Dòng sông Volga đẹp kỳ vĩ, đi vào ký ức của nhân loại qua biết bao bài thơ, bài hát, giờ đã nhuốm màu tang tóc khi chiếc thuyền du lịch chở 205 hành khách bị chìm. Bài viết của nhà báo Nga Elena Zubsova dành riêng cho Dân Việt.

Từ giữa tháng Sáu, tất cả các bản tin trên các phương tiện truyền thông Nga đã dày đặc với các bản tin tai nạn và thiên tai khác nhau, đã giết chết và làm bị thương hàng chục người.
Điều không tránh khỏi
Trong đó, vụ tai nạn ngày 20.6 khi chiếc máy bay Tu-134 bị rơi xuống đất gần khu vực Petrozavodsk, ngay trước khi hạ cánh đã khiến 47 người thiệt mạng. Nhưng vụ chìm tàu trên sông Volga ngày 10.7 mới thực sự là một thảm kịch, làm rung chuyển toàn nước Nga.
Dòng sông Volga đẹp kỳ vĩ, đi vào ký ức của nhân loại qua biết bao bài thơ, bài hát, giờ đã nhuốm màu tang tóc khi chiếc thuyền du lịch Bulgaria chở 205 hành khách bị chìm khi chỉ cách bờ 3km. Khoảng một nửa trong số hành khách này là trẻ em và chỉ 79 người trong số họ may mắn được cứu sống.
Lực lượng cứu hộ cứu nạn Nga rất tích cực tìm kiếm, nhưng cơ hội sống sót của các du khách đã không còn.
Tàu Bulgaria được đóng từ năm 1955 ở Tiệp Khắc, thường dùng chở khách du lịch và khách hành hương từ TP.Bolgar ở Kazan. Đối với nhiều người dân ở TP.Volga, đi thuyền du lịch trên sông 2- 3 ngày thường được họ lựa chọn như một hình thức giải trí vì giá cả phải chăng.
Ngoài ra, mùa hè là thời điểm những đứa trẻ được nghỉ học, và các ông bố, bà mẹ luôn nghĩ cách để con mình được đi đâu đó thư dãn, không phải hít thở không khí ô nhiễm của đô thị và có gì tốt hơn việc đi du lịch trên dòng Volga? Đó cũng là lý do trên con tàu Bulgaria lúc gặp nạn có rất nhiều trẻ em.
Khi thảm kịch xảy ra, tất cả các đơn vị tham gia tổ chức các tour du lịch trên sông Volga đã tìm cách trốn tránh trách nhiệm. Chủ của con tàu đã hoạt động trong hơn nửa thế kỷ này cho rằng, con tàu đang trong tình trạng tốt và gần đây đã trải qua một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng.
Nhưng nhiều nhân chứng đã khẳng định ngược lại. Con tàu này trong những năm gần đây thường xuyên gặp sự cố và cập bến chậm trễ. Tuy nhiên, điều này đã không khiến các công ty du lịch và chủ tàu mảy may suy nghĩ rằng cần phải ngừng các chuyến đi để tu sửa con tàu. Một điều rất rõ ràng ở đây rằng, lợi nhuận đã được đặt cao hơn sự an toàn tính mạng của hành khách.
Ngoài ra, vô số các hoạt động sai quy tắc xuất hiện trên con tàu Bulgaria như thủy thủ chỉ đi dép lê, không được trang bị quần áo chuyên dụng; tổng cộng hơn 200 hành khách trong mỗi chuyến đi, song chỉ có 2 chiếc thuyền cứu hộ nhỏ và quan trọng nhất là không có ai hướng dẫn hành khách đến vị trí cất giữ của những chiếc áo phao, cũng như các biện pháp an toàn trên mặt nước.
Vì vậy, khi con tàu bắt đầu chìm (và chìm rất nhanh chỉ trong vòng 3 phút), nhiều hành khách ngỡ ngàng không hiểu điều gì đã xảy ra, họ không nhận được bất kỳ thông báo nào từ bộ phận điều hành tàu vì máy phát điện trên tàu đã bị hỏng. Hành khách cuống cuồng, không còn đủ thời gian để lấy áo phao và chỉ cảm nhận được sự hiểm nguy từ trực giác trước khi quyết định nhảy ra khỏi boong tàu.
Tan vỡ hy vọng cuối
Bức tranh màu xám khủng khiếp nhất của vụ tai nạn này là khi đội cứu hộ lặn sâu xuống dòng Volga, họ đã phát hiện thấy gần 50 thi thể trẻ em nằm mắc kẹt trong boong tàu. Một vài phút trước khi thảm họa xảy ra, những em bé này đang tham dự một bữa tiệc âm nhạc. Vậy là thay vì được vui chơi, nhảy múa những điệu nhạc dân tộc, thì các em đã chết mắc kẹt ở trong boong tàu.
Hình ảnh thương tâm của những em bé này đã làm cho ngay cả những người cứu hộ vốn từng chứng kiến nhiều cái chết khác cũng cảm thấy buốt lòng. Một vài người đã phải nhờ đến sự trợ giúp của các nhà tâm lý vì bị sốc vì những gì họ nhìn thấy.
Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga đã làm việc hết công suất trong những ngày qua, trong đó, trợ giúp về tâm lý là việc cần thiết nhất hiện nay đối với những người sống sót và những gia đình đã mất đi người thân.
Những người may mắn sống sót bước đầu đã thoát ra khỏi nỗi ám ảnh về cái chết, trong khi đó, những người mất đi người thân yêu mỗi ngày vẫn đến bên bờ sông Volga, mang theo niềm hy vọng về một phép màu sẽ đến với người thân của họ đang còn ở đâu đó trong dòng nước lạnh giá hay may mắn thoát ra được ở một nơi nào đó vùng hạ nguồn. Nhưng ngày cứ đi qua đã cuốn trôi những niềm hy vọng cuối cùng, phép lạ đã không xảy ra và đội cứu hộ cũng đã thông báo cơ hội tìm thấy sự sống dưới dòng sông hầu như không còn.
Nỗi đau không gì bù đắp
Sau vụ đắm tàu trên sông Volga, chính quyền địa phương và chính quyền liên bang đã bắt đầu đợt tổng kiểm tra số lượng tàu thuyền tham gia giao thông trên sông nước. Hai con tàu tương tự như tàu Bulgaria cũng được đóng tại Tiệp Khắc năm 1955, đã buộc phải dừng ngay các tour du lịch để kiểm tra độ an toàn. Văn phòng Công tố Liên bang cũng đã khởi tố hình sự đối với vụ đắm tàu này và bắt giữ một số người có liên quan.
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều yếu tố dẫn đến thảm họa này, trong đó như chất lượng tàu kém, tàu cũ, thủy thủ đoàn sơ suất, thời tiết xấu... Tuy nhiên, vấn đề sâu xa hơn thế nhiều! Bao trùm lên tất cả những yếu tố khách quan nói trên là trách nhiệm của con người. Các nhà kinh doanh đã vì lợi nhuận mà bỏ qua sự an toàn của hành khách, còn giới chức địa phương thì đã "nhắm mắt làm ngơ" trước những vi phạm, có lẽ là họ đã được "bôi trơn" từ trước đó.
Chính quyền Tatarstan và Chính phủ Liên bang cũng đã thông báo khoản tiền bồi thường cho các hành khách bị thương và gia đình người bị nạn.
Nhưng một câu hỏi được đặt ra, tiền có đủ để bù đắp nổi nỗi đau và sự mất mát của những đứa trẻ mất cha mẹ và những người mẹ mất đi đứa con khúc ruột của mình? Và ai có thể đảm bảo rằng, những bi kịch như vậy sẽ không lặp lại trong tương lai?
Và khi bi kịch xảy ra, "vật tế thần" thông thường nhất là thuyền trưởng của con tàu gây tai nạn và theo thông lệ, mọi tội lỗi sẽ được đổ lên đầu anh ta vì người chết không thể biện minh được! Và tất cả mọi thứ vẫn diễn ra theo đúng một mô típ: Quan chức “ăn tiền”, doanh nghiệp “tham tiền”, chỉ có dân thường vô tội là tiếp tục chết và bị thương.

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT