Một ngày không được leo lên cây hồng xiêm, cây vú sữa… trong vườn là cụ Lan lại cảm thấy rất bứt rứt, khó chịu.

Biết leo cây từ năm 12 tuổi, nay đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ bà Nguyễn Thị Lan (82 tuổi) ở khối Đan Nhiệm, thị trấn Nam Đàn, Nghệ An vẫn leo cây nhanh nhẹn và dễ dàng như còn thuở thiếu thời. Một ngày không được leo lên cây hồng xiêm, cây vú sữa, cây nhãn… trong vườn là cụ Lan lại cảm thấy rất bứt rứt, khó chịu. Với cụ Lan, leo trèo là một cách tập thể dục, nó không chỉ giúp cụ có được sức khỏe dẻo dai mà còn “luyện” một tinh thần “thép”. Còn với phần đa người dân Nam Đàn thì cụ Lan là một “dị nhân” vô cùng đặc biệt.
Một ngày không leo cây cả ngày mệt mỏi

Với phần đa người dân Nam Đàn thì cụ Lan là một “dị nhân” vô cùng đặc biệt.
Với tôi việc leo cây không những không mệt mà còn thấy khỏe. Ngày nào tôi cũng đạp xe đạp mấy cây số đi chợ, chẳng việc gì. Có nhiều hôm thấy hơi đau đầu tôi lại leo lên cây cao, nhìn ra xa để hưởng không khí trong lành.
Những ngày cuối đông, trời đất Nam Đàn như đông cứng trong giá lạnh. Cả quốc lộ 46, bình thường vốn tấp nập là thế nay bỗng nhiên vắng lặng đến ngỡ ngàng. Hiếm lắm mới có được một vài người qua lại. Tuy nhiên, khi đặt chân đến thị trấn Nam Đàn, hỏi nhà cụ Nghị (tên thường gọi của cụ Lan) thì có không ít người nhiệt tình dẫn chúng tôi vào tận nơi.
Ở vùng quê thuần nông của xứ Nghệ này dường như không ai không biết đến cụ Lan bởi khả năng leo cây đặc biệt và cũng rất khác người của cụ. Nhiều người yêu mến, đã đặt cho cụ Lan những biệt danh vui tai như: “cụ Tôn Ngộ Không”, “dị nhân leo cây”, “vận động viên leo cây”, “người có khả năng đặc biệt”...
Bà Nguyễn Thị Thành, một phụ nữ đứng tuổi ở thị trấn Nam Đàn vừa chỉ đường, vừa thể hiện sự thán phục: “Nếu có môn thể thao nào về leo cây thì khó ai có thể vượt qua được “thành tích” của cố (cụ) Lan. Đã ngoại bát tuần nhưng cố leo cây nhanh như một con sóc, mấy đứa thanh niên chẳng ai có thể đuổi kịp. Ai đến xem cố leo cây cũng phải tấm tắc ngợi khen. Nói thật, mới ngần này tuổi nhưng nhìn thấy độ cao chúng tôi đã sợ lắm rồi, vậy mà cố Lan đứng trên cả cành cao hàng chục mét cũng không hề hấn gì. Quả đúng là người leo cây có một không hai ở Việt Nam chứ không chỉ riêng Nam Đàn hay Nghệ An”.
Ấn tượng đầu tiên khi được gặp cụ Lan là một cụ bà có mái tóc bạc như cước, nước da trắng hồng, đôi môi ăn trầu đỏ thắm và một dáng người nhỏ nhắn, di chuyển hết sức nhanh nhẹn và nhẹ nhàng...
Cụ lên tiếng ngay: “Việc leo cây là bình thường, có gì đặc biệt đâu mà các chú phải lặn lội đường xa, rét mướt về tận đây cho khổ. Chung quy cũng tại tôi hay leo cây nên mọi người cứ truyền tai nhau khiến tôi đâm ngại”.
Lần ngược lại ký ức thời gian, cụ Lan kể: Cụ sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 chị em tại thị trấn Nam Đàn, vùng quê nổi tiếng về hiếu học và nghèo khổ. Khi chiến tranh ập đến, 3 chị em cụ mỗi người lưu lạc một phương. Chỉ còn mình cụ ở lại với cha mẹ già và làm đủ nghề để mưu sinh. “Đói thì trục quý (đầu gối) phải bò. Nhà nghèo, cha mẹ già không làm được việc nặng nên tôi phải xoay đủ nghề để có cái ăn cái mặc.
Năm mới lên 12 tuổi, trong vườn nhà có mấy cây nhót, trái sum xuê nhưng chẳng thể nhờ được ai hái hộ. Thấy vậy, tôi đành đánh bạo leo lên tận ngọn cao hái sạch quả chín mang đi bán lấy tiền mua gạo. Nhiều lần như thế, chẳng còn biết sợ hãi là gì nữa. Rồi lâu dần thành quen, cho đến khi lập gia đình, có con, có cháu... không phải leo cây để hái quả mang bán như trước nhưng vẫn cứ thích leo. Một ngày không leo được một vòng lên cây nhãn, cây hồng... trong vườn là cảm thấy bứt rứt, khó chịu”- cụ Lan chân tình chia sẻ.
Cụ Lan cho biết thêm, ngày xưa, mỗi khi cụ leo cây là các bạn đồng niên cứ đứng ở dưới chọc ghẹo hoặc rung cây để hù dọa nhưng cụ không hề sợ. Thậm chí, có nhiều người lớn trong làng, khi nhìn thấy cụ leo lên đến tận ngọt cây cao đã hoảng hốt chạy thẳng đến nhà “mách” với cha mẹ cụ để họ ngăn cụ không được leo trèo như thế nữa nhưng không ai biết rằng vì hoàn cảnh gia đình mà cụ phải làm thế để mưu sinh. Không chỉ leo một cách “nhanh như sóc” lên các cây có cành, có chỗ bám vịn bất kể trời mưa hay trời nắng, ngày hay đêm.
Cụ Lan còn leo lên cả những thân cây trơn trượt như cây cau, cây dừa... một cách thuần thục mà không cần đến bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào. Chính vì thế, vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp... cụ thường là người lêo lên cây cau hái quả. Tất nhiên, cụ Lan cũng từng phải “trả giá” cho thói “ghiền” leo cây của mình bằng một vài lần “hạ thổ” không êm ái.
Đó là lần cụ bước qua tuổi 30, sau một trận bão cây cối đổ ngã nghiêng, cụ phải leo lên chặt cành xoan cho một gia đình trong xóm, không may bị trượt ngã nhào xuống. May mắn là lần ngã đó không bị chấn thương nặng nhưng tay thì bị “bay” một mảng da lớn. Một vài lần sau cụ cũng bị ngã từ trên cây xuống do sơ xẩy nhưng tất cả đều chỉ bị trầy xước ngoài da. Cứ ngỡ, những “trận đòn” đó sẽ khiến cụ sợ hãi mà bỏ dần sở thích không giống ai này nhưng cụ lại càng leo cây nhiều hơn.
Biệt tài đạp xe đường dài
Cụ Lan bên chồng và các con cháu. Ảnh: PV
Khả năng đặc biệt của cụ Lan ngày càng truyền đi xa khi cụ trở thành mẹ của mấy con nhỏ nhưng hàng ngày vẫn leo trèo như một cô bé. Nhiều người từ Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... khi về thăm quê bác, cũng tranh thủ ghé lại thị trấn Nam Đàn để được một lần “nhìn tận mắt” cảnh cụ Lan leo cây.
Cụ ông Nguyễn Nghị - chồng cụ Lan vui vẻ kể, hơn 20 năm trở lại đây cụ Lan ngày càng leo cây nhiều hơn. Đặc biệt từ khi bước qua tuổi 80 ngày nào cụ Lan cũng leo cây. Hầu hết các con trong gia đình cụ Lan đều rất tự hào về khả năng đặc biệt của mẹ mình. Anh Nguyễn Văn Khánh - con trai cả của cụ Lan hãnh diện nói: “Mẹ tôi cả một đời tần tảo, chịu khó chịu khổ nuôi con chứ không được sung sướng như người ta. Nhưng may mắn là ông “Trời” lại ban cho mẹ tôi sức khỏe và biệt tài leo cây hiếm người có được.
Từ khi sinh ra và lớn lên, không ít lần tôi được chứng kiến tài năng leo cây của mẹ và cũng không ít lần thót tim. Hàng năm, có rất nhiều đoàn ghé qua nhà tôi xem mẹ tôi leo cây. Hôm nọ, có đoàn ở nước ngoài về thấy mẹ tôi leo cây giỏi quá, họ đùa rằng: Nếu công ty nào cần người đóng quảng cáo sâm thì chỉ phải nhờ tới cụ mới đúng người”. Bí quyết leo cây của cụ Lan không có gì lớn lao ngoài hai chữ rèn luyện và kiên định. “Ở đời, việc gì khó làm nhiều sẽ quen. Nhưng việc leo được cây cao thì tinh thần phải vững vàng, đó là điều bắt buộc” – cụ Lan nói.
Cũng nhờ thường xuyên leo cây mà sức khỏe của cụ Lan rất tốt, từ khi sinh ra cho đến khi bạc đầu, chưa bao giờ cụ bị ốm quá một tuần và cần đến sự hỗ trợ của các loại thuốc bổ. Ngoài biệt tài leo cây, cụ Lan còn có tài đi xe đạp đường dài với vận tốc ngang bằng xe đạp đua. Nay đã 82 tuổi nhưng cụ Lan có thể đạp xe đi hàng chục cây số vẫn không hề hấn gì. Ngồi ô tô xuyên Việt cũng chẳng hề mệt nhọc gì.
Mặc dù trời đông khá lạnh, nhưng trước đề nghị của chúng tôi cụ Lan vẫn vui vẻ dẫn chúng tôi ra cây phi lao cao gần 15m phía sau nhà để trổ tài. Đây là một cây phi lao cổ thụ có thân khá to và nhẵn, không có nhiều cành để vịn tay như những cây khác trong vườn. Tuy nhiên, khi tôi chưa kịp mang máy ảnh ra chụp thì cụ Lan đã thoắt leo lên đến ngọn cây. Và khi chúng tôi đề nghị cụ thao tác lại, chỉ chưa đầy 3 phút, từ mặt đất cụ đã ung dung ngồi trên ngọn cây bõm bẽm nhai trầu rồi nở một nụ cười nhân hậu. Không có cảnh thở dốc, không có cảnh run rẩy vì sợ... như vẫn thường thấy. Có chăng, đó là hai bàn tay và hai đôi chân nhăn nheo đang bám lấy những cành cây yếu ớt một cách chắc chắn.
Tiếp đó cụ Lan còn dẫn chúng tôi vào cây hồng xiêm trước nhà để chứng tỏ sức bền bỉ của mình. Như để trấn an nỗi lo trong chúng tôi, vừa tiếp đất cụ Lan đã nói ngay: “Nếu leo thế này tôi có thể leo lên được cả chục lần trong một buổi. Với tôi việc leo cây không những không mệt mà còn thấy khỏe. Ngày nào tôi cũng đạp xe đạp mấy cây số đi chợ, chẳng việc gì. Có nhiều hôm thấy hơi đau đầu tôi lại leo lên cây cao, nhìn ra xa để hưởng không khí trong lành”.

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT