Tờ Japan Times số ra gần đây đăng bài viết “South China Sea: making sense of nonsense” của Mark Valencia, chuyên gia phân tích chính sách hàng hải và là cựu nghiên cứu sinh cao cấp tại Trung tâm Đông - Tây về tranh chấp Biển Đông. Bài viết tìm hiểu và phân tích những lý do vì sao nội bộ Trung Quốc hiện nay lại có những tín hiệu, hành động mâu thuẫn và thiếu nhất quán  trong vấn đề Biển Đông.


Sau một loạt các vụ gây hấn liên quan tới các tàu tuần tra của Trung Quốc và các tuyên bố chính thức sau đó, nhiều nhà phân tích đang cố gắng luận giải điều gì đang thực sự diễn ra ở Biển Đông.

Các câu hỏi cụ thể hơn là: Vì sao các phái khác nhau trong Chính phủ Trung Quốc lại phát đi các tín hiệu khác nhau và gây rắc rối cho các nhà lãnh đạo của họ, làm suy yếu nỗ lực “tấn công lôi kéo” được xây dựng một cách thận trọng và tương đối thành công của Trung Quốc đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời tạo thuận lợi cho chiến lược của Mỹ nhằm thuyết phục các nước ASEAN rằng họ cần sự bảo vệ của Mỹ trước một Trung Quốc đang bắt nạt các nước này. Ở Trung Quốc, liệu “con tàu chính trị” đã rời ga và vì vậy, có phải các quốc gia ASEAN chỉ đang thay đổi ghế hoặc toa tàu trên chuyến tàu này hay không?

Chúng ta không chỉ đề cập ở đây về hành vi vi phạm rõ ràng Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đã được nhất trí một cách chính thức mà còn về hành vi mâu thuẫn với những lời nói của các nhà lãnh đạo thông qua các hành động được lập trình sai thời điểm. Khi Tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la ở Xinhgapo ngày 3/6 rằng “Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông” và rằng “Trung Quốc tuân thủ DOC”, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin vào ngày 26/5, một tàu thăm dò của Việt Nam hoạt động trên thềm lục địa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền đã bị một tàu tuần tra của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn.

Điều gì đang thực sự xảy ra trên Biển Đông?
 Ở Trung Quốc, liệu “con tàu chính trị” đã rời ga và vì vậy, có phải các quốc gia ASEAN chỉ đang thay đổi ghế hoặc toa tàu trên chuyến tàu này hay không?

Ngay sau sự cố đó, Trung Quốc đã cử hai phó chủ tịch của Quân ủy Trung ương tới Đông Nam Á để cố gắng tái khẳng định với các nước tuyên bố chủ quyền khác của ASEAN. Tuy nhiên, sự cố tương tự thứ hai đã xảy ra vào ngày 9/6, chỉ 2 tuần sau đó.

Trước đó, ngày 4/3, Philíppin đã phản đối sự cố ở Reed Bank (Bãi Cỏ Rong), theo đó hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã dọa đâm thủng một tàu thăm dò của Philíppin.

Sau chuyến thăm của Tướng Lương tới Manila, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối các binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Philíppin gần các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc đã đáp lại sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và Philíppin rằng bất cứ hoạt động thăm dò nào ở khu vực Trường Sa mà không có sự đồng ý của nước này đều vi phạm quyền thực thi pháp lý và chủ quyền của nước này. Mối liên hệ thực sự giữa quan điểm cứng nhắc và có ảnh hưởng lớn của Trung Quốc với sự thi hành pháp lý của nước này đã gây lo lắng cho các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền ở khu vực này và thu hút sự chú ý của Mỹ. Các tranh chấp này và các sự cố như vậy không có gì mới nhưng vì sao chúng lại đang xảy ra tại thời điểm hiện nay và vì sao Trung Quốc lại đang phát đi các tín hiệu rất mâu thuẫn?

Bất chấp những tuyên bố hoa mỹ của Trung Quốc, các quốc gia ASEAN thực sự đang cảnh giác và hướng tới Mỹ để tìm sự ủng hộ và hỗ trợ. Mỹ, nước đang đối đầu với Trung Quốc và can dự vào vấn đề này thông qua phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Hà Nội tháng 7/2010, rất vui lòng để giúp đỡ, ít nhất là bằng lời nói và các tín hiệu mà các lực lượng quân sự hiểu được.

Điều trớ trêu lớn nhất đó là những lời nói và tín hiệu này không cần cho Trung Quốc. Vấn đề của nước này với Mỹ và ngược lại liên quan tới các hoạt động thu thập tin tức tình báo của các tàu và máy bay quân sự Mỹ như EP-3, Impeccable, Victorious và Bowditch ở khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của mình chứ không phải các tuyên bố chủ quyền đầy mâu thuẫn đối với các hòn đảo hay không gian trên biển.

Điều gì đang thực sự xảy ra trên Biển Đông?
 

Những điều này chỉ có thể được kết nối trong kịch bản xấu nhất đó là: Trung Quốc đã quyết định rằng nước này không nhất trí với nhiều nội dung trong Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật biển mà nước này đã phê chuẩn, và với luật pháp quốc tế mà các cường quốc phương Tây xây dựng và áp đặt lên Trung Quốc khi nước này còn yếu, và rằng hiện nay, nước này sẽ chỉnh sửa lại hệ thống luật pháp quốc tế.

Nói cách khác, Trung Quốc thực sự nghiêm túc về tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn đối với tất cả vùng biển và tài nguyên của Biển Đông và nước này sẽ quyết định cơ chế quản lý việc đi lại sẽ được áp đặt tại đó.

Đây là một quan điểm cực đoan và có thể dẫn tới chiến tranh. Mặt khác, Trung Quốc có thể tuyên bố phần lớn những gì nước này muốn bằng cách sử dụng luật pháp quốc tế hiện hành và Công ước của LHQ về Luật biển. Nước này có thể đòi hỏi các đặc tính này và đối với các hòn đảo hợp pháp, thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý cho mỗi hòn đảo này. Tất nhiên, nước này sẽ phải thương lượng về biên giới với các nước tuyên bố chủ quyền khác.

Tuy nhiên, đó là tình hình hiện nay và vị thế pháp lý của Trung Quốc hiện rất yếu. Khu vực được tuyên bố chủ quyền sẽ gần giống với khu vực nằm trong đường 9 đoạn và luận cứ này sẽ là hợp pháp – được ủng hộ bởi công ước trên.

Liên quan tới các vấn đề hàng hải với Mỹ, Oasinhtơn vẫn chưa phê chuẩn công ước trên và có rất ít tính hợp pháp trong việc tranh luận hoặc diễn giải trên cơ sở công ước này. Mỹ sẽ bị nhiều người coi là “kẻ bắt nạt” nếu nước này cố gắng áp đặt cách hiểu của mình đối với thế giới.

Vấn đề hóc búa đó là Trung Quốc có các chuyên gia am hiểu Luật biển, những người hiểu rõ về cơ hội này, nhưng có vẻ như Trung Quốc vẫn tránh sử dụng phương án đó.

Có thể chiến lược và chiến thuật của Mỹ khiến một phần ban lãnh đạo quân đội Trung Quốc tức giận. Có thể họ đã kết luận trên cơ sở cái mà họ cho là chính sách “kiềm chế” của Mỹ và các hoạt động thu thập thông tin tích cực và không ngừng của các tàu và máy bay tình báo công nghệ cao của Mỹ rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi. Trong kịch bản này, Trung Quốc cảm thấy nước này cần phải bảo vệ điểm yếu của mình và mở rộng “khu vực” phòng vệ của nước này càng xa về phía Nam và theo hướng biển càng tốt.

Điều gì đang thực sự xảy ra trên Biển Đông?
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và cựu đồng nhiệm Mỹ Robert Gates

Tất nhiên, đây là hành động “rút phép thông công” đối với Mỹ, nhất là hải quân nước này. Trong trường hợp này, DOC hay thậm chí là một công ước có rất ít tác dụng. Chúng ta hãy cùng hy vọng rằng cách giải thích chính xác sẽ bớt nghiêm trọng hơn. Một khả năng đó là sự rối loạn và thiếu sự phối hợp giữa các quan chức cao cấp phụ trách chính sách đối ngoại và quân đội, nhất là Lực lượng Hải quân của PLA. Tuy nhiên, điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc chính sách ngoại giao của Trung Quốc về vấn đề này đang bị xáo trộn hoặc bị thay đổi và Hải quân PLA đang nổi lên như một đối tượng xác định xu hướng và người phát ngôn chính thức.

Cần nhớ rằng khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates có chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc hồi tháng 1/2011, quân đội nước này đã thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình và có vẻ như ban lãnh đạo dân sự của nước này đã bị bất ngờ trước hành động trên.

Nếu quân đội thỉnh thoảng hành động một cách độc lập với ban lãnh đạo dân sự, điều này có thể lý giải cho sự khác biệt trong lời nói của các quan chức Trung Quốc và các hành động của Hải quân PLA. Tuy nhiên, điều này sẽ thực sự gây lo ngại.

Trong bất cứ trường hợp nào, tình hình có thể sẽ xấu đi trước khi có thể cải thiện trở lại. Có thêm nhiều cuộc điều tra và khoan thăm dò được lên kế hoạch ở các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Việt Nam tiến hành một cuộc diễn tập bắn đạn thật và kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, giúp đỡ giải quyết các vấn đề này. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hiếm thấy đã nổ ra ở Hà Nội và Manila. Tại thời điểm này, tất cả những gì có thể nói đó là cần sẵn sàng cho một sự bất ngờ có thể xảy ra.
 
Theo VTC

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT