Nếu có 1 tỉ đôla, bạn sẽ làm gì trước tiên? Mua du thuyền? Máy bay phản lực? Hay thậm chí một hòn đảo? Không ai trong số 10 tỉ phú hàng đầu thế giới mà tạp chí Forbes hỏi chuyện gần đây dùng số tiền khổng lồ đó cho bất cứ lựa chọn nào kể trên.
Tạp chí uy tín này vừa thực hiện một cuộc "bàn tròn" thú vị với sự góp mặt của 10 tỉ phú nổi tiếng. Mỗi tỉ phú tham gia chương trình đều trả lời 10 câu hỏi liên quan đến một loạt vấn đề từ rất trọng đại và vĩ mô như kinh tế thế giới, chiến lược đầu tư, đến rất đời thường như nghề nghiệp mơ ước hay lợi ích của việc là một tỉ phú.
Với câu hỏi "Làm tỉ phú thì được lợi gì?", đại gia ngành da giày người Ý Mario Moretti Polegato thích nhất là có thể "đến bất cứ chỗ nào trên thế giới cực nhanh". Ông trùm y tế Ấn Độ Malvinder Singh, người cùng với em trai sở hữu đến 3,2 tỉ đôla, thì thấy lợi nhất là có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, nhờ đó không chậm chân trong những phi vụ kinh doanh mạo hiểm.
Tỉ phú Mỹ Steven Schonfeld, người vươn lên từ ngành may mặc, hơi khác một chút, dành thời gian để chơi với con gái, chơi golf và chơi bài với "các chiến hữu". Nhưng quan trọng hơn, trở thành tỉ phú khiến ông "không còn phải lo lắng về tiền". Nhưng ông biết mình may mắn thế nào và không bao giờ coi nhẹ điều đó.
Với tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani, làm tỉ phú hay ở chỗ "nhiều người sẵn sàng đặt lòng tin vào mình", nhưng điều đó cũng có nghĩa là trách nhiệm lớn ngang tài sản.
10 tỉ phú trong cuộc đàm đạo với Forbes (Tên - Quốc tịch - Ngành - Tài sản tính đến tháng 3/2010)
Donald Trump (Mỹ - Bất động sản - 2 tỉ USD)
Steven Schonfeld (Mỹ - Kinh doanh quyền sở hữu - 1 tỉ USD)
Malvinder Singh (Ấn Độ - Y tế - đồng sở hữu 3,2 tỉ USD với Shivinder Singh)
Stewart Rahr (Mỹ - Phân phối dược phẩm - 1,9 tỉ USD)
Mario Moretti Polegato (Ý - Giày dép - 2,4 tỉ USD)
Ricardo Salinas Pliego (Mexico - Bán lẻ, truyền thông, tài chính - 10,1 tỉ USD)
R.J. Kirk (Mỹ - Dược phẩm - 1,5 tỉ USD)
Bahaa Hariri (Thụy Sĩ - Bất động sản, đầu tư, dịch vụ logistics - 3 tỉ USD)
Enrique Banuelos (Tây Ban Nha - Bất động sản - 1,5 tỉ USD)
Gautam Adani (Ấn Độ - Hàng hóa, cơ sở hạ tầng - 4,8 tỉ USD)
Nói về công việc mơ ước, hầu hết các tỉ phú đều không muốn làm một ai khác ngoài... chính họ. Không phải chỉ bởi vị trí họ đang có đã là mơ ước của bao nhiêu người, mà quan trọng hơn là họ "được diễn trên sân khấu của chính mình". Tỉ phú Adani nhấn mạnh: "Tôi không thể để bất cứ ai ra lệnh cho mình".
Nhưng nếu có thể làm một công việc khác, ông Singh và tỉ phú người Libăng mang quốc tịch Thuỵ Sĩ Bahaa Hariri sẽ chọn công ty sáng tạo nhất thế giới với vị CEO xuất sắc nhất thế giới làm đích đến - Apple và Steve Jobs.
"Chính mình" cũng là câu trả lời của đa số các tỉ phú cho câu hỏi quan điểm kinh tế của ai là đáng tin cậy, bởi họ chính là những người đang đối mặt mỗi ngày với các quyết định kinh doanh. Một số tên tuổi khác được nhắc đến là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet; cựu và đương kim Chủ tịch FED - Alan Greenspan và Ben Bernanke, và... Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Thế các tỉ phú ghét làm công việc gì? Với ông trùm dược phẩm Mỹ R.J. Kirk, một việc làm đáng ghét là một việc làm "chỉ để kiếm được tiền càng nhanh càng tốt".
Ông Polegato thì đơn giản là không muốn làm "những công việc không có tính sáng tạo", còn ông trùm bất động sản Donald Trump sẽ không làm những việc ông "không thích và thấy không phù hợp".
Một điều thú vị là, không ai trong số 10 tỉ phú cho rằng "Tổng thống Mỹ" là một công việc lý tưởng.
Nhân tiện, nếu được phép "chấm điểm" Tổng thống Obama, thang điểm các tỉ phú đưa ra có thể từ cao nhất đến không thể thấp hơn. Nhìn chung, các tỉ phú không mang quốc tịch Mỹ cho điểm ông Obama khá hào phóng nhờ nỗ lực đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng, cứu vãn hình ảnh Hoa Kỳ, cải cách hệ thống y tế, giải quyết xung đột ở một số khu vực trên thế giới; và sẵn sàng cho ông "thêm thời gian".
Trong khi đó, các công dân giàu có của Mỹ tỏ ra khắt khe hơn với người đứng đầu đất nước. Tỉ phú Donald Trump cho Tổng thống điểm C vì một số chính sách chưa hiệu quả. Ông Bahaa Hariri cũng chọn điểm C vì "ông ấy cần tìm một cách tiếp cận cân bằng hơn trong chính sách tài chính". Một ông trùm ngành dược khác của Mỹ, Stewart Rahr, chấm Tổng thống điểm "dưới F" (nghĩa là "G") mà không kèm theo giải thích gì.
Chia sẻ về quyết định thành bại trong kinh doanh, Stewart Rahr nửa đùa nửa thật gọi "giấy đăng ký kết hôn" là khoản đầu tư vừa thành công nhất, vừa thất bại nhất đời mình. Với Mario Moretti Polegato, "ngừng lại" là quyết định sai lầm nhất: "Ngừng đầu tư cho phát minh của mình, ngừng tìm kiếm đối tác để biến phát minh đó thành hiện thực". Còn "mua bằng mọi giá" là bài học để đời mà Malvinder Singh không bao giờ muốn lặp lại.
Tuy thành công rực rỡ trong sự nghiệp nhưng cả Donald Trump và tỉ phú ngành bán lẻ người Mexico Ricardo Salinas Pliego đều thừa nhận đã từng mắc những sai lầm "nhiều đến nỗi không kể hết" và "tệ đến nỗi không muốn nhớ".
Thế còn quyết định đầu tư khôn ngoan nhất? Tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani lúc còn thiếu niên đã biết mua kim cương đã chau chuốt để bán dần cho các thương lái trên đường phố Mumbai. "Vụ mua bán đó là tuyệt nhất vì nó làm tôi tự tin rằng mình có khả năng thương thảo", Adani tự hào nói.
Nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu khởi sắc nhưng nhìn chung, chiến lược đầu tư trong năm nay của các tỉ phú đều thận trọng hơn. Tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani chọn các dự án được chính phủ nước mình ưu tiên trọng tâm. Trùm bất động sản Tây Ban Nha Enrique Banuelos thì hạn chế sử dụng các công cụ đòn bẩy, đầu tư vào tài sản và "trau dồi kiến thức quản trị".
"Cắt giảm chi phí một cách ngôn ngoan để đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho bất cứ biến động nào của nền kinh tế" là lựa chọn của Ricardo Salinas Pliego. Tỉ phú Singh chọn ngành dịch vụ (y tế và tài chính) thay vì ngành sản xuất. Bất động sản tiếp tục là miền đất hứa của Donald Trump và Mario Moretti Polegato. Trong khi chiến lược của Stewart Rahr vẫn kiên định "mua rẻ, bán đắt".
Nhận định về các khoản đầu tư dài hạn của 10 tỉ phú cũng rất khác nhau. Gautam Adani chọn cổ phiếu các công ty năng lượng và quản lý nguồn nước. Đây cũng là lựa chọn của tỉ phú Enrique Banuelos. Ông R.J. Kirk chọn các công nghệ phục vụ cuộc sống con người. Còn Ricardo Salinas Pliego và Steven Schonfeld đánh giá cao việc đầu tư vào các nhu cầu cơ bản của người dân.
Dự báo đâu là rủi ro cho nền kinh tế thế giới trong thời gian tới, ngoài những lựa chọn phổ biến như tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính, tình trạng nợ xấu của chính phủ và các ngân hàng, chi tiêu công và thâm hụt ngân sách chính phủ; Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ cũng là mối lo ngại của nhiều tỉ phú.
Tỉ phú Mario Moretti Polegato khá quan ngại vì tình trạng thiếu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, còn Gautam Adani cảnh báo những rủi ro về an ninh lương thực và năng lượng.
Và sau cùng, trầm ngâm cùng câu hỏi "Di sản ông để lại cho cuộc đời là gì?", Donald Trump cho là "những công trình xây dựng của tôi mà nhờ đó thành phố New York trở nên tráng lệ hơn". Ông cũng khẳng định con cái ông sẽ tiếp bước tư duy của cha.
Những gì mà Gautam Adani đóng góp cho đất nước Ấn Độ, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, cũng là điều ông tin tưởng sẽ trường tồn. Tỉ phú Ricardo Salinas Pliego cũng tin rằng đất nước sẽ ghi nhớ ông là người "đã thúc đẩy những thay đổi tích cực trong kinh doanh và xã hội Mexico - kể cả nếu hiện nay vẫn còn có người chưa hiểu hết".
Tỉ phú Malvinder Singh mong dịch vụ y tế giá rẻ - chất lượng cao của mình có thể giúp đỡ người dân trên toàn thế giới. Ông trùm bất động sản Tây Ban Nha Enrique Banuelos thì tin rằng "di sản" của mình vẫn còn ở phía trước: một điều có lẽ chỉ thay đổi cuộc sống của một phần mười triệu nhân loại, nhưng là theo hướng tốt đẹp hơn.
Tỉ phú Stewart Rahr thậm chí còn không nghĩ đến cái gọi là "di sản".
Theo TuanVietNam

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT