(VietNam7) Trong chuyến thăm ngắn tới Việt Nam hôm 30/8 vừa qua, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Ericsson đã chia sẻ với VietNamNet về những xu thế của thị trường viễn thông thế giới, với viễn cảnh 50 tỉ kết nối Internet trên toàn cầu vào năm 2020.


Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Ericsson Hans Vestberg trao đổi với báo chí tại Hà Nội ngày 30/8.

Hans Vestberg, vị Chủ tịch kiêm CEO với tuổi đời còn khá trẻ (46 tuổi) nhưng đã có 20 năm làm việc tại tập đoàn Ericsson nhận định trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, ngành công nghệ viễn thông của thế giới sẽ có 5 xu hướng chính :

-    Di động hóa các dich vụ: video, điện toán đám mây, internet, M2M
-    Xuất hiện nhiều hơn các loại thiết bị được kết nối và điện thoại smartphone có mức giá bình dân hơn
-    Phân cấp giá cước và mô hình kinh doanh mới đối với băng rộng di động
-    Hiện đại hóa mạng lưới, hệ thống tính cước và hệ thống vận hành khai thác mạng
-    Chú trọng tới chất lượng cao của mạng băng rộng.

Đây là thời điểm chuyển đổi từ các dịch vụ thoại sang các dịch vụ dữ liệu và trong vòng 10 năm tới, tình hình sẽ diễn ra càng sôi động. Đến cuối năm 2010, thế giới đã có 1 tỉ người truy cập băng rộng trong đó có 500 triệu là truy cập băng rộng di động.

Dự kiến năm 2015 – 2016, sẽ có khoảng 5 tỉ người truy cập băng rộng di động, tương đương với số lượng người truy cập Internet sẽ gấp 5 lần hiện tại. Khi ấy mỗi người đều có thể truy cập di động và băng rộng. Quá trình chuyển đổi này sẽ tạo ra 50 tỉ kết nối với khái niệm Xã Hội Kết Nối (Networked Society) vào năm 2020. Những đối tượng đã từng thừa hưởng lợi ích từ Internet sẽ trực tiếp kết nối với nhau. Trong đó ba nhân tố chính chi phối là Khả năng kết nối, Băng rộng và Điện toán đám mây.

Năm 2010, Ericsson đã kết hợp với hãng phân tích Arthur D.Little tiến hành một nghiên cứu về những ảnh hưởng của băng rộng và có hai chỉ số quan trọng thể hiện mối liên quan giữa băng rộng và tăng trưởng GDP và số lượng việc làm tại mỗi quốc gia:

-    Nếu tăng trưởng 10% mức độ phổ cập băng rộng sẽ tạo ra 1% tăng trưởng GDP bền vững
-    Cứ 1.000 người kết nối băng rộng thì sẽ tạo ra thêm 80 việc làm trong xã hội.

Về mô hình tính chi phí cho các dịch vụ băng rộng di động. Hiện giờ chúng ta có các mức giá cố định theo dạng thuê bao tháng. Nhưng trong tương lai chúng ta cần có những mức giá khác biệt dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau. Ví dụ như ở Indonesia, nếu xác định mức cước 15 USD cố định cho băng rộng di động thì sẽ có 80% người dân không thể tiếp cận dịch vụ này.

Do đó có thể thấy tầm quan trọng của việc có những gói giá cước linh hoạt – ví dụ như gói trả trước khi sử dụng dịch vụ băng rộng di động, thậm chí gói cước đó chuyên phục vụ cho đối tượng thích truy cập mạng xã hội trên băng rộng di động.

Tại bờ biển miền Tây nước Mỹ, Ericsson cung cấp dịch vụ cho Ủy ban Phòng cháy chữa cháy. Họ sử dụng băng rộng di động để truyền trực tiếp các vụ hỏa hoạn về trung tâm điều hành để điều phối đầy đủ chu trình ứng cứu. Và họ đồng ý với gói dịch vụ 1,000 USD một giờ hoặc thậm chí một phút để được đảm bảo về tính hiệu quả cho dịch vụ của họ.

Dự kiến doanh thu toàn cầu của các mạng di động và cố định năm 2011 là 1,6 tỉ USD, chiếm khoảng 3% GDP thế giới.

Và từ năm 2011, hàng năm, lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng gấp đôi. Tới năm 2016, lưu lượng này sẽ tăng 25 lần, chủ yếu là các dịch vụ video.

Theo VietNamNet

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT