Sự thật đầu tiên cần phải nhắc đến với bất kỳ bộ phim nào cũng cần đến kịch bản hay hoặc ít nhất là có cấu trúc chắc chắn.
Vai trò của các nhà biên kịch ở ta khá mờ nhạt. Phần họ nhạt sẵn, nhạt sẵn bởi bất kỳ ai giờ đây nếu muốn đều có thể bắt tay vào viết kịch bản phim truyền hình mà không cần biết mình đủ năng lực và có hiểu biết về điện ảnh hay không. Hầu hết, nếu chẳng muốn nói là tất cả lực lượng biên kịch ở ta hiện nay là dân tay ngang, khá tý thì “chuyển ngạch” từ giới sáng tác văn học (làm thơ, viết văn), làm báo.
Bạn chớ ngạc nhiên nếu ngày nào đó một bà chuyên buôn lê táo Bắc Nam vỗ ngực bảo mình làm biên kịch bởi chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra. Ngay tại TPHCM, nơi được xem là mỗi năm sản xuất hàng nghìn tập phim thì tìm mỏi mắt cũng khó ra được một biên kịch đúng nghĩa (có kỹ năng viết lách, tư duy điện ảnh và được đào tạo hẳn hòi).
Dù chủ trương tăng phim nội lên sóng đã có từ rất lâu nhưng công tác đào tạo biên kịch, những người làm “bột” cho phim hiếm khi nào được nhắc tới. Năm thì mười họa mới thấy một trung tâm nào đó mở ra khóa biên kịch nhưng đó chỉ là khi họ có hứng còn khi hết hứng thì chịu. Hiện nay, lực lượng biên kịch tạm cho là chuyên nghiệp (bởi ít nhiều có đào tạo) được cung cấp từ hai cái lò: Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và các khóa học ngắn hạn do quỹ Ford kết hợp với trường ĐH KHXH-NV nhưng, số lượng biên kịch ra trường hàng năm chẳng bõ bèn gì với một thị trường phim đang mỗi ngày một sầm uất.
Chưa kể, rất nhiều trong số ấy bỏ nghề. Lý do bỏ nghề thì nhiều vô kể trong đó có phần lớn là bởi họ không sống được với nghề và cảm thấy mồ hôi của mình không được các nhà sản xuất tôn trọng. Các nhà sản xuất có thể bỏ ra vài chục triệu thậm chí vài trăm triệu chỉ để mời cho bằng được một chân dài nào đó lướt qua màn hình nhưng với kịch bản họ chỉ chịu mua với giá rất rẻ. Rẻ đến ngỡ ngàng khi có những biên kịch thú nhận, họ chỉ nhận được trên dưới 1 triệu cho một tập phim (45 trang).
Ấy là phải “sáng tạo” mới có giá ấy còn nếu “chuyển ngữ” từ kịch bản nước ngoài có người chỉ nhận được năm trăm ngàn cho một tập kịch bản. Lắm khi xúi, họ bị nhà sản xuất chây ì, dây dưa thậm chí quỵt tiền mà chẳng dám kêu ai vì sợ mất chỗ làm ăn. Thực tế đó làm cho công tác sản xuất phim truyền hình ở ta thiếu và yếu kịch bản trầm trọng. Không ít các đạo diễn khi cầm kịch bản trên tay chẳng biết mình sẽ bắt đầu vào phim bằng cách nào vì biên kịch “đánh đố” trong các trang viết.
Kịch bản đã thế, đến khâu casting phim lắm khi còn thê thảm hơn. Bà bầu kiêm diễn viên sân khấu Cát Tường có lần chia sẻ đại ý, chị vỡ mộng khi bắt đầu khởi nghiệp điện ảnh. Chị bảo ngày ấy chị hẳn còn trong sáng và rất lãng mạn khi bước vào nghề nhưng khi vừa nhập cuộc thì vớ phải yêu râu xanh - những đạo diễn mà nhẽ ra chị gọi họ bằng thầy. Từ đó mà Cát Tường bất mãn sớm và thiếu niềm tin với nghề.
Thực ra, chẳng ai biết yêu râu xanh ở ta có lắm không nhưng hầu hết diễn viên trẻ hiện nay đều chuẩn bị cho mình tư thế phòng vệ. Họ phòng vệ những tin nhắn, những lời mời casting ở… khách sạn, nhà nghỉ hay thậm chí là ở các spa. Diễn viên Thanh Vân (Ốc Thanh Vân) có lần chia sẻ rằng chị rất đề phòng các đạo diễn mời đến giao vai ở nhà riêng hay khách sạn. Không chỉ các diễn viên nữ mà ngay cả các diễn viên nam (thường được xem chẳng có gì để mất) cũng bị ám ảnh bởi các đạo diễn đồng tính gạ tình lấy vai diễn.
Diễn viên trẻ QT cho biết anh từng nhận được những lời mời đóng phim của một vị đạo diễn với điều kiện phải “đánh đổi” thể xác. Một ví dụ khác như một số diễn viên nam “tố” một diễn viên hài nổi tiếng vì ngoại hình to béo với PV Thể Thao rằng, anh này đã kéo họ về nhà, bật phim sex lên rồi tính chuyện giao vai. Nhóm diễn viên này tá hỏa bỏ chạy thì diễn viên này nói với theo một cách trơ trẽn rằng: “Hãy suy nghĩ kỹ rồi gọi điện cho anh”. Hậu trường điện ảnh Việt Nam không hiếm những chuyện như thế. Nếu không phải là “tình” thì là tiền. Chuyện các diễn viên, quay phim, ánh sáng, hóa trang… thậm chí cả đạo diễn bị các nhà sản xuất thiếu tôn trọng, xử ép, quỵt tiền là chuyện diễn ra thường xuyên như cơm bữa, phía sau những thước phim tưởng chừng như lấp lánh. Nói trắng phớ, đằng sau những gì mà công chúng nhìn thấy trên màn ảnh là những nhớp nháp của những nhà làm phim hiện nay.
Với một thực tế diễn ra như thế thì cơ sở nào để các nhà sản xuất ở ta tôn trọng khán giả nếu chẳng muốn nói họ xem khán giả như một miếng mồi để mua bán quảng cáo mà thôi. Thế nên, khán giả của điện ảnh chớ vội mừng khi Anh chàng vượt thời gian nào đấy bị túm cổ bởi đó chỉ như một hòn đá ném xuống ao bèo và chuyện khán giả được các nhà sản xuất ở ta tôn trọng chỉ có trong những thước phim khoa học viễn tưởng.
Theo Thể Thao TP.HCM
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT