỏ giọt”.
“Gã khổng lồ” GM được Chính phủ Mỹ không ít lần “giang tay cứu giúp”. |
Suốt hơn một thế kỷ, tập đoàn sản xuất ô tô General Motors là “một phần của sức mạnh Mỹ”. Trong suốt quá trình ra đời và trưởng thành, GM tiêu biểu cho một nền công nghiệp được coi là trái tim của sức mạnh kinh tế Mỹ. Nó tạo ra nhiều việc làm trình độ cao và thu nhập tốt, đồng thời cung cấp các sản phẩm đặc trưng của đất nước cho người Mỹ. Cùng với Chrysler, GM là trụ cột thứ 2 trong ngành sản xuất ô tô Mỹ không thể tồn tại trước sự khắc nghiệt của thương trường. |
Ngân hàng lớn nhất Mỹ ‘hết hơi’
Trước GM không lâu, Chính phủ Mỹ cũng phải giang tay cứu giúp “đại gia” ngân hàng của nước này – Bank of America. Ngày 24/1/2009, Chính phủ Mỹ thông qua kế hoạch hỗ trợ 20 tỷ USD cho Bank of America, đồng thời còn đảm bảo 98,2 tỷ USD tài sản có vấn đề cho ngân hàng này.
Bank of America cũng phải nhờ đến khoản viện trợ của Chính phủ để “xốc” lại hoạt động kinh doanh. |
Bank of America trước đó lên tiếng yêu cầu Chính phủ trợ giúp khoản thua lỗ từ thương vụ với Merrill Lynch sau khi nhận biết giá trị tài sản của Merrill trong quý 4 giảm xuống chỉ còn 15-20 tỷ USD. |
Tuy nhiên, đổi lại sự ủng hộ này, Bank of America sẽ trao thêm cho Chính phủ một lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá bốn tỷ USD, nâng tổng giá trị cổ phiếu thuộc sở hữu của Chính phủ Mỹ lên 45 tỷ USD. Chính phủ Mỹ trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng này, nắm giữ 6% cổ phần. Ngoài ra, ngân hàng phải đồng ý giảm cổ tức hàng quý và giảm lương của các vị trí điều hành.
‘Đại gia’ ngân hàng khác kêu cứu
Danh sách các tập đoàn lớn của Mỹ làm ăn thua lỗ và phải “xin tiền” Chính phủ được nối dài bằng cuộc giải cứu của chính quyền Obama với ngân hàng lớn thứ 3 của Mỹ - Citigroup.
Theo quyết định công bố ngày 24/11/2008, Chính phủ Mỹ sẽ bảo lãnh cho lượng nợ xấu địa ốc và các tài sản “độc hại” khác với tổng trị giá 306 tỷ USD của Citigroup, đồng thời “bơm” thêm 20 tỷ USD cho ngân hàng này.
Nhờ có gói cứu trợ 20 tỷ USD của Chính phủ mà Citigroup thoát hiểm. |
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng có được lượng chứng quyền trị giá 2,7 tỷ USD để mua cổ phiếu của Citigroup trong tương lai.
Citigroup từng là đế chế tài chính mạnh nhất tại Mỹ với tài sản 2.000 tỷ USD và là tập đoàn ngân hàng có mạng lưới dịch vụ lớn nhất thế giới - tại trên 100 nước. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, giá trị vốn hóa thị trường của Citigroup ở thời điểm được giải cứu chỉ còn có 20 tỷ USD. |
‘Ông lớn’ bảo hiểm được giải vây
Trong số các cuộc giải cứu của Chính phủ Mỹ đối với các “ông lớn”, có lẽ gói cứu trợ tập đoàn bảo hiểm AIG để lại dấu ấn nhất.
Trước sự ra đi của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, đánh dấu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và làm giá cổ phiếu rơi tự do trên các thị trường tài chính thế giới, giới chức Mỹ hết sức bối rối. Ngay lúc đó, thông tin thua lỗ của AIG được tung ra. Dường như mường tượng được ra viễn cảnh đổ vỡ hệ thống tài chính toàn cầu, giới lãnh đạo Mỹ đưa ra một quyết định lịch sử, đó là can thiệp để cứu AIG.
AIG là “ông lớn” đầu tiên được Chính phủ Mỹ giải cứu. |
AIG là công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, với hơn 100.000 nhân viên trên toàn cầu, hoạt động ở 130 nước. Tài sản của họ khoảng hơn 1.000 tỷ USD - một phần ba trong đó là tại châu Âu. Đây cũng là một trong những công ty nước ngoài lớn nhất kinh doanh ở Trung Quốc. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là bảo hiểm, nhưng không phải chỉ là bảo hiểm gia đình, mà công ty còn làm cho các doanh nghiệp lớn, và quan trọng nhất là ngân hàng. |
Theo DVO
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT