Hai anh em Hiển và Hùng đang là những nông dân “không đất” trên chính mảnh đất ngày xưa mà cha, mẹ của hai anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ.

Cha mẹ đều là liệt sĩ, từ nhỏ Bảy Hiển đã được đưa ra Hà Nội học, sau đó đi học ở Liên Xô, Tiệp Khắc, Đông Đức. Thế nhưng “hạt giống đỏ” Lâm Văn Hiển và nhiều người thân của anh đã không thể phát huy được năng lực cá nhân và truyền thống gia đình...
Hiện nay, anh Hiển và các chị em của anh không có ai theo nghiệp chính trị hay con đường binh nghiệp như cha mẹ đã chọn. Cô con gái lớn nhất là Lâm Thị Bé (Bé Ba) - một trong các nhân vật chính trong Người mẹ cầm súng, là người thành đạt nhất trong gia đình. Từng công tác tại Quân y viện 121, giờ chị là bà chủ khách sạn có tiếng ở TP.Vĩnh Long. Ngoài ra, chị Bé Ba còn có sà lan chở cát đường sông.
Anh Hiển bên mớ đơn đi xin cấp giấy đỏ.
Cô em kế Lâm Thị Mỹ Thanh sống ở TP.Trà Vinh, kinh doanh buôn bán. Cô Lâm Thị Kim Anh sinh sống ở Hòa Ân - Cầu Kè - quê nội. Trước đây, Kim Anh từng công tác ở Hội Phụ nữ huyện Cầu Kè. Cô em út Lâm Thị Xuân Hồng hiện vẫn sống tại xã Tam Ngãi, trong một căn nhà nhỏ nhìn ra bờ sông.
Hai người chật vật với cuộc mưu sinh là hai anh em trai Hiển - Hùng. Nhà trọ mà anh Hiển đang kinh doanh chỉ có khách vào dịp lễ hội, còn quán giải khát thì mấy năm nay không kinh doanh gì được do đường đang thi công, bụi mù trời nên chẳng khách nào dám ghé.
Theo anh Hiển, ngoài thu nhập ba cọc ba đồng từ dãy nhà trọ, anh còn đi thu mua cây kiểng rồi bán lại để kiếm thêm thu nhập. “Miếng đất mà gia đình tui đang ở không có tờ giấy lận lưng nên muốn làm ăn việc gì cũng khó. Ngay cả dãy nhà trọ mà chị Bé Ba cho tiền xây cất, tui cũng không biết sẽ bị phá dỡ vào lúc nào vì xây dựng không phép và trên đất mà địa phương nói là của họ” - anh Hiển cười buồn.
Vợ chồng anh Hùng có hơn sào đất trồng bưởi, cam, nuôi cá nhưng không đủ sống. Anh Hùng phải chạy thêm xe ôm, còn vợ thì đưa đò để kiếm thêm thu nhập. Nếu như ngày xưa, Bé Ba thay mẹ ẵm bồng các em, rồi còn đi giao liên thì ngày nay, cũng chính Bé Ba là người “đỡ đầu” cho các em và cháu là con của Hiển, Hùng, Kim Anh làm việc tại Vĩnh Long.
Do cuộc sống khó khăn nên con của anh Hiển và Hùng đều không được học hành đến nơi đến chốn. Hiện nay, 3 đứa con lớn của anh Hiển đều đã nghỉ học, đứa làm cho chị Bé Ba, đứa ở nhà làm nông. Còn con anh Hùng, nghỉ học từ năm lớp 8, đang học nghề ở tận Cần Thơ.
Hạt giống không thành cây
Trong tác phẩm Người mẹ cầm súng, nhiều bạn đọc rất muốn một cái kết có hậu cho các con của chị Út Tịch - nhất là đối với nhân vật đặc biệt dễ thương “Hiển ngọng”. Hiển được ra miền Bắc đi học từ năm lên 10 tuổi (1970).
“Hồi đó còn thiếu thốn, nhiều học sinh rất ngán việc ăn độn bo bo, khoai lang trong khẩu phần ở trường. Thế nhưng đối với đứa trẻ hiếm khi có được bữa no như tui thì đó là những bữa ăn ngon nhất. Học xong sơ cấp rồi trung cấp chính trị, chị em tui lại được đưa đi nước ngoài học tiếp cho đến ngày giải phóng thì về” - anh Hiển kể.
Theo lời anh Hiển, hồi còn ở Cầu Kè anh không được học hành gì nên mãi 10 tuổi, ra Bắc mới được học lớp 1. Chiến tranh ác liệt, di chuyển liên miên, có khi 1 tháng học chỉ được 2 buổi, có khi 1 năm phải học 3 - 4 lớp nên kiến thức của Hiển cứ vụn vặt, chắp vá. Anh rời miền Bắc đi “du học” khi có trình độ lớp 6.
Từ Liên Xô trở về, anh tiếp tục học ở Cần Thơ đến hết lớp 8, rồi về Tiền Giang học tới lớp 10… Làm việc không ổn định ở cơ quan nào nên anh Hiển cũng không được cất nhắc, đề bạt.
“Bạn bè học cùng với tui ngày xưa ở Trường Học sinh miền Nam giờ hầu hết đều là cán bộ chủ chốt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Năm nào cũng họp mặt, tui là người nghèo nhất nhì trong nhóm. Gặp lại bạn cũ, đứa giàu giúp cho đứa nghèo, ăn với nhau bữa cơm, nhậu với nhau một bữa ôn lại chuyện cũ rồi lại chia tay…” - anh Hiển kể.
Theo lời Hiển, có lẽ anh không có số thăng tiến nên công việc cứ lận đà lận đận cho tới ngày anh nghỉ việc. Năm 2000, khi đang là Phó Công an thị trấn Cầu Kè, Hiển bị tai nạn giao thông suýt chết. Lần đó, anh và nhóm bạn tổng cộng 9 người sau khi cưa hết lít rượu đế chưa đủ đô nên kéo nhau đi uống bia. Trên đường đi gặp trời dông, anh phóng khá nhanh lấn sang phần đường bên kia và tông phải một người đi ngược chiều.
“Tui thì lấn tuyến, còn anh kia thì xỉn mà xe không có đèn nên cuối cùng không ai đền ai, thân ai nấy lo, xe ai nấy sửa” - anh Hiển nói.
Chị Út Tịch tên thật là Nguyễn Thị Út - sinh ngày 19.4.1931, tại xã Tam Ngãi, quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Năm 1950, chị lập gia đình với anh du kích Lâm Văn Tịch - người Khmer. Chị Út Tịch trở thành Anh hùng Lực lượng Vũ trang giải phóng miền Nam. Chị tham gia 23 trận đánh lớn nhỏ, góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt và làm tan rã trên 200 tên giặc, thu 70 súng...
Sau hơn 2 tháng xuất viện trở về nhà, chán quá không biết làm gì, anh Hiển chuyển sang... nhậu để giết thời gian. Rượu cứ kéo chìm anh xuống, có ngày anh nốc vô bao tử cỡ... lít rưỡi nên sức khỏe yếu dần. “Tui nhậu tới mức các anh lãnh đạo địa phương sợ tui chết, phải xuống nhà... vận động cho tui bớt nhậu” - anh Hiển cười nhớ lại.
Hiện nay, hai anh em Hiển và Hùng đang là những nông dân “không đất” trên chính mảnh đất ngày xưa mà cha, mẹ của hai anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ. Đã có dự án xây dựng Khu tưởng niệm chiến tích oai hùng của nữ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Út và Đảng bộ nhân dân xã Tam Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. Dự án với tổng vốn hàng chục tỷ đồng này dự kiến xây dựng trên diện tích 1,4 ha, ngay nền ngôi nhà cũ của chị. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn đang nằm trên giấy.

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT