Nếu nhìn vào báo cáo tổng kết của hội sách vừa rồi thì Đảo mộng mơ của Nguyễn Nhật Ánh (với 10 ngàn cuốn bán ra) đã vượt qua mặt siêu phẩm Biểu tượng thất truyền của Dan Brown (7,5 ngàn bản) và Kẻ cướp tia chớp của Rick Riordan (2 ngàn bản). Nếu tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh mà ở Mỹ và viết văn bằng tiếng Anh thì sao nhỉ? Nguy cơ… triệu phú đôla sẽ hiện diện trước cửa nhà, và vị thế của nhà văn trong xã hội cũng bớt phần rẻ rúng.
Cấu trúc mộng mơ
Cấu trúc của Đảo mộng mơ vẫn ổn định với phong cách viết văn ít kịch tính của Nguyễn Nhật Ánh xưa nay; thế mạnh vẫn là những khía cạnh tâm lý của lứa tuổi tiền dậy thì được tác giả phác hoạ sinh động, gần gũi và sâu sắc.
Bản bìa mềm gồm 220 trang, khổ 20,5 x 13,5cm, cấu trúc như sau: 62 trang đầu tiên miêu tả sự phát kiến ra hòn đảo mộng mơ (vốn là đống cát nhỏ trong vườn) của Tin, nhân vật chính; 50 trang tiếp theo là thuyết phục Bảy làm phó chúa đảo và Thắm làm chúa đảo phu nhân, đặt tên cho hòn đảo là Robinson; đến trang 120 thì hòn đảo này đi vào bài tập làm văn, với ba phiên bản y hệt nhau làm cô giáo ngạc nhiên; trang 132 thì cô giáo đến “tham quan” đảo và “cho” đây là hòn đảo; trang 157 thì vỡ ra sự thật hòn đảo này sẽ biến mất vì chuyện xây kho; trang 196 thì nhóm thợ xây đến, Tin đi học mà tâm trạng ủ ê; trang 204 ghi nhớ khoảnh khắc hòn đảo phục sinh, vì ba Tin mua cát khác về xây kho, không nỡ phá tan nơi vui chơi và giấc mơ thiên nhiên của con trẻ; trang 214, sau khi đảo hoang Robinson được công nhận trên báo, nay đã có người ở, thì Tin “chúa đảo” quyết đổi tên thành đảo Cát. Suốt hành trình mộng mơ, Tin và Bảy đã hết sợ Phàn, vốn là tay bắt nạt và cướp tiền của tụi học sinh ốm yếu; nhóm cũng giúp cho dì Sáu Dừa phát hiện ra cu Mít (tám tuổi) ăn trộm đồ, bị nghiện ma tuý và giúp công an bắt nhóm buôn bán ma tuý học đường.
Chủ đạo của tập truyện này là một giấc mộng được xây dựng ngay giữa đời thực, và đã trở thành hiện thực. Tất nhiên không thể vì giấc mộng kỳ khôi này mà có đến 10 ngàn độc giả tìm đến, vì lúc ấy sách chưa được bán, chưa được đọc, lấy đâu lời đồn tìm mua; họ mua vì cái tên Nguyễn Nhật Ánh, người dệt mộng cho tuổi mới lớn nhiều năm qua.
Ai cần giấc mộng?
Để trả lời câu hỏi tại sao bộ truyện Harry Potter lại trở thành sách bán chạy trên toàn thế giới thì cũng thật khó khăn. Tuy nhiên, dưới góc độ xã hội học, có thể hiểu các nhân vật pháp thuật, các nhà giả kim, các trường dạy phù thuỷ… là nơi khởi nguồn các giấc mơ về khoa học, hoá học, y học. Thời trung cổ ở phương Tây, chính thống giáo quy tội các nhà khoa học, nhà y học độc lập, kiểu “lang vườn” này là phù thuỷ, là tiếp tay tà ma… cần phải huỷ diệt. Gần đây, rất nhiều các tiểu thuyết bán chạy (như các cuốn sách của Dan Brown), các phim ăn khách, thật ngẫu nhiên, lại xoáy vào đề tài “phản Vatican” này và được chào đón. Harry Porter đã trả lại cho trẻ em, tuổi mới lớn ở phương Tây giấc mơ cổ tích, nơi mỗi cá nhân có quyền nuôi giấc mộng, xây giấc mơ của riêng mình. Hơn nữa, trước khi thành sách bán chạy, J.K.Rowling cũng chỉ nghĩ mình viết như là cách để nuôi dưỡng cuộc sống đang tuyệt vọng, là cách hồi tưởng về thời tuổi trẻ của mình.
Nguyễn Nhật Ánh cũng đã là người bắc cầu mộng cho lứa tuổi đang rất cần sự mơ mộng. Có ý kiến cho rằng Nguyễn Nhật Ánh thành công vì gần như anh đang một mình một chợ, nhưng thực ra, số người muốn viết cho lứa tuổi này cũng không ít, nhưng sau một hai tác phẩm thất bại thì thường vỡ mộng, bỏ nghề. Viết cho tuổi này thì cốt tử vẫn phải có một giấc mộng, nhưng không phải ai cũng thấy mình gần mộng để viết. Mộng của Nguyễn Nhật Ánh thường không gắn với phép thuật, chuyện phiêu lưu kỳ bí, mà là những chốn sống thường nhật, nhưng được lãng mạn hoá. Ví dụ như chuyện Tin mơ đống cát của ba sẽ trở thành hòn đảo vĩnh viễn, nghe tưởng dễ thực hiện, nhưng ở đời, mấy khi con cái được cha mẹ thông cảm.
Trong xã hội nặng lý tính ngày nay, các giấc mộng dường như hết đất sống, dù lứa tuổi mơ mộng thì rất nhiều, chính vì vậy, ai đáp ứng được giấc mộng thì được lứa tuổi này chào đón, tri ân.
Theo SGTT
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT