(VietNam7) Mấy bữa nay, các mặt báo nóng ran về chuyện “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh rinh giải "Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu" - một cuộc thi sắc đẹp mà nếu Ngọc Trinh không lên đường tham dự và giành vương miện, có lẽ... rất ít người biết đến nó.

1. Xin nhấn mạnh, Ngọc Trinh đại diện cho công ty Venus chứ không phải cho sắc đẹp Việt Nam. Thế nên, việc một người không được coi là đại diện cho sắc đẹp Việt đi tranh tài ở một cuộc thi sắc đẹp bên ngoài lãnh thổ, ngay lập tức bị đặt những dấu hỏi.

Đại loại: Cuộc thi này có quy mô như thế nào, những ai được tham dự và cuộc thi được công nhận ra sao?

Theo nhiều nguồn tin, “Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu” mà Ngọc Trinh vừa đăng quang là cuộc thi sắc đẹp lần đầu tiên được tổ chức bởi một công ty của một ca sĩ hải ngoại, có quy mô trong cộng đồng người Việt. Nó diễn ra trong 10 ngày với sự góp mặt của 35 thí sinh.

Hoan hô em Ngọc Trinh!
Một thí sinh cùng tranh tài với Ngọc Trinh ở cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu”.
Mỗi cuộc thi sắc đẹp được tổ chức, tất nhiên có một tiêu chí đánh giá khác nhau, “Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu” cũng thế. Ngọc Trinh đáp ứng được đầy đủ nhất những tiêu chí mà cuộc thi đặt ra thì cô xứng đáng với danh hiệu cao nhất cuộc thi dành cho mình.

Chuyện này thiết nghĩ bình thường. Nó chỉ khác thường nếu ai đó cố coi vương miện “Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu” giống vương miện của “Hoa hậu Việt Nam”, “Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam,” “Hoa hậu thế giới người Việt”... và đẩy ngôi danh vượt ra ngoài quy mô của nó.

Và bởi thế, Ngọc Trinh cũng như người đại diện cho rằng, nhiều người đã quá khắt khe với cô ?!

Điều này hình như cũng có... ý đúng. Có lẽ người dân Việt Nam cứ... lo xa hoài; hoặc đa phần nhiễm thói quen "đứng núi này trông núi nọ"; đâm ra chẳng thể công tâm mà nhận xét "công lao ở nhà học bài" của nàng tân hoa hậu.

Rút cục, chuyện Ngọc Trinh đăng quang chỉ là câu chuyện của cái quy mô thôi mà. Chọn chỗ đứng để nhìn, ắt sẽ không ác cảm, khắt khe. Các cụ bảo rồi, tiền nào vải ấy, há chi phải nghĩ nhiều?

2. Đọc đến đây, chắc nhiều người hâm mộ V-League cũng sẽ gật gù và vỗ đùi đánh đét một cái. Hóa ra cả chục năm nay mình mắc bệnh... khó tính mà lại chẳng hay.
Thì đấy, cứ nhận mình là "giả chuyên nghiệp" đi rồi mặc kệ để ai đó gọi V-League là chuyên nghiệp cho oai, cho thích cái đã. Thực tế, nó đáp ứng được độ chuyên nghiệp hoặc đã đáng được gọi là chuyên nghiệp hay chưa thì cũng đâu phải... chuyện của mình. Dẫu nói thẳng, cuộc chơi nào còn bị khán giả nghi có mùi, và những người có trách nhiệm “khử mùi” cũng ngờ ngợ “nghi” như khán giả song rồi... bỏ đấy, thì cái sự “pro” kia ắt hẳn còn nối nhau xuyên mướt mùa.
Hoan hô em Ngọc Trinh!
Băng rôn của CĐV Hà Nội ACB trên sân Hàng Đẫy (Ảnh: Thể thao 24h) 
Và cũng nhờ tống tiễn tuốt tuột được đống đá sỏi tinh thần trong đầu nên chuyện trọng tài thi nhau mắc lỗi nhận định và người nhận định trọng tài thi nhau coi đó là... điều khó tránh, chắc chắn sẽ không khiến ai uất ức đến độ thốt nên rằng: "làm bóng đá thế này hộc máu mà chết”, hay thậm chí dọa bỏ chơi.

Để rồi khi mà sự khoan dung được nâng thêm vài cấp thì kiểu tung tiền thưởng trụ hạng gấp cả vài lần tiền thưởng vô địch, chân cầu thủ nhanh hay chậm phụ thuộc độ nặng nhẹ của cái phong bì, hẳn cũng nhẹ nhàng như một cái xoa tay.
Bóng đá suy cho cùng chỉ là một trò chơi. Đội nào “chết” vì... sạch quá thì cứ bắc thang lên... ông trời mà hỏi.
Ngẫm đến đây, ly rượu mừng thành công cuối mùa đậm đà hơn hẳn. Thôi thì tiện thể nâng ly mừng cho chiếc vương miện của "Nữ hoàng nội y" Việt Nam.
Chí ít thì cũng nhờ nàng mà tôi khỏi tiệt cái bệnh... khắt khe.
Theo VTC

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT