Giá cước di động liên tục giảm mạnh và giá chiếc điện thoại nhiều chức năng giải trí cũng không còn là xa xỉ đã khiến người Việt, đặc biệt là giới trẻ đã bắt đầu “nghiện” di động.
Người Việt là tín đồ của “dế”
Giới trẻ Việt Nam đặc biệt ưa thích các sản phẩm ĐTDĐ cao cấp.
Giới trẻ Việt Nam đặc biệt ưa thích các sản phẩm ĐTDĐ cao cấp.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam nhập khẩu điện thoại di động ước tính khoảng 1 tỷ USD trong năm 2010. Bộ Công Thương cho rằng việc nhập khẩu điện thoại chiếm một phần không nhỏ trong tổng kịm ngạch nhập khẩu của Việt Nam là trong những nguyên nhân khiến Việt Nam nhập siêu lớn. Vì vậy, Bộ Công thương đã buộc phải tìm cách hạn chế nhập siêu đối với mặt hàng này, đặc biệt là dòng điện thoại cao cấp. Mới đây, lần đầu tiên người dân 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã tái hiện cảnh “thời bao cấp” để xếp hàng mua iPhone 4. Nhiều người đã xếp hàng từ 5h sáng để có được chiếc điện thoại này. Điều đó chứng tỏ “dế” đã là phần không thể thiếu đối với nhiều người Việt.
Theo thống kê, năm 2009 thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 10 triệu chiếc ĐTDĐ, tính ra cứ trong 8 người dân Việt lại có 1 người thay đổi hoặc mua mới điện thoại. Năm 2010, dự báo Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 12 triệu chiếc ĐTDĐ, nghĩa là cứ trong 7 người thì có 1 người mua điện thoại. Tỉ lệ này, chỉ khoảng 5 năm về trước không ai dám nghĩ đến. Dù tần suất thay đổi ĐTDĐ của người sử dụng Việt Nam chưa bằng Hồng Kông, Đài Loan hay Hàn Quốc, nhưng giới trẻ sử dùng đồng thời “hai súng”,  hoặc thay đổi điện thoại mới sau từ 6 tháng đến 1 năm đã tăng lên rõ rệt.
Càng giảm cước – càng “nghiện” dế
Nếu như trước đây, cước di động là trở ngại đối với người dân có nhu cầu sử dụng điện thoại di động. Thế nhưng, với sự cạnh tranh quyết liệt của các mạng di động, cước dịch vụ di động đã giảm rất mạnh. Trên thực tế các cuộc chạy đua về cước trên thị trường di động nằm trong sự thao túng của 3 mạng di động lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Vì vậy, bất kỳ những động thái của các mạng này đều tác động lớn đối với thị trường di động Việt Nam. Suốt trong thời gian dài, Viettel luôn có mức cước hấp dẫn hơn VinaPhone và MobiFone.
Thế nhưng, từ năm 2009, lần đầu tiên, MobiFone và VinaPhone quyết chơi “sát ván” để có mức cước rẻ hơn Viettel là 10 đồng/phút. Đến tháng 6/2010, Viettel lại chủ động giảm mạnh cước di động và khiến MobiFone và VinaPhone quyết theo đuổi cuộc chơi này. Ngay sau đó MobiFone và VinaPhone tuyên bố giảm cước để duy trì mức cước rẻ hơn Viettel khoảng 10 đồng/phút. Theo đó, từ tháng 7/2010 thì MobiFone tuyên bố giảm từ 10 - 15% cước. Cụ thể , sau đợt giảm cước đồng loạt mới đây cước cuộc gọi nội mạng của MobiFone, chỉ còn 880đ/phút (giảm 10,24%) và 980đ/phút gọi liên mạng (giảm 9,28%), trong khi cước hòa mạng giảm đến 49,5% từ 99.000đ/lần trước đây nay chỉ còn 50.000đ/lần. Bên cạnh việc giảm cước, các chương trình khuyến mãi cũng được các nhà mạng ào ạt tung ra khiến cước di động đã giảm thêm rất mạnh.
Mới đây Frost & Sullivan - công ty chuyên nghiên cứu thị trường viễn thông cho biết hiện các mạng di động Việt Nam đang cung cấp dịch vụ với mức giá 4 cent/phút (khoảng 800 đồng) vì có quá nhiều các chương trình khuyến mãi. Thậm chí Frost & Sullivan tin rằng cuộc chiến về giá giữa các nhà mạng sẽ tác động xấu đến thị trường Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ chậm lại, doanh thu của các nhà mạng sẽ thấp hơn các năm trước do giá cước giảm và không có tích lũy để tái đầu tư.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhà mạng, trong khi đó thuê bao di động của Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khá tốt. Nếu như trước đây, dịch vụ di động là thứ hàng xa xỉ thì giờ đây nó đã trở thành dịch vụ bình dân. Với các cuộc chạy đua giảm cước liên tục đã kéo giá cước của Việt Nam vừa với túi tiền của người tiêu dùng. Các chuyên gia viễn thông cho rằng, khi giá cước di động liên tục giảm mạnh, giá chiếc điện thoại nhiều chức năng giải trí cũng không còn là xa xỉ đã khiến người Việt đặc biệt là giới trẻ đã bắt đầu “nghiện” di động.

Theo Thu Phương - ICTNews

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT