(VietNam7) Trung tướng Nguyễn Văn Ninh – Nguyên cục phó cục tác chiến - Bộ tổng tham mưu nhắc về những kỷ niệm xúc động với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 năm của đại tướng Võ Nguyên Giáp, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Văn Ninh – Nguyên cục phó cục tác chiến - Bộ tổng tham mưu. 
Ông kể với chúng tôi những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những lần tiếp xúc. Qua câu chuyện của ông, chúng tôi cảm nhận được sự thán phục và kính yêu của ông đối với vị “Đại tướng của nhân dân” Võ Nguyên Giáp. 
Trí tuệ một vị đại tướng
“Tôi là Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu nên có may mắn được làm việc với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp nhiều lần: làm việc trực tiếp nhận chỉ thị, hai là làm việc qua điện thoại.
Tôi còn nhớ đầu năm 1969, đại tướng nghe tôi báo cáo trực tiếp trong cả một buổi sáng về một vũ khí hoàn toàn mới: tên lửa vác vai do Liên Xô viện trợ cho ta. Đây là loại vũ khí mà chúng ta vẫn gọi là A72. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay Trung tướng Nguyễn Văn Ninh
Sáng hôm ấy, tôi lỉnh kỉnh vác tên lửa và ống phóng đến gặp đại tướng. Loại vũ khí này thời đó rất hiện đại, ưu điểm là gọn nhẹ và xạ thủ chỉ cần một người. Lúc đó, tôi vừa biểu diễn vừa thuyết minh về loại vũ khí mới này, còn đại tướng thì chú ý quan sát tôi thao tác. 
Khi kết thúc, đại tướng đã đặt ra cho tôi ba câu hỏi: “Một là: Tại sao lúc bắn, đầu dưới ống phóng phải cách mặt đất 15- 20 cm chứ không thể chạm đất? Hai là: Tại sao khi xạ thủ bắn chếch một góc 45 độ thì đến cự ly xa nhất. Ba là: Theo cậu, loại tên lửa này hay như thế thì sử dụng ở chiến trường nào?”.
Câu hỏi thứ nhất là khó nhất làm tôi phải suy nghĩ vì điều này chưa có trong lý luận. Sau đó, tôi nghĩ ra và trả lời rằng: “Việc đặt ống phóng như vậy để đề phòng khi bắn, lửa phụt xuống nếu chạm đất xuất hiện phản lực nguy hiểm cho xạ thủ. Khi lửa có chỗ phụt ra đằng sau sẽ không nguy hiểm nữa”. Nghe xong câu trả lời này, đại tướng đánh giá rất tốt. 
Sang câu thứ hai, tôi trả lời là do hình học đã chứng minh rồi, một vật ném xiên theo một góc 45 độ thì cự ly đường huyền sẽ xa nhất. Đại tướng đánh giá câu trả lời này chấp nhận được.
Còn câu thứ ba, tôi nói: “Thưa đại tướng, vì anh em ta được huấn luyện rồi nên tôi đề nghị ta nên sử dụng trong chiến trường B2 – chiến trường Nam Bộ”. Nghe thấy thế, đại tướng chuẩn y luôn. Đại tướng khen: “Cậu Ninh hôm nay báo cáo tốt. Vậy thì cậu về cùng với các cơ quan là Cục quân lực chuẩn bị theo hướng đó, báo cáo lên bộ tổng tham mưu rồi đưa vào sử dụng trong chiến trong kia”. Tôi cảm thấy rất vui!
Tất cả những thao tác, lý thuyết báo cáo đại tướng, tôi đi tập huấn một tháng và phải thuộc vậy mà đại tướng chỉ nghe có mấy tiếng đồng hồ thôi đã nắm hết được rồi. Điều đó chứng tỏ đại tướng rất thông minh và tập trung trong công việc. 
Không chỉ vậy, thấy đại tướng chú ý nghe một người cấp thấp, lúc đó tôi mới là thiếu tá trợ lý về tác chiến tại Cục tác chiến, như tôi báo cáo với thái độ ân cần, coi trọng tôi như chuyên gia thì tôi rất kính trọng và nể phục.
Về sau, ta đã triển khai đúng như đã kế hoạch của quân chủng phòng không – không quân, kế hoạch của bộ tổng tham mưu và lời của đại tướng: đưa quân và khí tài vào chiến trường thu được kết quả rất tốt.
Một cách tổng kết kinh nghiệm
Không chỉ làm việc qua gặp mặt trực tiếp mà tôi còn tiếp xúc với đại tướng qua điện thoại. Đó là kỷ niệm và cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong thời kỳ Mỹ dùng B52 ném bom miền Bắc. 
Khoảng 7h tối ngày 18/12/1972, tôi trực ban trong hầm sở chỉ huy của đại bản doanh. Tôi biết đại tướng có thói quen thức khuya, chưa ăn uống gì. Tôi báo cáo đại tướng qua điện thoại: “Báo cáo: B52 đang trên đường theo dọc sông Mê Kông ra ném bom Hà Nội"
Đại tướng nói: “Cậu phải xem xét rất kỹ lưỡng. Thế Cục 2 (cục quân báo) thế nào?”. Tôi nói: “Cục hai cho tôi biết, tối nay, chúng tập kích lớn”
“Vậy cậu đã làm thông báo cho các nơi, các đơn vị chưa?”. 
“Thưa! rồi”
“Bây giờ, phòng không nhân dân thì thế nào?”
“Thưa, tôi đã đề nghị với tham mưu trưởng kéo còi báo động quy định cứ 10 phút chứ không thì bị bất ngờ vì đang đêm yên tĩnh”
Vì lúc đó có rất nhiều xe qua sông Hồng và sông Đuống vào chi viện cho miền Nam nên đại tướng hỏi tiếp: “Thế anh em giao thông đang đi trên đường thì sao?”. Tôi nói: “Việc này tôi đã liên lạc được với Bộ giao thông rồi, đã cho biết tình hình đêm nay rất căng”. Nghe vậy, đại tướng đồng ý tất cả và yêu cầu: “Cậu nghe đây, cứ 5 phút một lần cậu phải báo cáo tôi”
Trong đời tôi chưa bao giờ cứ 5 phút lại báo cáo một lần qua điện thoại như thế. Tôi đã chấp hành theo lời đại tướng. Tôi có một còi riêng, khi tôi ấn, thì tất cả thành phố đều phải kéo còi báo động cho nhân dân.
Như vậy, cuộc tập kích của địch rất lớn và bí mật đã không làm ta bị bất ngờ bởi có được bị sự chuẩn bị trước. Ta chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Kết quả là quân ta thắng lớn. Nghe giọng qua điện thoại, tôi thấy ở thời điểm tổ quốc bị uy hiếp như thế, đại tướng rất xúc động.
Sau chiến thắng mấy tháng, quân ta đã tổng kết chiến dịch tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Đại tướng đã gọi tôi đi cùng. Để báo cáo tổng kết, tôi đã chuẩn bị rất nhiều tài liệu. Nhưng bất ngờ, đại tướng gọi tôi ra và bảo: “Bây giờ không có sách vở gì cả, cậu với tớ ra bờ biển, đi dọc bờ biển tổng kết. Chỉ tớ với cậu thôi”.
Lúc đó, đại tướng hỏi gì tôi phải trả lời ấy. Ông hỏi: "Trong lúc tình hình căng như thế tinh thần anh em phòng không - không quân thế nào? Theo cậu, tại sao quân địch gây nhiễu như thế mà anh em ta vẫn bắn rơi được?”
Tôi nói: “Thưa, thực ra trong một tiểu đoàn pháo binh có 5 anh em làm thành một ê – kíp. Tất cả đều được chuẩn bị trước qua đợt tập huấn chung trước đó và rất ăn ý với nhau, chỉ qua ánh mắt thôi cũng hiểu nhau…”
Vậy là, chỉ qua những câu hỏi của đại tướng như vậy, sau đó, tự nhiên tất cả các tư liệu mà tôi đã chuẩn bị không sử dụng gì đến nhưng những vấn đề trong chiến đấu, những kinh nghiệm, những tổng kết sâu sắc nhất thì đã nhớ được hết vào trong đầu rồi. 
Tình cảm giữa tôi với đại tướng như anh em, cha con không có gì khác biệt. Đến mấy năm sau, lúc viết sách tổng kết kinh nghiệm, ông nói: “Tớ bắt tay thưởng cậu Ninh một cái vì cậu đã có công lớn làm lên chiến thắng”.
Một tác phong làm việc của một vị đại tướng thú vị như thế!
Một cách đọc sách tuyệt vời
Cũng tại Đồ Sơn, một buổi chiều trong dịp tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, đại tướng đã cho các anh em đọc sách tập thể. Đại tướng đã chỉ thị cho một đồng chí trong Cục quân báo đọc và dịch một cuốn sách nói về không quân Hoa Kỳ bằng tiếng Anh dày khoảng 300 trang. 
Sau đó, đại tướng hướng dẫn chúng tôi cách đọc một cuốn sách trong thời gian ngắn như thế nào. Đại tướng nói: “Chúng ta chỉ có hai giờ đồng hồ để chúng ta đọc xong cuốn sách này. 30 phút để một đồng chí đọc những chương trọng điểm của cuốn sách, 60 phút sau để các đồng chí trao đổi, tranh luận các vấn đề và 30 phút cuối tôi sẽ kết luận nói như thế nào”.
Buổi đọc sách tập thể đã diễn ra đúng theo thời gian đã định như vậy. Cuối cùng, đại tướng kết luận: “Đây là 1 cuốn sách giúp ta hiểu sự phô trương sức mạnh của không lực Hoa Kỳ là chủ yếu. Thực tế, đối với quân đội nhân dân ta, ta hiểu được nó có những mặt hạn chế nên ta đã bắn rơi được B52 – điều mà chưa ai làm được. Nhưng ta không coi thường vì họ viết có tính chất khoa học, có ích cho ta”.
Bài học chọn mục tiêu chiến đấu
Còn một kỷ niệm với đại tướng làm tôi nhớ mãi. Cuối năm 1979, lúc này tôi đã được đề bạt làm Cục phó cục tác chiến rồi. Vào một ngày, khi chúng ta đánh Pôl Pốt giúp nước bạn Campuchia, tôi trực ban tác chiến tại sở chỉ huy tiền phương của bộ tổng tham mưu ở Tân Sơn Nhất. 
Đại tướng có điện thoại vào và hỏi tôi: “Cậu Ninh trực tác chiến đấy à?”.
 “Vâng ạ”
“Cậu có biết việc gì ở biên giới giữa Campuchia và Thái Lan tại tỉnh Strungtreng ở phía Bắc không?”
Chột dạ, tôi suy nghĩ rồi nói: “Thưa đại tướng, tôi không có chứng cứ, tài liệu trong tay nhưng tôi có nghe nhiều người nói là ở đó có đền PreahVihear đã được tòa án quốc tế công nhận của Campuchia”.
Đáng lẽ tôi phải có tài liệu về vấn đề này nhưng lúc đó không có tài liệu trong tay thì tôi phải nói thật với đại tướng là không có nhưng nghe được. Đại tướng rất bằng lòng bảo: “Đúng rồi, đấy”. Tôi nghe mà nhẹ cả người. 
Đại tướng hỏi tiếp: “Thế thì bây giờ làm thế nào?”. 
Tôi trả lời luôn: “Hướng đó do đồng chí Đoàn Khuê – Tư lệnh quân khu 5 phụ trách, xin phép đại tướng tôi gọi cho anh Đoàn Khuê kiên quyết giải phóng và sau này bàn giao cho Campuchia”. Đại tướng đồng ý. 
Đó là sự sáng suốt của đại tướng. 
Trong cả quá trình đó, đại tướng chỉ hỏi mỗi chuyện ấy thôi. Tôi thấy chúng ta có bao nhiêu là mục tiêu nhưng đại tướng đã chỉ cho chúng tôi thấy những mục tiêu trọng yếu. 
Sau đó ra ngoài biển, rút kinh nghiệm, học tập đại tướng chúng tôi cũng xác định rõ đảo trọng yếu nào thuộc Campuchia thì chúng ta giải phóng cho họ và sau này trao trả về họ.
Tôi rất khâm phục, trí tuệ và tầm chiến lược của đại tướng đã vượt lên tầm cao thì mới biết như vậy. 
Qua nhiều lần được làm việc với đại tướng tôi thấy, đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Đại tướng cực kỳ thông minh. Đối với cấp dưới, đại tướng rất chú ý nghe, không kể cấp bậc, giải quyết công việc rất hiệu quả làm cho hiệu suất chiến đấu cao hơn. 
Đại tướng luôn luôn thương yêu, bồi dưỡng trí tuệ cho cán bộ, khuyến khích cán bộ cấp dưới nói thật để cấp trên có kế hoạch hành động chính xác. Đó là sự trung thực trong báo cáo…
Đây là vị tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy các các chính ủy…
Mấy ngày nay, cả nước ta đang hướng tới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của đại tướng. Tôi rất xúc động. Tôi chúc đại tướng mạnh khỏe, minh mẫn!”.
Theo Giáo Dục Việt Nam

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT