(VietNam7) Báo giới các nước đăng bài viết xung quanh việc Ấn Độ hợp tác thăm dò dầu khí tại hai lô thuộc lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông.
Những tuyên bố chính thức của Việt Nam và Ấn Độ về việc tiếp tục hợp tác thăm dò dầu khí tại Biển Đông được đưa ra sau khi Trung Quốc gửi công hàm ngoại giao cho Ấn Độ, trong đó phản đối việc công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) có hoạt động thăm dò tại hai Lô 127 và 128 nằm trong vùng lãnh hải Việt Nam.

Trước sự việc trên, tờ The Wall Street Journal có đăng bài phân tích của Harsj V. Pant, giáo sư nghiên cứu quốc phòng ở trường King's College, London (Anh), cho rằng, Ấn Độ là nước mới đây nhất bước chân vào “mớ bòng bong” các cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Hồi đầu tháng 9, Bắc Kinh đã cảnh báo thủ đô New Delhi của Ấn Độ rằng việc công ty dầu khí Ấn Độ OVL tham gia vào các hoạt động thăm dò dầu khí tại hai lô nằm trong vùng lãnh hải Việt Nam cần phải được sự đồng ý của Bắc Kinh. Cảnh báo này của Trung Quốc được đưa ra sau vụ va chạm giữa một chiếc tàu của Trung Quốc với một tàu khu trục của Hải quân Ấn Độ nằm ngoài vùng lãnh hải Việt Nam cuối tháng 7 vừa qua.
Việt Nam ngay sau đó khẳng định chủ quyền của mình tại hai lô trên thông qua việc viện dẫn Công Ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam và Trung Quốc năm qua có nhiều căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, do đó một phản ứng như vậy từ phía Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Điều mới ở đây là New Delhi không chấp nhận sự hiếu thắng của Trung Quốc ở khu vực.  Bất chấp phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ ngay lập tức tán thành những tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Hôm 16/9, ông Vishnu Prakash - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ - khẳng định Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò dầu khí, khẳng định việc hợp tác với Việt Nam là hoàn toàn đúng theo công pháp quốc tế.
Theo ông Pant, sự kiên quyết này sẽ giúp Ấn Độ tăng cường mối quan hệ với Việt Nam. Nếu Trung Quốc muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, thì Ấn Độ có thể làm như vậy ở Đông Á. Mấu chốt của sự dịch chuyển hướng về phía Đông đó sẽ là Việt Nam, bởi sau cuộc chiến tranh ngắn ngủi trên biên giới Việt – Trung năm 1979, Việt Nam thận trọng trước những ảnh hưởng về quân sự, kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đó là lý do Ấn Độ coi Việt Nam là đối trọng với Trung Quốc, cũng như Trung Quốc xem Pakistan là đối trọng với Ấn Độ.

Nói như vậy không có nghĩa là mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ không tồn tại về các mặt khác. Người Việt Nam từ lâu rất tôn trọng người Ấn Độ, bởi Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập. Sự lớn mạnh của Trung Quốc khiến mối quan hệ hai nước mang một tầm cỡ chiến lược to lớn.




Cả hai bên đều nhận ra rằng, mối quan hệ kinh tế là khởi đầu cho một mối quan hệ song phương bền vững hơn. Hai nước đã ký một thỏa thuận năm 2003, nhằm thiết lập “Vòng đai ưu tiên và thịnh vượng” ở Đông Nam Á. Vì vậy, hai bên đã và đang thúc đẩy thương mại, đặc biệt sau khi New Delhi ký một thỏa thuận thương mại tự do với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á năm 2009. Kim ngạch mậu dịch song phương hiện nay đã vượt trên 2 tỷ USD.

Hai nước cũng cần phải tư duy một cách sáng tạo về việc mở rộng các cơ hội đầu tư, đặc biệt về năng lượng, thép, và dược phẩm. Tuy nhiên, lợi ích lâu dài của New Delhi ở Việt Nam hiện nay đang nằm trong lĩnh vực quốc phòng. Ấn Độ muốn xây dựng các mối quan hệ với những nước như Việt Nam để có thể tạo áp lực với Trung Quốc. Với suy nghĩ đó, Ấn Độ đang giúp thủ đô Hà Nội của Việt Nam tăng cường năng lực không quân và hải quân.

Hai nước cũng có những nguyên tắc trong việc đảm bảo an ninh đường biển, cũng như chia sẻ những quan ngại về sự tiếp cận của Trung Quốc với Ấn Độ Dương và Biển Đông. Vì lý do đó, Ấn Độ đang giúp Việt Nam xây dựng năng lực quân đội của mình để bảo trì và sửa chữa các trang thiết bị. Quân đội hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như đào tạo công nghệ thông tin và tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, hợp tác về hải quân vẫn duy trì trọng tâm. Hải quân Ấn Độ mới có một chuyến ghé thăm Việt Nam. Hiện chưa rõ sự sắp đặt cuối cùng sẽ như thế nào, nhưng không phải là không gây tác động đến Trung Quốc.

Pant cho rằng, việc Trung Quốc phản đối những “bản hợp đồng” giữa Ấn với Việt Nam đã và đang cho thấy Trung Quốc sẽ cố gắng ngăn cản các đối thủ cạnh tranh chiến lược. Nhưng nếu cả Việt Nam và Ấn Độ giữ vững quan điểm, hai nước có thể sẽ khiến Trung Quốc “dịu bớt” đi những tuyên bố chủ quyền của mình và chấp thuận một thái độ hòa giải hơn đối với các vấn đề khác của khu vực.

Sau khi Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Ấn Độ tham gia thăm dò dầu khí tại Biển Đông, tờ Times of India của Ấn Độ hôm 22/9 dẫn lời cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi ông đến New Delhi tham dự hội thảo về đề tài “Hai nền dân chủ trên biển: Vì một châu Á tốt đẹp hơn và an toàn hơn” bày tỏ sự ủng hộ Ấn Độ thăm dò dầu khí ở Biển Đông, kêu gọi tăng cường hợp tác giữa hải quân Nhật Bản - Ấn Độ để phòng vệ và đề xuất tăng cường tần suất các cuộc tập trận hải quân giữa hai bên. Theo ông Abe, với một lực lượng hải quân sẽ có ba hàng không mẫu hạm, Ấn Độ có đủ khả năng duy trì ổn định các tuyến hàng hải và như thế sẽ làm an tâm các nước Việt Nam, Mỹ và Hàn Quốc. Ông Abe cho rằng, Mỹ vẫn bảo đảm an toàn và ổn định cho các tuyến thông thương hàng hải từ thập niên 1950, nhưng ông Abe lo ngại là thế lực của Mỹ trong tương lai có thể sẽ suy giảm.

Còn theo tờ Time hôm 19/9, Ấn Độ và Trung Quốc chia sẻ vùng biên giới đất liền dài và được quân sự hóa (cũng là vùng đã tranh chấp)  dọc dãy Himalaya. Nhưng trong khi những cuộc chiến tranh đòi chủ quyền ở biên giới đất liền được coi như kết thúc, thì mối đe dọa về các cuộc đối đầu trên biển là khó có thể đoán trước được.

Và viễn cảnh về cuộc xung đột hải quân Trung - Ấn sẽ chỉ tăng lên theo thời gian. Sau cùng, những hoạt động thăm dò của Ấn Độ vào khu vực Biển Đông sẽ kéo theo hàng loạt các các dự án của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh Ấn Độ - vốn thường được Ấn Độ gọi là chiến lược “Chuỗi ngọc trai”. Theo một số nhà chiến lược của Ấn Độ, Trung Quốc đã thiết lập các căn cứ quân sự và trạm nghe lén từ Miến Điện cho đến Pakistan; và giữa đó là một cảng biển nước sâu chiến lược được xây dựng tại Hambantota, Sri Lanka. Tờ Time trích dẫn phân tích của ông Pant rằng, Ấn Độ cũng có lợi ích trong bảo vệ các tuyến đường biển qua Biển Đông tới Đông Bắc Á. Ấn Độ có quyền mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với toàn bộ Biển Đông. Giờ đây, Ấn Độ nên xây dựng những mối quan hệ đối tác chiến lược tin cậy với các nước trong khu vực vì lợi ích an ninh của chính mình và của cả khu vực.
Về mặt nào đó, suy nghĩ trên mang nhiều ý nghĩa: với tư cách là những cường quốc mới nổi, cả Ấn Độ và Trung Quốc không nên làm tổn hại đến lợi ích của riêng mình chỉ nhằm mục đích xoa dịu những nỗi sợ hãi viển vông của nước kia. Nhưng, mặc dù sức mạnh của mối quan hệ kinh tế giữa hai nước và những lời ca tụng về tình hữu nghị được 2 thủ đô phát đi thường xuyên, nhiều người tin rằng sự lớn mạnh của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ kéo theo nhiều căng thẳng. Và khi hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, với dân số chiếm gần 1/3 dân số thế giới này “va chạm với nhau”, thì hậu quả để lại có lẽ sẽ rất lớn.
Theo ĐVO

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT