Có trong tay 3 bằng đại học, tốt nghiệp cử nhân và hàng loạt chứng chỉ đủ để có một CV đẹp… nhưng nhiều người vẫn phải nhập viện tâm thần vì không thể xin việc làm ở thủ đô.
Tốt nghiệp loại ưu ngành Lịch sử cũng nhập viện tâm thần
Tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành Lịch sử, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN, Hoài Th. (22 tuổi, ở Bắc Giang)  hăm hở rải hồ sơ hết cơ quan này đến công ty nọ.

Ở lại Hà Nội với hy vọng sẽ kiếm được một công việc và có thể tự nuôi sống bản thân khi mất đi nguồn trợ cấp của gia đình sau khi tốt nghiệp. Nhưng do đặc thù ngành học khá kén việc nên đi đến đâu, Hoài Th. cũng nhận được những cái “lắc đầu vô cảm” của các nhà tuyển dụng.


Những nẻo đường bị tâm thần do… thất nghiệp ở thủ đô
Cô SV Trung Quốc phải quỳ gối khi đi xin việc cho thấy khó khăn chung của những SV mới ra trường không chỉ ở VN mà còn ở nhiều nước trên thế giới. 

Từ chỗ hừng hực khí thế, sôi sục nhiệt huyết và ấp ủ bao hy vọng, bao ước mơ khi nhận tấm bằng cử nhân loại ưu, Hoài Th. dần rơi vào chán nản, mất niềm tin và mệt mỏi trước cuộc sống có quá nhiều áp lực.

Cô tự thu mình trong căn phòng trọ chật chội, từ chối mọi cuộc vui bạn bè và không dám về quê vì sợ làm bố mẹ thất vọng, sợ những lời hỏi han, những lời ra tiếng vào của hàng xóm....

Trước những biểu hiện khủng hoảng, Hoài Th. đã phải đi khám và xin tư vấn ở Viện sức khỏe tâm thần Quốc Gia.

“Lo âu nảy sinh. Tình trạng này kéo dài, diễn ra thường xuyên liên tục khiến bệnh nhân mất ngủ, sợ hãi, không muốn giao tiếp với ai và đặc biệt là lúc nào cũng tự cho mình là kém cỏi, hèn mọn, vô dụng... Khi nhập viện, bệnh nhân này có những biểu hiện trầm cảm và có những hành động quá khích khi bị người khác hỏi han về công việc…”, bác sỹ trực tiếp điều trị cho Hoài Th. cho biết.

Kết quả ban đầu cho thấy, cô có những triệu chứng của rối loạn tâm thần do ức chế và lo âu.

“Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị tâm thần phải nhập viện do áp lực cuộc sống ngày càng lớn nhưng khả năng đáp ứng của bệnh nhân thấp…”, bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, chuyên ngành Tâm thần, trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Ba bằng ĐH cũng thất nghiệp và gia nhập đội quân bệnh nhân tâm thần
Thời gian gần đây, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia tiếp nhận một bệnh nhân tâm thần do có 3 bằng ĐH nhưng không xin được việc làm. Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng là người khám và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này.


Những nẻo đường bị tâm thần do… thất nghiệp ở thủ đô
Sẽ có một vài người bị điên vì khó khăn trong xin việc. Đừng để trường hợp đó rơi vào bạn. 

Theo bác sỹ Dũng, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng tinh thần khủng hoảng cực độ, trầm cảm, thể chất suy nhược, thần kinh rối loạn có những hành vi không kiểm soát được…

Chàng trai này quê gốc ở Quảng Ninh. Khi đến viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia điều trị mới tròn 26 tuổi, có trong tay 3 bằng ĐH (1 bằng ĐH Kinh tế, 1 bằng ĐH Luật, 1 bằng ĐH Mỏ - Địa chất).

Sau bao năm “mài đũng quần trên giảng đường ĐH”, ra trường không xin được việc làm với mức lương đủ sống, lại luôn đứng trước áp lực phải kiếm tiền để trang trải cuộc sống đắt đỏ ở thành phố, cậu cử nhân đã phải lao động ngoài giờ cật lực.

 Lúc thì cậu chạy bàn ở các quán ăn, nhà hàng, khi thì đi làm bảo vệ, trông xe, có khi lại cùng các cô chú trong xóm trọ đi làm các công việc tay chân nặng nhọc khác.

“Sức ép kiếm tiền quá lớn, lại thêm việc cậu ấy cho rằng có 3 bằng ĐH nhưng không kiếm được một việc làm ưng ý là một bi kịch, một điều đáng xấu hổ. Các ức chế nảy sinh, tinh thần bất ổn, ý nghĩ tiêu cực tích tụ nhiều trong đầu, dẫn đến bị tâm thần”, bác sỹ Dũng nói về nguyên nhân phát bệnh của bệnh nhân.

Một trường hợp khác là Nguyễn Trường Gi. (ở Hà Nội), tốt nghiệp khoa Công tác xã hội, trường Đại học Lao động xã hội.

Từ một chàng trai nhanh nhẹn, hoạt bát và thích giao tiếp, Gi. cũng nhanh chóng bị mất đi sự cân bằng trong cuộc sống sau khi ra trường. Nhận bằng tốt nghiệp, Gi. hăm hở đi xin việc và kiên quyết không nhận trợ cấp từ gia đình vì ý thức cái sự “đã trưởng thành” của mình.

Tuy nhiên, để xin được công việc trong một cơ quan nhà nước và phù hợp với chuyên ngành là một chuyện quá sức với Gi. và gia đình. Anh  đành chấp nhận đi làm tạm tại một công ty truyền thông, phụ trách việc đi mời tài trợ và đi xin quảng cáo với mức lương 2.5 triệu đồng/tháng và định mức 20 triệu đồng/tháng về cho công ty.

Do mới ra trường, mối quan hệ còn hạn hẹp, kinh nghiệm chưa có nhiều, Gi. thất bại nặng nề với công việc đầu tiên kiếm được của mình. Sau 2 tháng đi làm “không công”, Gi. rơi vào tình trạng mất cân bằng, chán nản và khủng hoảng trầm trọng. Kể từ đó, anh luôn nghĩ mình là người vô dụng, ăn hại, sống thu mình. 

Ban đầu bệnh nhân lẫn gia đình đều nghĩ đó chỉ do mệt mỏi thông thường, ăn uống không đủ bù đắp sức lực bỏ ra cho công việc, lâu ngày khiến cơ thể và tinh thần suy nhược. Nhưng khi khám và làm đủ các xét nghiệm ở các bệnh viện, tất cả đều vô hiệu, cho đến khi vào Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia…

Theo VTC

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT