Do vợ đi xa, nên muốn tìm người bù đắp cả về tinh thần lẫn nhu cầu thể xác, ông B đã không thể đừng trước sự “hấp dẫn có tính toán” của đứa cháu - ô sin - cô gái tuổi đôi mươi hàng ngày thay vợ chăm sóc cho gia đình mình.
Theo Huyền (học sinh lớp 11 ở Hà Nội) , gia đình em ở phố Trung Kính, mẹ đi làm ở nước ngoài. Nhà Huyền có ba chị em, Huyền là chị và sau cô là hai em trai, em út mới bốn tuổi.
 
Cách đây gần bốn năm, sau khi sinh em út, vì mẹ đi làm xa, nên nhà Huyền thuê một người giúp việc ở quê tên là M, SN 1992, là cháu họ gọi mẹ Huyền là dì. Nhà M khá nghèo, bố M lại mắc bệnh nan y nên gia đình Huyền rất thương M, nhận đưa lên Hà Nội nuôi ăn, ở.
 
Lúc mới lên, M còi cọc, xấu xí với nước da đen sạm và tỏ ra ngoan ngoãn. M chăm chỉ làm việc nhà, trông coi các em, thu vén nhà cửa nên bố mẹ Huyền rất quí. Thỉnh thoảng, mẹ Huyền ở nước ngoài về, thương M nhỏ tuổi mà vất vả, lại giúp bà chăm sóc mọi người nên bà coi M như con gái.
 
Nhiều ông chủ đã vướng "lưới tình" của ô sin. Ảnh minh hoạ
Mẹ Huyền đã xin cho M đi học kế toán, thậm chí học cả lái ô tô rồi mua sắm quần áo, quan tâm chu đáo. Thế nhưng, thời gian gần đây, bằng sự nhạy cảm của cô gái đến tuổi trưởng thành, Huyền cảm nhận được sự thay đổi trong gia đình mình, từ những cái rất nhỏ, nhất là khi mẹ vắng nhà.
 
Và Huyền bắt đầu để ý. Đó là chuyện trong bữa cơm có năm người, Huyền thấy bố chăm sóc M còn hơn cả mấy chị em. Bố gắp thức ăn cho M mà không gắp cho các con, kể cả cậu em bé nhất. Rồi quá hơn nữa là, hôm trước khi bố tắm quên không mang quần áo vào phòng tắm, bố gọi bảo em trai Huyền đưa quần áo cho bố thì M tranh mang vào. Như bình thường, người ta chỉ đứng ngoài mà giơ vào trong, đằng này, M thò hẳn đầu vào nhìn, cười và còn nói với bố những câu trêu chọc gì đó…
 
Hay cuối tuần được nghỉ, bố đưa cả nhà đi chơi công viên, M bế cậu em út, lúc đưa cho bố bế thì bảo “Bố bế con này, mẹ và bố yêu con nhất”. Đồng thời, tay M còn xoa bụng bố rất thân mật…
 
Một hôm, Huyền đi học nhưng được nghỉ. Vì có chìa khóa nên em tự mở cửa vào nhà mà không bấm chuông như thường lệ, thì thấy M đang ở trong phòng của bố. Huyền hỏi M “sao lại vào phòng của bố?” thì M trả lời “thấy phòng bừa bộn quá nên vào dọn”. Nhưng thực tế thì M vào lục lọi làm phòng còn bừa bộn hơn, nhất là những vật kỷ niệm của bố mẹ Huyền bị M lôi hết ra ngắm nghía.
 
Huyền quyết định gọi điện thoại cho mẹ, nói với mẹ rằng, có sự không minh bạch giữa bố và M. Nhưng chẳng rõ có phải để trấn an con gái không mà mẹ Huyền trả lời bà không tin, và bảo Huyền do con gái quá nhạy cảm nên suy diễn linh tinh.
 
Lòng tin của mẹ Huyền đã sụp đổ khi dịp tết bà về thăm nhà, vô tình, bà đọc được trong điện thoại của chồng tin nhắn từ ôsin: “M yêu hai bố con nhiều lắm. M muốn ở bên bố và các con mãi mãi. M love B…”.
 
Quá tức giận, mẹ Huyền gọi M ra nói chuyện, nhưng M thanh minh “cháu chỉ động viên chú khi dì vắng nhà thôi. Cháu thương chú, dì và các em nên mới làm thế…”. Bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ, mẹ Huyền biết mọi chuyện đã tới mức nào, bà buộc M nghỉ việc ngay và đón một bác giúp việc đứng tuổi khác ở quê lên thay.
 
Do công việc, mẹ Huyền chỉ ở nhà thời gian ngắn rồi lại đi nước ngoài. Sau khi mẹ đi, bố Huyền bắt đầu thường xuyên vắng nhà, đi đêm về hôm, dù công việc của bố làm theo giờ hành chính. Huyền thắc mắc thì bố bảo “đang làm dự án xây dựng nên bận”. Lạ nữa, mỗi khi bố về, Huyền thấy quần áo của bố thường tươm tất, bảnh bao, không hề có dấu hiệu gì của việc phải đi sớm về khuya do quá tải công việc như bố nói… Thế nên, cô gái mới lớn quyết nhờ dịch vụ thám tử tìm hiểu ngọn nguồn sự việc.
 
Không khó để phát hiện ra sự vụng trộm của ông B – bố Huyền khi sáng thứ bảy, ông bắt taxi và chạy thẳng đến một khách sạn trên đường Láng Hạ, chứ không phải đến cơ quan như dặn các con. Điều ngạc nhiên là ông B xuống xe rồi đi thẳng lên tầng hai khách sạn mà không qua quầy lễ tân như bình thường, chứng tỏ ông đã rất quen thuộc với nơi này.
 
Sau đó, ông B và M đưa nhau đi mua sắm, ăn uống rồi về khách sạn và không thấy ra ngoài nữa, cho đến khi Huyền cùng với vợ chồng người chú ruột được Huyền báo tin cùng tìm đến. Bị bắt gặp “tại trận”, nhưng M vẫn trơ trẽn cãi: “Cháu bị ốm, chú B biết cháu ở đây nên đến thăm”, mà chẳng có chút mảy may hối lỗi, ngại ngùng nào. Lễ tân khách sạn này cho biết “hai vợ chồng” ông B và M đã thuê một căn phòng trên tầng hai khách sạn này được hơn hai tháng, đúng bằng thời điểm M bị buộc thôi việc ở nhà Huyền!
 
Mấy hôm sau, Huyền lại thấy có một người đàn ông lạ đến đón M ra sân bay Nội Bài, đưa M vào Sài Gòn. Cũng ngay hôm đó, gia đình M nhận được điện thoại của M báo tin “tết này con không về”. Hình như, cô ôsin này đã kịp tìm cho mình một “ông chủ” khác cưu mang, và đang tiếp tục thực hiện giấc mơ “đổi ngôi” từ ôsin lên thành bà chủ!
Trong thời buổi kinh tế hội nhập, nhiều người phụ nữ cũng tìm đường xuất ngoại làm ăn, chấp nhận xa gia đình. Của cải vật chất họ làm ra khiến gia đình đầy đủ, sung túc hơn, và họ - như mẹ Huyền cũng “say” làm ăn hơn, nhưng dường như họ không hiểu được, sự đầy đủ về vật chất không thể bù đắp được sự hẫng hụt khi để lại một “chỗ trống” vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình.
Ông B, có lẽ do vợ đi xa, nên muốn tìm người bù đắp cả về tinh thần lẫn nhu cầu thể xác, đã không thể đừng trước sự “hấp dẫn có tính toán” của cô gái tuổi đôi mươi hàng ngày thay vợ chăm sóc cho gia đình mình. Vợ ông có thể tha thứ cho ông, nhưng vô tình, ông đã tạo nên vết thương có lẽ sẽ không bao giờ lành trong lòng ba đứa trẻ. Đó là điều mà sau này, ông B biết mình sai lầm nhưng đã muộn… Nhất là với Huyền, bây giờ, trong con mắt cô con gái lớn, ông B không còn là một người cha đáng kính!
Theo PL&XH

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT