Tôi đã từng chứng kiến tận mắt cảnh này: một cô gái bị bệnh về mắt, lặng lẽ bước tới trước mặt bác sĩ nhãn khoa và đưa cho bà một cái phong bì. Bạn biết trong đó có gì không? Đó là một bức thư gọn gàng về quá trình phát bệnh của cô gái, đã làm người bác sĩ quyết tâm tìm cách cứu chữa, và trả lại hai trăm nghìn đồng cho cái ý định cảm ơn của cô. Thì ra, chúng ta còn nhiều cách để bày tỏ ý nguyện, ngoài tiền!
Vị bác sĩ đang lẻn nhanh chiếc phong bì không rỗng vào túi áo. Đó là tiền của bệnh nhân sắp sửa nhập viện, sắp sửa lên bàn mổ hoặc sắp sửa xuất viện. Cái giao dịch không có giá cố định này vẫn xuất hiện đâu đó ở các bệnh viện lớn, nhỏ nước ta.
Điều gì đang vơi đi trong y đức thì ai cũng rõ. Sự ngột ngạt của cái nắng hè này càng làm cho mồ hôi của bệnh nhân ứa ra như nỗi lo toan của họ nơi bệnh viện. Chén cơm họ ăn trong những ngày tha phương để vái lạy sự sống, chữa lành những cơn bệnh đang mang buộc phải chan thêm suy nghĩ: đưa bao nhiêu tiền vào cái phong bì cho bác sĩ giữa thời buổi giá đắt, người khôn, y thuật khó?
Người đến bệnh viện luôn mang trong mình nỗi sợ thường xuyên: vái lạy như thế nào để hồng phúc sức khỏe đến với mình, quà cáp như thế nào để bản thân tai qua nạn khỏi. Đó là tập quán nghĩ suy của người bệnh trong mối quan hệ với bác sĩ.
Mấy năm trước, ĐH Y Hà Nội có làm một điều tra về y đức và có một câu hỏi đặt ra cho bác sĩ: bác sĩ là ai? Không ai không dùng được câu trả lời: bác sĩ là người chữa bệnh cho dân. Với ý thức này, bác sĩ luôn là kẻ ban ơn cho bệnh nhân. Nghiễm nhiên, người trong cuộc đã phớt lờ đi cả một hệ thống vận hành của bệnh viện, trong đó các khâu khám, chữa đều được người bệnh chi trả theo đúng quy định của viện phí.
Đúng ra, bác sĩ là người cung cấp dịch vụ y tế, bệnh nhân là khách hàng. Làm ơn, bác sĩ đừng hành xử theo kẻ bề trên với bệnh nhân để buộc "kẻ yếu" sa vào những suy nghĩ yếu thế khiến tâm lí sợ sệt theo sát cùng cái phong bì nhã nhặn.
Mũi tiêm sẽ rất đau nếu như không lót túi cho người tiêm. Thuốc sẽ về chậm nếu như cái phong bì ghi tên tuổi, số giường nằm của bệnh nhân không chạy tất tả đến nơi cần đến. Phác đồ điều trị sẽ đuối công hiệu nếu như bệnh nhân thiếu nhiệt tình bày tỏ tấm lòng biết ơn bác sĩ bằng nhiều cách khác nhau.
Bệnh viện không chỉ là nơi chứng  tỏ năng lực của y thuật từng bác sĩ, mà cũng là nơi phô trương nghệ thuật bày tỏ lòng biết ơn của người bệnh. Mà cách thường thấy của nghệ thuật bày tỏ ở đây là: kẹp tiền vào y bạ. Tiền đi liền với sự tận tụy, chỉn chu của các y lệnh được viết ra của người nhận tiền.
Đã từng có một ông Thứ trưởng Bộ Y tế nổi tiếng bởi một câu hỏi xuất phát từ hành vi của bệnh  nhân: "Đưa cho ai, bao nhiêu và đưa vào lúc nào?". Vị thứ trưởng ấy đã nói về cái phong bì. Cớ sao những sạp hàng ở trong và lân cận bệnh viện lại bán rất nhiều phong bì? Chả lẽ, người đến viện lại thích viết thư tay, lại thảnh thơi ngồi viết đơn từ để chuyển phát nhanh? Xứ mình, cái quang cảnh bệnh viện cũng có nhiều trò ngộ ghê!
Ví như, một gái sẵn sàng gửi chồng cho mấy đám ruộng ở quê, lên tỉnh đứng ở cổng các phòng khám, bán duyên ăn nói để kiếm mỗi khách khoảng 2kg gạo thơm. Nhìn mặt mà bắt hình dong, các "cò" này dắt mối khám nhanh, khám "giáo sư". Ví như nữa, trộm vặt thường lẻn vào chỗ đông người để móc tài sản của người đi viện, nhất là ở nơi mà an ninh bệnh viện lỏng lẻo, bệnh nhân đang chịu áp lực sống với bóng tối từ đôi mắt. Trăm dâu đổ đầu người bệnh- nếu chỉ xét về sự chi trả (hoặc là mất mát) thì không có gì là ngoa ngôn.
Nhiều  người cứ lăn tăn là sự giàu có của nghề bác sĩ có bắt nguồn từ các phong bì mang ơn, vái lạy? Chắc chắn sẽ không có biệt thự nào được xây, Lexus nào được mua từ các "tí xíu" này. Nhưng điều tiếng bủa vây lấy hai từ "y đức" thì có. Và cái phong bì đã là một luật bất thành văn nơi bệnh viện. Đôi phen, bác sĩ phải đứng trước vành móng ngựa vì mải miết làm giàu trong đường dây kê toa thuốc khống, chiếm đoạt hơn hàng tỉ đồng. Một đôi giáo sư trở thành minh chứng của y đức sóng sánh với giá tiền khi đại ý tuyên bố: tôi khám giỏi, tôi thu 500.000đồng/lượt/ bệnh nhân. Tiền về đến tay bác sĩ, y đức ra đi như trẻ con nhà quê vẫn thường đồng dao kĩ thuật bắt cua: nước vào, cua ra.
Quán trà đá ở ngoài cổng bệnh viện thường có những mẩu vụn bàn về y đức, nhất là mỗi khi có mẩu tin trên tờ báo về một bác sĩ, y tá bán rẻ y đức. Người ta hoang mang trong một trường nghĩa: y đức là chữa bệnh nhiệt tình, tận tâm hay là cái gì đó mơ hồ trong ánh mắt của bác sĩ trao gửi cho bệnh nhân? Y đức là phẩm chất để làm nên thương hiệu của một lương y hay là một hoạt cảnh của việc trao đổi của vô số cái phong bì có tiền trong một ngày làm việc của bác sĩ? Người ta hoang mang là điều có lý. Bởi, trong giáo trình ngành y, có quyển nào dạy cách làm người tốt, cách làm một lương y như từ mẫu đâu.
Rơi rớt những giọt nước mắt khi người mẹ ôm con nằm trên giường bệnh viện. Đứa trẻ chưa biết cầm bút, chưa biết hình hài chữ cái, đã phải đề tên mình lên chiếc phong bì đựng tiền để "tăng lực" cho một dịch vụ chữa trị, mong cho mình được an tâm cứu chữa.
Sơ sinh đã không sơ sài quà cho bác sĩ. Run rẩy những bàn tay người nhà bệnh nhân cho đi một khoản tiền nhỏ, lớn để cốt sao được chăm sóc, chữa trị kịp thời, hiệu quả. Sự thịnh vượng của các bác sĩ trong ngành nhãn khoa, nha, phụ sản, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch...có bắt nguồn từ giọt ngắn dài của mẹ con nhà nọ?
Một tấm gương sáng về lương y liệu có soi rọi được cả một tầng lớp hành nghề? Một thuyết giảng nào đó về y đức có làm lay tỉnh người trong nghề thoát ra sự u u mê mê về các hệ lụy đi kèm với đồng tiền hoa hồng trong chữa trị cho người khác? Một cuộc tổng kiểm tra liệu có giám sát được cả một quá trình hình thành tập quán "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn"?
Tôi đã từng chứng kiến tận mắt cảnh này: một cô gái bị bệnh về mắt, lặng lẽ bước tới trước mặt bác sĩ nhãn khoa và đưa cho bà một cái phong bì. Bạn biết trong đó có gì không? Đó là một bức thư gọn gàng về quá trình phát bệnh của cô gái, đã làm người bác sĩ quyết tâm tìm cách cứu chữa, và trả lại hai trăm nghìn đồng cho cái ý định cảm ơn của cô. Thì ra, chúng ta còn nhiều cách để bày tỏ ý nguyện, ngoài tiền!
Theo Tuần Việt Nam

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT