(VietNam7) Nội bộ ngành đề nghị xử mức cao nhất đối với trung úy Trần Đại Phúc – người hành hung CSGT trong đoạn clip phát tán trên mạng Youtube; tuy nhiên nhiều lời khai, tường trình các bên cho thấy sự việc… không hề đơn giả. 
Đề nghị khai trừ Đảng, tước quân tịch trung úy Phúc
Liên quan vụ 1 CSGT bị tấn công dã man giữa phố, theo nguồn tin của VietNamNet, trong chiều 2/8 trung đoàn CSCĐ (PC18) - Công an TP.HCM có buổi họp xem xét hình thức kỷ luật đối với trung úy Trần Đại Phúc (SN 1982, công tác tại tiểu đoàn CSCĐ số 1 thuộc PC18, Công an TP.HCM).
Được biết, kết thúc buổi họp đã đề nghị mức kỷ luật đối với trung úy Phúc là khai trừ khỏi Đảng, tước quân tịch. Tiếp xúc với PV VietNamNet vào chiều 2/8, trung úy Phúc xác nhận thông tin này là chính xác nhưng chỉ ở mức đề nghị, chứ chưa có quyết định chính thức.
 Trung úy Trần Đại Phúc thừa nhận đoạn clip trên mạng là đúng với những gì xảy ra nhưng là sự thật chưa đầy đủ

“Những gì phản ánh trong đoạn clip trên mạng là đúng sự thật, tôi thừa nhận sai phạm của mình, chứ tôi không chối bỏ. Nhưng đó chỉ là một phần của sự thật mà thôi. Hình phạt như thế đối với tôi cũng như gia đình tôi là quá nặng, tôi mong muốn cơ quan công an sớm làm rõ bản chất của vụ việc” – Trung úy  Phúc khẳng định như thế khi trao đổi về vụ việc.
Anh Phúc tường trình, trưa 28/7, đang điều khiển xe gắn máy, không đội nón bảo hiểm đi mua bánh mỳ gần nhà. Khi đi đường đường D5 ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, bất ngờ thấy 1 CSGT (tức thượng sỹ Văn Thành Luân) từ ngay giữa lòng đường chạy theo sau dùng gậy đánh mạnh vào đầu, vai. Mà theo trung úy Phúc, trước đó không thấy người CSGT này dùng còi hoặc ra hiệu dừng xe.
Lời kể của anh Phúc, do bị đánh bất ngờ nên tấp xe vào lề, buông lời hỏi “tại sao mày đánh tao?” thì bị thượng sỹ Luân dùng cùi chỏ đánh vào mặt, làm bể kính. Anh Phúc dùng tay đỡ và quăng xe giữa đường chạy đến cạnh 1 hàng quán, giật 1 chiếc xô inox để tấn công nhưng bị người buôn bán bên đường giật lại nên cuối cùng nhặt 1 đoạn nhôm (mà theo anh Phúc là nhôm nhẹ) để tấn công lại thượng sỹ Luân đúng những gì mà đoạn clip phản ánh.
“Khi giằng co, tôi có nói vời thượng sỹ Luân rằng tôi cũng là lính cơ động, có gì vào nhà nói chuyện. Vào cửa hàng bên đường, tôi giải thích cũng là người trong ngành Luân có xin lỗi, đều là anh em nên huề. Luân bỏ ra về trước, còn tôi ra đường dựng xe và về nhà” – anh Phúc khẳng định
Theo anh Phúc, khi về nhà, anh kể chuyện xảy ra ngoài đường với cha ruột là ông Trần Đại Phước (là một cựu công an). Ông Phước liền chở Phúc đến đội CSGT Hàng Xanh thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) - Công an TP.HCM để góp ý về cách hành xử của người CSGT trẻ.
Tuy nhiên, tại đây, anh Phúc không được tiếp xúc với lãnh đạo đội nên đã lớn tiếng.
Đặc biệt theo giải thích của anh Phúc, thì 1 người thanh niên cởi trần, mặc quần đùi xuất hiện rút súng ngắn gí vào đầu anh dọa bắn nên anh móc ĐTDĐ để gọi nhờ cơ quan công an địa phương can thiệp. Thế nhưng trong lúc quýnh quáng anh Phúc đã làm rơi 1 con dao xếp trong túi quần.
Khi cúi xuống nhặt thì bị hơn 10 người, mà anh Phúc cho rằng đó CSGT đội Hàng Xanh, chủ yếu là cởi trần, mặc quần đùi xông vào đánh hội đồng tước đoạt con dao và giao cho cơ quan công an địa phương xử lý.
Nhiều mâu thuẫn?
Lý giải về việc có con dao xếp trong túi áo, anh Phúc nói, đó là con dao mà vợ chồng anh dùng để gọt trái cây ăn ở nhà. Và khi lấy xe đi mua bánh mỳ thì bỏ vào trong túi luôn, hoàn toàn không có mục đích sử dụng để gây hấn với thượng sỹ Luân cũng như khi đến đội CSGT Hàng Xanh làm việc.
Ông Phước kể, tại đội CSGT Hàng Xanh, khi chứng kiến con bị đánh hội đồng, ông có hô hoán và nhờ một người lớn tuổi, mặc thường phục gần đó can ngăn, tuy nhiên người này làm lơ.
 Gia đình trung úy Trần Đại Phúc cung cấp hình ảnh và cho rằng đó là những dấu vết mà Phúc bị đánh hội đồng ngay tại đội CSGT Hàng Xanh nhưng lãnh đạo đội này cũng chưa lên tiếng.

Theo ông Phước thì sau này ông biết được đó chính là trung tá Nguyễn Văn Thương – đội trưởng đội CSGT Hàng Xanh. Ngoài ra ông Phúc có đơn trình bày là khi kêu cứu nhưng không ai can thiệp thì ông rút ĐTDĐ ra chụp 7 – 8 tấm hình lúc con ông bị chĩa súng vào đầu, thì bị 3 người CSGT xông đến đánh đập, “cướp” ĐTDĐ và hơn 1h sau thì họ mới trả và những tấm hình đã chụp cũng… biến mất'.
Theo nguồn thông tin riêng của VietNamNet, ông Nguyễn Đức Chánh (SN 1978, ngụ KP.1, P.Tân Thới Hiệp, Q.12, là giáo viên) – một nhân chứng chứng kiến toàn bộ vụ việc, đã có đơn gửi cơ quan CSĐT xác nhận rõ vụ việc.
Theo đó, ông Chánh đã chứng kiến CSGT (tức thượng sỹ Luân) đã dùng gậy đuổi theo sau và đánh vào vai của người thanh niên (tức trung úy Phúc), chứ không hề ra hiệu dừng xe, sau đó có dùng cùi chỏ tay phải đánh vào đầu anh Phúc. Cũng theo nhân chứng Chánh thì anh Phúc có tát thượng sỹ Luân rồi những diễn biến tiếp theo giống như đoạn clip mô tả.
PV VietNamNet có liên hệ qua số ĐTDĐ của thượng sỹ Văn Thành Luân, tuy nhiên số điện thoại nằm ngoài vùng phủ sóng.
Được biết, sau 5 ngày xảy ra vụ việc, 1 trong 2 “nhân vật chính” trong đoạn clip, tức thượng sỹ Luân vẫn chưa có tiếng nói chính thức nào về vụ việc. Tuy nhiên, theo tường trình của thượng sỹ Luân gửi Đội CSGT Hàng Xanh và các đơn vị có liên quan, thì khi phát hiện người thanh niên (tức trung úy Phúc, lúc đó mặc thường phục) đi xe gắn máy không đội nón bảo hiểm nên chỉ ra hiệu dừng xe. Khi tấp vào lề, anh Phúc văng tục chửi thề, và bất ngờ tát tai, rồi rút hung khí gần đó tấn công.
Liên quan đến những lời “tố” của trung úy Phúc rằng khi vào Đội CSGT Hàng Xanh thì bị CSGT ở đây chĩa súng vào đầu, bị hơn 10 người vây đánh hội đồng cả hai cha con, chúng tôi có liên hệ với Trung tá Trần Văn Thương – Đội trưởng đội CSGT Hàng Xanh.
Thế nhưng trung tá Thương nói rằng “chuyện trung úy Phúc nói như thế nào thì đó là chuyện của anh Phúc. Hiện Ban giám đốc công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ và chúng tôi không thể cung cấp thông tin gì thêm”.
Một số CSGT (đề nghị không nêu tên) khẳng định là không có ai rút súng thị uy cũng như không có chuyện anh Phúc bị đánh hội đồng ở Đội CSGT Hàng Xanh. Về việc những vết thương, hình ảnh máu me mà trung úy Phúc cùng cấp thì những người này cho rằng, lúc họ xông vào giằng co, tước đoạt con dao từ tay anh Phúc thì bị va chạm, thương tích?
Nhiều lãnh đạo của Phòng PC18 và công an TP.HCM khi PV liên hệ thì cho rằng, vụ việc đang được điều tra, xác minh từng bước và cơ quan công an sẽ xử lý nghiêm, không có sự nhân nhượng, bao che nào đối với cán bộ chiến sĩ trong ngành cả.
Được biết, liên quan đến vụ việc này, hiện Bộ Công an có văn bản chỉ đạo Ban giám đốc Công an TP.HCM sớm làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những cá nhân có vi phạm.

Giám đốc Công an TP.HCM: Không du di, bao che

Đó là ý kiến của thiếu tướng Nguyễn Chí Thành -  ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, giám đốc Công an TP.HCM - khi đề cập vụ trung úy cảnh sát cơ động tấn công cảnh sát giao thông. Ông Thành nói:
- Chúng tôi đã cho đình chỉ công tác trung úy Trần Đại Phúc (cảnh sát cơ động), yêu cầu viết tường trình vụ việc và giao thanh tra Công an TP, cơ quan điều tra xác minh. Khi có kết quả điều tra, ai sai phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó. Công an trước hết phải là một công dân, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo luật định, không có chuyện vì là công an thì bị xử nặng hơn hay được xử nhẹ hơn. Bên cạnh đó, những người là công an còn phải chịu kỷ luật của ngành, mức cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những sai phạm gần đây của một số cán bộ chiến sĩ?
- Công an TP với lực lượng đông, hoạt động của cán bộ chiến sĩ công an là độc lập theo nhiệm vụ. Không phải lúc nào cũng có chỉ huy kèm bên cạnh, nếu cán bộ chiến sĩ không thường xuyên rèn luyện, không có bản lĩnh thì rất dễ vi phạm điều lệnh, thậm chí vi phạm pháp luật. Điều này không chỉ có cán bộ chiến sĩ gặp, ngay cả lãnh đạo cũng có thể vấp.
"Người dân có rất nhiều hình thức để giám sát hoạt động của lực lượng công an. Ở bất kỳ địa phương nào cũng có đầy đủ bộ máy từ tổ dân phố tới chính quyền. Một số địa phương có phiếu giám sát, có hòm thư góp ý... Nếu người dân phát hiện sai phạm của công an phường thì báo lên quận, ở quận báo lên TP. Nếu ở cấp dưới xử lý chưa nghiêm, có thể phản ảnh lên chúng tôi để xử lý"
Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành
Do đó, cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” cần phải làm thường xuyên, liên tục, đi sâu vào từng cán bộ chiến sĩ. Cuộc vận động cũng nhằm mục đích làm sao để người dân, các cơ quan, tổ chức giám sát, phát hiện sai phạm, thiếu sót của cán bộ chiến sĩ để lực lượng công an chấn chỉnh.
Gần đây liên tục xảy ra các vụ người dân tấn công cảnh sát, nay có cảnh sát tấn công cảnh sát. Ông có cho rằng đạo đức của một bộ phận công an “có vấn đề”?
- Theo thống kê trên cả nước, số vụ việc chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng. Tại TP.HCM tình trạng này xảy ra ít, số vụ việc có nhưng không đáng kể. Phần lớn các vụ việc chống người thi hành công vụ đều có liên quan tới cảnh sát giao thông, một số liên quan tới các chiến sĩ cảnh sát nghĩa vụ, những người trẻ.
Cũng phải nhìn nhận thẳng thắn thường lực lượng cảnh sát giao thông làm việc độc lập ngoài đường, cán bộ chỉ huy nếu không giáo dục, quán triệt kỹ cộng thêm tính cách của mỗi người, chịu tác động của môi trường nắng mưa, bụi bặm, ô nhiễm. Những bức xúc đó thể hiện ra bên ngoài bằng thái độ ứng xử, lời nói, hành động  không đúng mực khiến người vi phạm bức xúc, có thể xảy ra xung đột nhất thời.
Công an TP có giải pháp gì để chấn chỉnh lực lượng, nâng cao văn hóa ứng xử với dân, phục vụ dân?
- Nhiều năm nay Công an TP đã làm các công tác phong trào, cải cách thủ tục hành chính, thành lập các lực lượng phản ứng nhanh để phục vụ dân ngay khi dân cần. Từ năm 2007, Công an TP có bộ quy định về quy tắc ứng xử của Công an TP.HCM, trong đó quy định quy trình hoạt động của từng cơ quan, đơn vị; từng cơ quan, đơn vị lại có quy trình cho từng vị trí công tác, tiếp xúc với dân. Cán bộ chiến sĩ nào vi phạm quy trình thì bị xử lý theo quy định của ngành, vi phạm pháp luật thì bị xử lý theo luật, không có nể nang, bao che.

  • Theo VNN

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT