Hai năm trở lại đây, phim Việt đang thể hiện mình đang trên đà tuột dốc, làm khán giả nhà trở nên ngán ngẩm với các bộ phim “made in Vietnam” thay vào đó, họ xem các phim nước ngoài nhiều hơn.

Rùng mình với sex

Với xu hướng làm phim hiện đại và việc ứng dụng các phát triển của công nghệ điện ảnh thế giới, phim ảnh Việt Nam được hưởng lợi khi được tiếp nhận những kỹ thuật làm phim tân tiến. Chuyện áp dụng kỹ thuật làm phim là chuyện đã đành, được các nhà làm phim chú ý đưa vào phim, nhất là với những cảnh sex nghệ thuật, vốn không thường xuyên (được) xuất hiện trần trụi trong các phim điện ảnh. Tuy nhiên, điều mà các khán giả xem phim thắc mắc là thời lượng những cảnh mang hơi hướm sex xuất hiện quá rầm rộ trên màn ảnh Việt, với cấp số nhân chứ không theo kiểu lác đác vài phân đoạn. Và dường như, khi phát biểu trong các bài phỏng vấn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, diễn viên đảm nhận vai diễn cho thấy họ cũng dần suy nghĩ khá thoáng và không hề mặc cảm cho vai diễn “cảnh nóng”, “cảnh tươi mát” mang nặng vấn đề sex, phản cảm như trước đây.


Cô diễn viên A, chàng diễn viên B tha hồ “cởi truồng” và diễn đủ thứ trên màn ảnh mà quên rằng mình đang ở Phương Đông chứ không phải Phương Tây. Nếu như thời còn phim đen - trắng, diễn viên, các nhà làm phim tế nhị và thể hiện sự văn minh, chú trọng đến văn hóa khi làm những cảnh nóng. Trong những shoot hình quay việc “nhạy cảm” như chuyện cô dâu, chú rể động phòng chỉ cần hai diễn viên tiến lại gần nhau, ôm nhau là đạo diễn cho chuyển sang cảnh quay khác chứ không cần phải cởi đồ, quằn quại trên giường như “hổ vồ mồi” như phim Việt thời nay thì mới được.


Bây giờ 10 phim Việt đã có đến chín phim có yếu tố sex trong đó khán giả xem phim biết là vậy nhưng không thể làm khác hơn. Nghe tựa phim hay quá, diễn viên diễn xuất trẻ, đẹp ai mà không chú ý theo dõi đến khi phim lên sóng được vài tập xem mới thấy sex rồi ngán ngẩm. Như phim “Trung Úy” tưởng đề cập đến chuyện chiến tranh, đến một chức vụ cao cả của người bộ đội nhưng ai dè trong phim toàn sex. Hay với bộ phim đình đám đoạt nhiều giải thưởng ở nước ngoài “Bi đừng sợ”, khán giả phải “choáng” khi thấy quá nhiều cảnh sex. Sex cùng với “cảnh nóng” là điểm chung tìm gặp được ở các bộ phim Việt thời điểm bây giờ.

Liên tục “đạo”

Thời gian gần đây, tình trạng “đạo” phim liên tục xuất hiện trong làng điện ảnh Việt. Đến các cơ quan lớn như Hội điện ảnh Việt, Cục điện ảnh cùng các cơ quan chức năng có liên quan cũng “im lặng” không có cách giải quyết hay biện pháp gì cụ thể để triệt tiêu hoàn toàn ung nhọt này. Thậm chí là chuyện bộ phim ngang nhiên “đạo” vẫn được đề cử giải Cánh diều vàng. Mãi đến khi dư luận phản ánh gay gắt thì mới loại ra danh sách đề cử.



Chính vì sự dễ dãi và buông lỏng trong việc quản lý nên các bộ phim Việt tha hồ được các đạo diễn nước nhà thoải mái copy ý tưởng, mượn nhạc, mượn kịch bản, đến khi nào kiện tụng thì không thấy cơ quan nào chịu đứng ra giải quyết. “Giao lộ định mệnh” của Victor Vũ copy gần như nguyên xi phim “Shattered” của Mỹ là một ví dụ đình đám trong gần đây.

Sau “Giao lộ định mệnh”, đạo diễn Victor Vũ tiếp tục bắt tay cho ra “bom tấn” đúng ngay mùa Tết “Cô dâu đại chiến” nhưng sau khi công chiếu thì lại quá giống với kịch bản bộ phim “Xin thề anh nói thật” của biên kịch Nguyễn Quỳnh Trang và đạo diễn Phi Tiến Sơn.

Có nhiều nguyên do giải thích cho việc “kén cá chọn canh” này. Sự mất uy tín và thiếu trách nhiệm của nhà làm phim trong việc không chăm chút cho “đứa con tinh thần” của mình là nguyên do khiến khán giả rời xa họ.

Kịch bản và diễn xuất và tệ

Năm qua, phim Việt không khởi sắc là bao, mặc dù được đầu tư tiền tỉ cũng không làm nên sự tích gì. Trường hợp của “Tây sơn hào kiệt” được đầu tư số tiền “khủng”, dàn diễn viên được PR với nhiều thông tin hấp dẫn nhưng đến khi ra mắt mới thấy kịch bản dở, diễn xuất của diễn viên chưa đạt. “Em hiền như ma sơ” ra mắt vào dịp giáng sinh năm qua cũng trở thành nỗi ám ảnh cho khán giả khi đã "trót dại" mua vé thưởng thức.




Còn “Bóng ma học đường” của đạo diễn Lê Bảo Trung chưa ra mắt thì đã rộ lên thông tin, nào là phim 3D đầu tiên ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên làm phim mới, dàn diễn viên trẻ đẹp… nhưng khi bộ phim ra rạp, các khán giả xem mà phải “than ngắn, thở dài”. Dàn diễn viên được đầu tư và tập trung những tên tuổi lớn trong làng giải trí như: Hoài Linh, Hoa khôi Ngọc Diệp, ca sỹ Tim… cũng không làm nên trò trống gì.

“Thiên sứ 99” cũng được giới thiệu rình rang là phim hài sẽ “đốt nóng” các rạp mùa Tết với sự tham gia diễn xuất của các hotboy, hotgirl. Chỉ có điều, khả năng diễn xuất của các diễn viên "xém" làm khán giả phải... té xỉu. “Anh chàng vượt thời gian” vừa mới ra mắt mới đây cũng bị chung số phận, diễn viên diễn xuất như là đang đối thoại kịch.


Chưa hết, một nguyên nhân phổ biến nữa là các nhà làm phim Việt đang thiếu ý tưởng nghiêm trọng nên nội dung các bộ phim cứ xoay quanh và na ná nhau. Quẩn đi, quẩn lại cũng là chuyện công ty, chuyện làm ăn trên thương trường hay tình yêu tay ba. Việc không có ý tưởng để làm phim đã đẩy các nhà làm phim đến chuyện mua bản quyền phim nước ngoài về tái chế lại và cho thêm ít “dầu, mỡ, bột ngọt” nhưng bộ phim hoàn toàn không có sức hấp dẫn gì so với nguyên bản gốc như: “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Anh em nhà bác sỹ”, “Lối sống sai lầm”… và gần đây là “Người mẫu”, phiên bản Việt đang trong quá trình khởi quay.

Kết

Khán giả là những “thượng đế”, họ có quyền được lựa chọn những gì họ thích. Nếu các nhà làm phim không chiều chuộng hay tìm cách giữ chân họ lại thì tương lai phim Việt sẽ trở nên thiếu vắng người xem, cho dù bộ phim đó có hay đến mấy đi chăng nữa
Theo 2Sao

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT